DIỀU SÁO QUÊ HƯƠNG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

DIỀU SÁO QUÊ HƯƠNG - 1

 

Trên trời tiếng sáo vi vu,

Dưới đồng mấy bác nông phu về làng

Chỉ với đôi câu Lục bát 14 từ đơn giản, mộc mạc ấy, tác giả (khuyết danh) đã vẽ nên cảnh đồng quê vùng Đồng bằng sông Hồng thật thanh bình, êm ả. Từ thuở còn nằm lòng mẹ, tôi đã được nghe Mẹ tôi hát ca dao và tiếng sáo diều vi vu đã làm nhẹ đi không khí oi bức buổi trưa hè, ru tôi vào giấc ngủ với giấc mơ bay bổng theo cánh diều quê hương và dàn hòa âm của sáo diều vi vu, trầm hùng.

Tôi lớn lên với tiếng sáo và cách diều quê hương

Và…

Tuổi xanh cầm súng lên đường,

Bạc đầu trở lại quê hương… thả diều!

Ước mơ đẹp và thật đơn giản. Nhưng đã mấy ai và dễ gì có được sự thanh thản ấy của tuổi già!

Thật vậy, vì cuộc mưu sinh và hàng trăm lý do khác nhau, nhiều người trong chúng ta, từ trai trẻ cho đến lúc bạc đầu vẫn phải tha hương trên nhiều vùng miền của Tổ quốc. Với tôi, cái ước vọng “Bạc đầu trở lại quê hương…thả diều!”, chỉ là…thi thoảng, dăm mười năm mới được một lần. Năm ấy, thật vô cùng may mắn, tôi được trở lại quê hương đúng vào dịp “HỘI SÁO ĐỀN”.

DIỀU SÁO QUÊ HƯƠNG - 2

Tôi quê ở làng Thông, xã Bình An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, cách Song An chừng 2km, nơi có HỘI SÁO ĐỀN hằng năm được tổ chức vào ngày 25/3 Âm lịch. Từ thuở nhỏ, tôi đã được Mẹ bế trên tay hoặc lẫm chẫm chạy theo anh theo chị đi trẩy hội. Từ sáng sớm, người tứ xứ đã đổ về đông như kiến cỏ. Lá cờ Hội với tua đỏ, tua vàng rộng bằng cả gian đình bay phần phật bên gốc đa cổ thụ trước sân đình. Những chiếc cọc tre đóng xuống đất, căng dây chão (loại dây thừng lớn bện bằng dây đay) căng ra ngăn cách người xem với sân “đô vật”, chọi gà. Những cái cột gỗ bôi mỡ trơn để người dự thi “Leo cột mỡ”. Trên mặt hồ rộng có tổ chức thi bắt vịt. Đặc biệt, ở hồ lớn trước Đại Điện thờ Công chúa Ngọc Giao, hàng trăm con diều lớn, nhỏ, có con diều cánh rộng dài tới 30m. Những bộ sáo lớn, nhỏ, nhiều tầng, có cái sáo “bì” to bằng đứa trẻ lên 2, miệng sáo to như cái nồi đồng đúc đường kính 20-30cm từ khắp các làng xã.

Trên hòn đảo giữa hồ, người ta cắm 2 cái câu liêm, người thả diều cho dây diều vào giữa, người cầm dây đứng trên bờ, diều buông lên, dây diều bị vướng vào câu liêm là bị loại. Sơi dây diều phải lọt giữa 2 móc câu liêm. Con diều bay vút lên cùng với tiếng sáo “bi bi bi – bô bô bô” trầm hùng. Hàng trăm con diều bay lên không trung lơ lửng trong làn mây trắng trời xanh. Hằng trăm dàn sáo lớn nhỏ với nhiều cung bậc âm thanh trầm bổng cùng hòa âm như một dàn giao hưởng trầm hùng giữa trời xanh bao la.

