CA NHẠC- MỘT SẢN PHẨM DU LỊCH PHỤC VỤ DU KHÁCH! KỲ 2: ÂM NHẠC DÂN TỘC BIỂU DIỄN TẠI GIA

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CA NHẠC- MỘT SẢN PHẨM DU LỊCH PHỤC VỤ DU KHÁCH! KỲ 2: ÂM NHẠC DÂN TỘC BIỂU DIỄN TẠI GIA - 1Khi nhắc đến hình thức ca nhạc dân tộc ở TP.HCM, hẳn người ta sẽ nghĩ ngay đến Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen... Nhưng, cũng có những “nhà hát” tại gia như “nhà GS- TS Trần Văn Khê” rất bác học, còn sang trọng và đài các thì có quán trà “Điểm Một Thời” của Sỹ Hoàng, và nay còn có “Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai” của đôi vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Linh và Tuyềt Mai... Tất cả đã làm nên một không gian âm nhạc không chỉ bảo tồn và lưu giữ những giá trị quý giá của âm nhạc dân tộc tuyệt vời mà còn quảng bá với du khách bản sắc văn hóa phong phú, thông qua âm nhạc truyền thống âm nhạc giàu ngữ điệu và âm sắc của Việt Nam.

 

CÓ “MỘT THỜI” NHƯ THẾ...

Thủa ấy, giới báo chí cũng như giới hoạt động du lịch đều biết “điểm đến thú vị” là Quán trà Điểm Một Thời của Nhà Thiết kế Thời trang Sỹ Hoàng. Ở đó, có một không gian và nội thất được thiết kế rất thuần Việt, cách bài trí luôn gợi cho du khách sự trầm mặc, cổ kính hết sức tinh tế và luôn phảng phất mùi hoa huệ. Khi các nghệ sĩ bắt đầu biểu diễn, hương trầm được đốt lên và du khách có thể chìm đắm bên tách trà thơm ngát. Đến đây, họ không phải chỉ để nghe âm nhạc, để nhìn ngắm mọi sự vật mà họ còn phải vận dụng cả "ngũ quan" để nắm bắt cho được cái Hồn Việt... Trong một không gian "tĩnh" như thế, nên dù không hề có biển báo, du khách vẫn tự động tắt điện thoại di động, không hút thuốc, thậm chí còn cởi giày đi chân không trên lớp thảm cách âm để không làm người khác phân tâm...

CA NHẠC- MỘT SẢN PHẨM DU LỊCH PHỤC VỤ DU KHÁCH! KỲ 2: ÂM NHẠC DÂN TỘC BIỂU DIỄN TẠI GIA - 2

Tại Điểm Một Thời, chương trình biểu diễn đều do các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn với cả dòng nhạc bác học như nhạc cung đình... lẫn dòng nhạc dân gian như Ca Trù, Chầu Văn, Quan Họ, Đờn ca Tài tử, Cải lương... Các buổi diễn người ta đã không quên âm nhạc của các dân tộc ít người như Tây Nguyên, Chăm, Mèo... kể cả giới thiệu các nhạc cụ ít phổ biến như đàn K’ní, đàn đá... Vì thế, các buổi diễn ca nhạc dân tộc ở đây có nét độc đáo rất riêng của Điểm Một Thời. Có lẽ vì thế mà nơi đây, vào năm 2004 đã từng vinh dự đón Vua và Hoàng hậu Thụy Điển đến thăm. Vua đã tỏ ra rất thú vị, thậm chí Vua đã... nhai trầu cánh phượng. Còn Hoàng hậu phát biểu: "Sau chuyến đi này, chắc chắn chúng tôi sẽ quan tâm đến nền văn hóa Việt Nam nhiều hơn nữa". Cũng chính vì thế mà vào tháng 11 cùng năm, tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) đã tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam và Điểm Một Thời đã được mời tham gia. Những thành công ấy của một điểm diễn như thế, là nguyên nhân mà lãnh đạo TP.HCM đã chọn Điểm Một Thời để chiêu đãi "tiệc tinh thần" cho quý vị Bộ trưởng tham dự APEC... hồi đó.

Thế nhưng, bây giờ qua chốn ấy, quán xưa trên đường Lý Tự Trọng đã không còn nữa. Nơi đã sáng đèn liên tục suốt gần sáu năm và đã từng tổ chức những buổi “tiệc tinh thần” sang trọng và đài các ấy, nay đã tắt đèn! Bây giờ chốn ấy, trở thành nhà hàng vi cá... Cũng chỉ vì không đủ trả tiền thuê mặt bằng lên đến 240 triệu đồng/tháng, nên một nơi dùng tổ chức “tiệc tinh thần” bị xí chỗ làm nơi ăn uống cao cấp dành cho giới thượng lưu, doanh thương giàu có...

CA NHẠC- MỘT SẢN PHẨM DU LỊCH PHỤC VỤ DU KHÁCH! KỲ 2: ÂM NHẠC DÂN TỘC BIỂU DIỄN TẠI GIA - 3

Kể chuyện một thời đã qua cũng chỉ để ngậm ngùi. Bây giờ may thay cũng có những người khác đã đem được âm nhạc dân tộc đến với thế giới bằng một cách rất riêng.

ĐẾN NHỮNG “NHÀ HÁT TẠI GIA”

Nếu như “Nhà GS- TS Trần Văn Khê” ba tháng mới có một buổi âm nhạc chuyên đề rất sâu sắc và thu hút giới mộ điệu, còn “Trúc Mai House” thì... hễ bất cứ lúc nào khách du lịch cần, “Trúc Mai House” sẵn sàng phục vụ, không màng khách theo đoàn đông hay ít người. Cho dù chỉ có một du khách, họ cũng phục vụ!

Vợ chồng Tuyết Mai - Đinh Linh được khán giả mộ điệu và giới nghệ thuật chuyên nghiệp biết đến từ lâu. Vợ biểu diễn đàn tam thập lục, T’rưng, K’long put, đàn đá, trống. Chồng biểu diễn sáo trúc, đàn bầu, đàn đá, trống, đàn kìm. Nhưng từ khi vào Nam lập nghiệp họ mới trở nên nổi tiếng. Tuyết Mai, không chỉ là solist chính của Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, chị còn nhiều lần được Dàn Nhạc Giao hưởng của HBSO mời trình diễn nhạc cụ dân tộc cùng dàn nhạc, trong các tác phẩm lớn và những chương trình quan trọng. Cuối năm 2009, TP.HCM chào đón Liên hoan Phim Việt Nam- lần thứ 16, bằng một chương trình âm nhạc đặc biệt mang tên “Ấn tượng nhạc và phim”. Một trong những tiết mục tạo được ấn tượng mạnh cho gần 2.000 khán giả trong và ngoài nước có mặt tại Nhà hát Hòa Bình đêm ấy là bài Chầu Văn Cô đôi thượng ngàn, do ban nhạc đến từ “nhà hát Trúc Mai” (Trúc Mai House) trình diễn. Mà “nhà hát Trúc Mai” thì chỉ có ba người: Hai Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Linh, Tuyết Mai và cậu con trai Đinh Duy Thành!

CA NHẠC- MỘT SẢN PHẨM DU LỊCH PHỤC VỤ DU KHÁCH! KỲ 2: ÂM NHẠC DÂN TỘC BIỂU DIỄN TẠI GIA - 4

Không như Quán trà Điểm Một Thời, “Nhà hát Trúc Mai” rất đơn sơ về hình thức và khiêm tốn về không gian trang trí nội thất chỉ bằng dây thừng và mây tre lá. Đó chỉ là phòng khách rộng ở tầng trệt của một ngôi ngôi nhà ba tầng.. mang số 104 nằm ở con đường heo hút Phạm Viết Chánh, của phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Treo trên tường là những cây đàn bầu cổ, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn kìm, những cây khèn... Một góc nhà đặt bộ đàn đá, đàn T’rưng, K’long Put, bộ gõ... Đơn sơ như thế nhưng lại là “một nhà hát” được du khách nước ngoài ca ngợi.

