PNJ: Lợi nhuận quý I/2025 giảm 8%, dòng tiền kinh doanh đảo chiều trong bối cảnh thị trường khó khăn
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, ghi nhận sự điều chỉnh rõ nét trong hoạt động kinh doanh sau một năm 2024 tăng trưởng vượt bậc. Bức tranh tài chính quý này cho thấy PNJ đang bước vào giai đoạn thử thách khi sức mua sụt giảm, trong khi giá vàng liên tục tăng cao.
Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất trong quý I/2025 đạt 9.635 tỷ đồng, giảm mạnh 23% so với mức 12.593 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng giảm 8%, xuống còn 677,7 tỷ đồng. Theo lý giải từ phía công ty, sự suy giảm này chủ yếu đến từ đà yếu của thị trường trang sức do giá vàng biến động tăng, kết hợp với xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và doanh thu giảm ở phân khúc vàng 24K. Trong khi đó, giá vàng trong nước tiếp tục lập đỉnh mới. Đến chiều 13/5, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng được giao dịch ở mức 118 triệu đồng/lượng mua vào và 120 triệu đồng/lượng bán ra, tăng tới 800.000 đồng/lượng so với hôm qua ở cả hai chiều. Riêng vàng nhẫn tròn trơn PNJ giữ giá ổn định ở mức 112,5–115 triệu đồng/lượng. Ở thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay chiều nay đứng ở mức 3.329 USD/ounce, trong khi giá vàng tương lai ghi nhận 3.251,6 USD/ounce. Dù giá vàng miếng trong nước tăng cao, giá vàng thế giới lại đảo chiều giảm mạnh do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có dấu hiệu hạ nhiệt. Diễn biến này khiến nhu cầu đầu tư vào tài sản an toàn như vàng suy giảm, khi giới đầu tư chuyển hướng sang cổ phiếu và các tài sản rủi ro hơn.
Trong bối cảnh giá đầu vào tăng cao và sức mua yếu, PNJ đã chủ động thực hiện các biện pháp tối ưu hóa chi phí vận hành. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp quý I/2025 vẫn ghi nhận cải thiện tích cực, đạt 21,26% – cao hơn so với 17,6% của quý I/2024 và 20,9% của quý IV/2024. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ quy mô doanh thu giảm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn sụt giảm 9,3%, còn 849,5 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo là sự đảo chiều mạnh của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Nếu như cùng kỳ năm trước, PNJ ghi nhận dòng tiền dương lên tới 2.018,2 tỷ đồng thì quý I/2025 lại chứng kiến dòng tiền âm 235,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thu tiền từ khách hàng chậm hơn, hàng tồn kho tăng 4,86% lên 13.647,3 tỷ đồng và khoản phải thu tăng. Bên cạnh đó, khoản phải trả giảm 4,42% cũng góp phần khiến dòng tiền vào giảm sút.
Về mặt tài sản, tổng tài sản của PNJ đến cuối quý I/2025 tăng nhẹ 1,23%, đạt 17.419,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản có nhiều thay đổi đáng chú ý: tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 77,13%, xuống chỉ còn 256,8 tỷ đồng, trong khi đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gần 59%, đạt 1.620,7 tỷ đồng. Việc điều chỉnh cấu trúc tài sản này cho thấy công ty đang tái phân bổ nguồn lực tài chính nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi.
Ở phương diện nguồn vốn, tổng nợ phải trả giảm 4,42%, trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn, giảm xuống còn 5.6678,5 tỷ đồng. Ngược lại, vốn chủ sở hữu tăng 4,22%, đạt 11.730,3 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu giảm nhẹ, góp phần duy trì nền tảng tài chính ổn định.
So với năm 2024, năm mà PNJ tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần tăng 14,1% và lợi nhuận sau thuế tăng 7,3% – kết quả quý I/2025 phản ánh một bức tranh kinh doanh kém khả quan hơn, với áp lực từ cả doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền. Diễn biến này cho thấy công ty đang bước vào giai đoạn thử thách và cần theo dõi sát sao các chỉ số tài chính trong thời gian tới.
Dù vậy, ban lãnh đạo PNJ khẳng định sẽ tiếp tục theo sát tình hình thị trường, linh hoạt trong chiến lược điều hành, đồng thời kiên định theo đuổi các mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo đà tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra sáng 26/4, ban lãnh đạo PNJ chính thức công bố kế hoạch kinh doanh 2025 với tông màu thận trọng: doanh thu dự kiến 31.607 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế kế hoạch gần 1.960 tỷ đồng, thấp hơn 7% so với kỷ lục 2.113 tỷ đồng của năm 2024.