HỘI SÁO ĐỀN quê tôi có từ lâu đời, tương truyền từ Thế kỷ thứ 14, 15 (thời kỳ Nam Bắc phân tranh) Chúa Trịnh ra đàng Ngoài; Chúa Nguyễn vào đàng Trong. Để động viên tướng sĩ, danh tướng Đinh Lễ đã nghĩ ra một trò chơi thanh cao là DIỀU SÁO. Bờ Bắc sông Gianh (Quảng Bình) chính là nơi xuất xứ của DIỀU SÁO. Khi Đinh Lễ tuổi già được triều đình cho về trí sĩ ở quê hương (An Lão, Thái Bình). Chính Đinh Lễ và các tướng sĩ của ông đã đem nghệ thuật làm DIỀU SÁO truyền cho dân làng. Từ đấy, DIỀU SÁO được lan truyền khắp vùng châu thổ sông Hồng. Vô cùng may mắn cho mẹ con Công chúa Quỳnh Giao, một người thiếp của Nguyễn Trãi trong đêm xảy ra vụ án oan LỆ CHI VIÊN (vụ án vườn vải Nguyễn Trãi bị quy oan giết vua, bị tru di tam tộc). Tình cờ hôm đó Công chúa đưa con về thăm cha mẹ đẻ, nhờ vậy mà thoát nạn. Danh tướng Đinh Lễ đưa con gái và cháu ngoại vào trốn trong chùa. Công chúa ngày đêm cầu kinh niệm Phật, cầu cho quốc thái dân an. Công chúa còn dạy cho dân làng trồng dâu, nuôi tằm. Công tử Anh Vũ lớn lên rất say mê diều sáo được ông ngoại truyền nghề, cậu làm diều, khoét sáo rất giỏi, chiều chiều cùng bạn bè trang lứa thả diều trên cánh đồng quê hương, đêm đêm nằm nghe tiếng sáo với những ước mơ bay bổng, yêu đời. Sau khi vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, Anh Vũ được gọi về triều phong tước Kim Tiền Quốc Tử Vinh. Truyền thuyết kể rằng Anh Vũ chính là Cụ Niệm tỷ tổ đời thứ nhất dòng họ Nguyễn đại tộc làng Thông – Bình An quê tôi (Cụ Niệm là tổ 14 đời của Tiến sĩ Nguyễn Như Thức – khoa Nhâm Thìn – 1647, hiện có bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám).

Hơn 400 năm cánh diều và tiếng sáo vi vu trên bầu trời cao xanh đã đi vào ký ức bao nhiêu thế hệ, là niềm vui, niềm tự hào của một hình thái giải trí thanh cao, rất độc đáo của dân tộc Việt Nam. Tôi đã có dịp đi và sống ở một số nước như: Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia. Có thể tôi chưa hiểu hết nhưng chưa thấy ở nơi nào có loại hình giải trí diều sáo độc đáo này. Thiết nghĩ diều sáo quê hương ta rất xứng đáng được đệ trình lên UNESCO xét công nhận di sản văn hóa vật thể của thế giới

Đêm mơ nghe tiếng sáo diều,

Nhớ quê, nhớ bạn, thương yêu vơi đầy.

Quê nhà biết mấy đổi thay,

Sáo diều thao thức dạ này khôn nguôi…

DIỀU SÁO QUÊ HƯƠNG - 3

Với biết bao kỷ niệm thân thương, gắn bó với Diều Sáo, những con người xa xứ lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã tập hợp lại và hình thành CÂU LẠC BỘ DIỀU SÁO QUÊ HƯƠNG, đem diều sáo của Đồng bằng Bắc Bộ vào bầu trời xanh phương Nam. Tuy mới thành lập, Câu lạc bộ đã thu hút hàng trăm hội viên, với hàng trăm con diều sáo từ các quận, huyện TP.HCM đến Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Chiều chiều (nếu không có mưa) trên bầu trời quận 9:

Những cánh diều cong cong

Trên bầu trời xanh trong

Ngân vang tiếng tơ lòng…

Lại bay lên, ngân vang dàn giao hưởng trầm hùng…

S.A

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT