Thuế đối ứng nhìn từ câu chuyện của Boeing, Nike và hành động nhà đầu tư nên làm
Các chuyên gia đồng thuận rủi ro lớn nhất lúc này là tính bất định từ chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, để thiết lập lại chuỗi cung ứng, dịch chuyển sản xuất về Mỹ là không dễ dàng, thậm chí không khả thi.
Quan điểm trên được đề cập tại hội thảo đầu tư 2025 do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM.
Rủi ro lớn nhất là chuyện thuế đối ứng
Ông Yen Chen Hui, Giám đốc Phân tích, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu, Bộ phận Tư vấn đầu tư Chứng khoán Yuanta (YIC) cho rằng, hiện nay không ai biết được sau 90 ngày hoãn áp thuế đối ứng điều gì diễn ra.
Ông Yen Chen Hui, Giám đốc Phân tích, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu, Bộ phận Tư vấn đầu tư Chứng khoán Yuanta (YIC)
“Rủi ro lớn nhất đó là tính bất định đến từ chính quyền Mỹ. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất chúng ta cần quan tâm 90 ngày tới đó là hai chính phủ Việt Nam và Mỹ cần trao đổi những ưu tiên chiến lược hợp tác sắp tới để giảm thiểu rủi ro của thuế đối ứng. Rủi ro chính là mặt chính sách”, ông Yen Chen Hui cho biết.
Chung quan điểm, ông Matthew Smith, CFA Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Khối Khách hàng tổ chức, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, từ góc độ thị trường, rủi ro chính là liên quan câu chuyện thuế quan.
Vị này đề cập, nếu 12 tháng trước, rủi ro với thị trường Việt chính là trong nước, nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi khi nhìn vào môi trường trong nước đã tốt hơn nhiều so với yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn, chính sách công được cải thiện, quá trình tinh chỉnh bộ máy đang diễn ra, có nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
“Tôi nghĩ không có vấn đề nào với sức khoẻ nền kinh tế Việt Nam cả, bỏ đi câu chuyện thuế thì Việt Nam đang tăng trưởng tốt”, ông Matthew Smith nói.
Ông Matthew Smith, CFA Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Khối Khách hàng tổ chức, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Đánh giá thêm về câu chuyện thuế, ông Yen Chen Hui cho rằng, hiện tại chúng ta đang trong giai đoạn hoãn áp dụng thuế đối ứng. Chuyên gia này nhấn mạnh, thật ra không chỉ Việt Nam, Mỹ cũng bị tác động bởi câu chuyện thuế quan. Họ muốn thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu để lấy lại vị thế sản xuất của mình. Hiện không có biện pháp nhanh, đây là câu chuyện dai dẳng trong tương lai, các bên còn phải trao đổi nhiều.
“Kể cả khi chúng ta đàm phán xong, thuế nếu đối ứng với Việt Nam là 20- 30% hay hơn, cần nhớ rằng, mức thuế Mỹ áp lên hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc lên 125%. Nên hiện tại tôi tin Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế nhiều so với Trung Quốc. Nếu đàm phán không thành công, thuế áp mức lên 10, 20, 30% thì cũng đừng hoảng sợ, sản xuất cũng đổ về Việt Nam mà thôi”, chuyên gia Yuanta nhận định.
Cùng chung quan điểm, ông Matthew Smith phân tích thêm từ trường hợp của Boeing. Boeing vốn cần 20.000 linh kiện cấu phần khác nhau sản xuất từ Trung Quốc, nếu tất cả bị đánh thuế quá cao thì chắc chắn sẽ không cạnh tranh được với Airbus. Vậy các doanh nghiệp ở Mỹ cũng không bằng lòng với câu chuyện thuế cao như vậy. Đây sẽ là điều còn tiếp diễn, chúng ta sẽ thấy làn sóng phản ứng từ doanh nghiệp tại Mỹ.
Hay theo thông tin từ ông Chu Ka Kit, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Yuanta Hong Kong, qua trao đổi với doanh nghiệp cho thấy, vài năm gần đây hãng Nike kêu gọi chuyển dịch nhà máy. Tuy nhiên hãng phải trả lời 2 câu hỏi, một có tính lương tăng ca với nhân công, hai là liệu Nike có đủ nhân sự có tay nghề để có thể sản xuất mặt hàng đó hay không.
“Phía Nike trả lời không đảm bảo được. Như vậy doanh nghiệp đâu dịch chuyển sản xuất được. Do vậy, Nike vẫn cứ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam hay Trung QUốc vì hiện tại nguồn đặt hàng lớn. Tôi cho rằng, câu chuyện thuế quan sẽ khiến cho một phần sản xuất chuyển sang Đông Nam Á bao gồm Việt Nam và Campuchia, đó là xu hướng tiếp diễn trong tương lai. Còn việc chuyển chuỗi cung ứng sang Mỹ hiện tại là không khả thi”, ông Chu Ka Kit chia sẻ.
Nhà đầu tư cần làm gì lúc này?
Ông Chu Ka Kit chia sẻ, với thị trường Hong Kong, công ty có danh mục chứng khoán rộng với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó 1/3 là tài chính, 1/3 là bất động sản. Ngân hàng, công nghệ đang có chu kỳ tăng, bất động sản đang giảm bởi vì liên quan câu chuyện lãi suất cao.
Ông Chu Ka Kit, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Yuanta Hong Kong
Về quản trị rủi ro, chuyên gia này nhắc lại chuyện đừng bỏ trứng vào một rổ, một phần phân bổ vào công ty có tỷ suất sinh lời cao, một phần phân bổ vào công ty kinh doanh ổn định. Có thể cân nhắc phân bổ một phần vào ngân hàng, công nghệ đang có mức sinh lời 5-6%, thậm chí 7%.
“Danh mục của chúng tôi ở thị trường Hong Kong chiếm 30% còn lại ở thế giới. Khẩu vị của tôi đầu tư vào HSBC, có mức chia cổ tức cao 3-6%, ngân hàng có sản phẩm đa dạng, đa dạng trong đa dạng hoá. Trong giai đoạn biến động thì nên để phần lớn tài sản vào lớp phòng thủ như ngân hàng, tài chính. Vàng cũng là lớp tài sản không thể phớt lờ, dù giá vàng đã tăng cao lên hơn 3.000 USD/oz nhưng vẫn còn dưa địa tăng trưởng nữa”, ông Chu Ka Kit chia sẻ.
Ông Yen Chen Hui nêu, chúng ta đã quen với câu nói của tỷ phú Warren Buffett là hãy tham lam khi người khác sợ hãi. Nhưng tham lam như thế nào? Nhà đầu tư phải có sức mua để khi mọi người hoảng loại mới có cơ hội. Nguyên tắc đầu tiên là quản trị danh múc, chuẩn bị sức mua 30, thậm chí 50% tài sản an toàn như tiền gửi, trái phiếu, vàng. Nhưng với một quốc gia có nhiều lợi thế trong tương lai, điều nhà đầu tư cân nhắc là phân bổ một phần danh mục đầu tư ở thị trường nội địa.
“Trên toàn cầu, sau thuế quan không phải ngành nào cũng bị ảnh hưởng, tôi nghĩ sẽ có những lợi ích nhất định cho Việt Nam như dệt may, điện tử. Đầu tiên tập trung nội tại, kinh tế sẽ bật lên mạnh sau câu chuyên thuế kết thúc. Nhà đầu tư cần chuẩn bị sức mua, tiền mặt, phân bổ một phần danh mục vào thị trường Việt Nam, vào những doanh nghiệp mạnh, tập trung vào tài chính, bất động sản, bán lẻ”, ông Yen Chen Hui nhấn mạnh.