Tín dụng “chảy” vào chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản
Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 15 - ông Trần Văn Phước cho biết, tính đến cuối tháng 2/2025, huy động vốn trên địa bàn khu vực đạt 275.954 tỷ đồng. Dòng vốn tín dụng ngân hàng góp phần xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn với các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo VietGAP.
Tích cực đẩy tín dụng vào sản xuất kinh doanh
Tại hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, để đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi lãnh đạo các tỉnh và doanh nghiệp trong Khu vực 15 cần sự nỗ lực vào cuộc cùng ngành Ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của hệ thống chính trị của chính quyền các tỉnh trong khu vực.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú. Ảnh: T.B
Qua đó, để nắm bắt tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp tiếp cận tín dụng nhằm đẩy mạnh tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương khu vực đảm bảo hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn an toàn, thông suốt đáp ứng nguồn vốn tín dụng cho tăng trưởng hai con số.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 15 - ông Trần Văn Phước cho biết, NHNN chi nhánh Khu vực 15 đã triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời, có hiệu quả chính sách tiền tệ và các giải pháp tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với tình hình địa phương và diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cả nước, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng.
Tính đến cuối tháng 2/2025, huy động vốn trên địa bàn khu vực đạt 275.954 tỷ đồng. Có được nguồn vốn huy động tại chỗ cùng với vốn điều hòa từ hội sở của các NHTM, các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực đã cho vay nền kinh tế đạt dư nợ tín dụng 450.994 tỷ đồng. Trong đó, cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm 67,03%, đạt dư nợ tín dụng là 302.308 tỷ đồng; cho vay lĩnh vực kinh tế khác chiếm 32,97% đạt dư nợ tín dụng là 148.686 tỷ đồng. Lãi suất cho vay bằng VND trong khu vực giảm so với cuối năm 2023 (mức giảm từ 0,8% -1,8%/năm).
Theo Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 15, kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
“Những kết quả đạt được của “dòng chảy” vốn tín dụng ngân hàng góp phần xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn với các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo VietGAP; hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của địa bàn khu vực (lúa gạo; thủy hải sản, trái cây, rau màu, lúa, nếp và dịch vụ du lịch) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, bảo đảm chất lượng và nhu cầu thị trường” - ông Trần Văn Phước chia sẻ.
Tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi các vấn đề xoay quanh hỗ trợ đẩy mạnh tăng tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số. Đặc biệt, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng với hạn mức được mở rộng, chi phí lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện các ngân hàng VietinBank, Agribank... cho biết, hiện các ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu. Các hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc thế mạnh của địa phương chưa phát huy hết lợi thế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% mà Chính phủ đã đặt ra, năm 2025 NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% (tức là tăng 2,5 triệu tỷ đồng). Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề. Để đạt mục tiêu này thì đòi hỏi cả 2 phía.
Về phía ngân hàng phải tạo điều kiện chính sách và cơ chế, trước mắt là vấn đề phải đảm bảo giảm lãi suất một cách thực chất trên cơ sở giảm chi phí quản lý hành chính để các ngân hàng thương mại cùng đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và khách hàng vay vốn để có chi phí sản xuất thấp hơn, tăng khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Đồng thời về phía doanh nghiệp cũng đòi hỏi tăng khả năng hấp thụ vốn trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất cũng như xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh kể cả trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn. “Ngoài ra, còn phải chủ động đánh giá trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá ở thị trường trong nước và quốc tế để mạnh dạn mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh và chứng minh năng lực tài chính của bản thân", - ông Đào Minh Tú cho biết.
Với Khu vực 15, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, các dự án trọng điểm về kinh tế - xã hội, các lĩnh vực có thế mạnh của vùng. Trong đó, NHNN chi nhánh Khu vực 15 và các NHTM cần phối hợp sở ban ngành hỗ trợ để phát triển tín dụng gắn với thế mạnh địa phương.
“Phải thường xuyên nắm bắt đường lối chính sách của chính quyền địa phương. Có bám sát thì mới có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.