Trong cuốn sổ dầy đặt trên bàn, nơi du khách ngồi thưởng thức ca nhạc có nhiều câu ghi lại cảm xúc của họ khi đến với Trúc Mai house: “Gia đình âm nhạc này hết sức tài năng. Chúng tôi đã được trải qua những khoảnh khắc quá tuyệt vời, hoàn toàn thư giãn giữa một Sài Gòn đầy náo nhiệt” (một khách Pháp); “Những người chơi nhạc tuyệt vời! Một đôi vợ chồng và con cái tuyệt vời! Những nhạc cụ tuyệt vời! Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi hiểu Việt Nam có một thiên nhiên đẹp thế nào và một nền âm nhạc truyền thống tuyệt vời thế nào!” (vợ chồng Charmin đến từ Tahiti); “Buổi biểu diễn của các bạn thật là tuyệt! Rất tài năng, rất say đắm. Xin nói thêm: một gia đình âm nhạc như các bạn thật vĩ đại (great)” (Annisa Rakun, đến từ Mexico); “Thật may mắn khi có được một gia đình âm nhạc như thế này, rõ ràng cha mẹ đã quá thành công khi truyền cho con mình tình yêu âm nhạc truyền thống” (Greg và Kay Wooke, đến từ Melbourne, Úc);Vẻ đẹp và sức mạnh của âm nhạc của các bạn thật đáng kinh ngạc. Quả là một dịp tuyệt vời khi được đến đây và lắng nghe các bạn biểu diễn. Cảm ơn rất nhiều” (Rosemary, Jane, Debby từ New York, Mỹ)...

Chúng tôi đến thăm Trúc Mai House với một show diễn cho du khách vào một buổi chiếu cuối tháng 8.2010. Thật tiếc, hai vợ chồng Đinh Linh và Tuyết Mai không ở nhà. Họ đang phụ trách phần nghệ thuật cho Ngôi nhà Việt Nam tại Triễn lãm Quốc tế World Expo 2010 ở Thượng Hải. Chỉ có cậu con trai cả Đinh Duy Thành cùng với chú ruột Đinh Hà Phương và Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Nhung bạn của ba mẹ, biểu diễn phục vụ du khách. Du khách là gia đình người Pháp, gồm hai vợ chồng và hai đứa con. Họ tỏ ra vô cùng thích thú vì được dẫn giải về xuất xứ của cây đàn bầu một dây có từ xa xưa của Việt Nam, mà không nước nào có. Họ nghe câu chuyện dí dỏm về ý nghĩa của câu ca dao: “Đàn bầu ai gẩy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu...” Và họ được nghe tiếng đàn này lên tiếng, hòa chung với các nhạc cụ khác. Họ được nghe giới thiệu từng tính năng của các nhạc cụ như đàn T’rung, K’long Put, đàn đá. Đặc biệt là bộ sưu tập sáo trúc của gia đình có từ thời ông nội Đinh Thìn để lại, Đinh Duy Thành đã giảng giải và biểu diễn minh họa từng bài sáng tác của ông nội Đinh Thìn, của ba Đinh Linh... Nhưng thú vị nhất là du khách được hướng dẫn chơi đàn T’rưng, K’long Put, đàn đá. Tất cả du khách tỏ ra vô cùng phấn khích khi chơi được một câu đàn...

Ca nhạc dân tộc phục vụ du khách một cách tích cực như Trúc Mai House, thật đáng trân trọng. Cách quảng bá âm nhạc truyền thống Viết Nam đến với khách nước thật sinh động và thú vị. Thế nhưng, qua thành công của Trúc Mai House, chúng ta lại nhận ra một điều khá là đáng buồn. Bởi một Thành phố lớn nhất nước, một Trung tâm văn của cả nước, có rất nhiều phòng trà ca nhạc như TP.HCM, mà lại không có lấy một phòng trà ca nhạc dân tộc! Chính vì thế mà lại càng thấy tiếc Quán trà Điểm Một Thời mà ta vừa đánh mất.

oOo

Để có một Phòng trà Âm nhạc Dân tộc xứng tầm, với giá trị lưu cữu ngàn đời của âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam, có lẽ không thể không nói đến các nhà đầu tư. Ngành Du lịch TP.HCM có mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này? Hiện nay, có khá nhiều vũ trường, bar, nhà hàng... hoặc bị đóng cửa, hoặc bị ế ẩm. Nên chăng, chúng ta dành những nơi này hợp tác, liên kết với các nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật âm nhạc dân tộc, để tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa mà không phải nơi nào ngoài đất Việt cũng có được. Nghe người nhà của Trúc Mai House cho biết, mỗi buổi diễn tại đây có giá từ 1 đến 5 triệu đồng. Còn Sỹ Hoàng của Điểm Một Thời thì kể rằng: Hễ mỗi du khách đến nghe nhạc, phải bỏ ra 35 USD, mà khi ra về  họ vẫn xuýt xoa khen hay!

V.D.G

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT