Phát triển du lịch dược liệu gắn với vùng đất chín rồng
Vừa qua, Cục Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở quản lý du lịch của 4 địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ tổ chức đoàn Famtrip quy tụ 60 doanh nghiệp lữ hành, đơn vị báo chí trên cả nước.
Diễn ra từ ngày 24 - 29/12/2024, đoàn khảo sát đã đi thực tế tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ bao gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang. Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch gắn với vùng dược liệu mới.
Theo TS. Phạm Lê Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), chuyến famtrip thuộc khuôn khổ chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm kết nối và cùng các doanh nghiệp lữ hành đánh giá thực trạng, tiềm năng; từ đó có những đóng góp cho việc phát triển loại hình du lịch này gắn với nhu cầu thực tế của du khách. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức cũng hi vọng các đơn vị đưa ra đánh giá sâu về cả dịch vụ ẩm thực, dịch vụ lưu trú và ăn nghỉ dọc đường cho các đơn vị địa phương nhằm cải thiện chất lượng du lịch nói chung.
Đoàn khảo sát quy tụ 60 doanh nghiệp lữ hành, báo chí từ 3 khu vực Bắc - Trung - Nam
Xuyên suốt chương trình, đáng chú ý là vùng dược liệu quý tại Long An thuộc Công ty CP Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Tại đây, đơn vị quản lý đang cùng lúc phát triển khu đất rừng rộng 1.041 ha trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP, phim trường Cánh đồng bất tận và một nhà máy sản xuất thuốc Đông dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO Mộc Hoa Tràm. Đơn vị này hiện sở hữu 25 ha trồng, lưu giữ nguồn gen của 80 loại cây thuốc quý giá như: tràm trà gió, bạch đàn chanh, hà thủ ô, lạc tiên, bụp giấm, đinh lăng, kim tiền thảo, ngải cứu, mù u, chuối cau lửa thuộc.
Trong đó, cây tràm trà gió tự nhiên có khả năng lấy tinh dầu được ghi nhận chỉ phát triển tại Long An. Hay, tại tỉnh Tiền Giang, đoàn famtrip tham quan mô hình 1-0-2 tại Việt Nam - trại rắn Đồng Tâm (tên gọi đầy đủ: Trung tâm Nuôi trồng, Nghiên cứu, Chế biến dược liệu (trực thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 9).
Trên khu đất có diện tích 3.000m2, đơn vị kết hợp bảo tồn rắn, trăn, phát triển vườn dược liệu quý hiếm trên cạn, lưu trữ nguồn gen và điều chế thuốc y học dân trên huyết thanh từ nọc rắn phối hợp với cây thuốc tại điểm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch không gian nuôi trồng tự nhiên, bán tự nhiên cho phép đơn vị khai thác tham quan du lịch với giá vé 30.000 đồng/ người lớn, 20.000 đồng/ trẻ em 6-12 tuổi.
Đoàn khảo sát còn tham quan các địa điểm du lịch sinh thái như Làng nổi Tân Lập, vườn quốc gia Tràm Chim, rừng tràm Trà Sư, Làng hoa Đồng Tháp, cù lao Thới Sơn...
Đoàn khảo sát khu dược liệu tại Long An
Cánh đồng cỏ Bàng - phim trường Cánh Đồng Bất Tận thuộc khu bảo tồn dược liệu của nhà máy Mộc Hoa Trà (Long An)
Đoàn famtrip trải nghiệm trong rừng tràm Trà Sư
Chuyến khảo sát tạo cơ sở tiền đề cho doanh nghiệp lên ý tưởng thiết kế sản phẩm tour gắn với sinh thái, dược liệu bám sát xu hướng du lịch thiên nhiên và chữa lành. Tuy nhiên, để hiện thực hoá, vẫn còn nhiều công tác cần được thực hiện từ đơn vị tại điểm đến cơ quan chính quyền liên quan.
Ông Phan Đình Thắng (phó giám đốc công ty cổ phần Fresh Travel) cho biết: “Ngoài các tuyến điểm du lịch truyền thống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, chương trình famtrip lần này còn kết hợp với việc tham quan vùng dược liệu như Vùng dược liệu tại cánh đồng Bất Tận Long An, hay vùng dược liệu tại công ty Thiên Ân, huyện Gò Công Tây chuyên nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Đây là điểm mới mà từ trước đến nay, các đơn vị lữ hành tại TP.HCM vẫn chưa lồng ghép vào tuyến đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, hiện tại, các điểm tham quan vẫn cần thời gian để mở rộng, tích hợp các hoạt động trải nghiệm đa dạng hơn ngoài công tác bảo tồn, sản xuất. Đồng thời, cũng cần sự hỗ trợ của các trung tâm xúc tiến ở các tỉnh để hỗ trợ quảng bá, phát triển chuyên nghiệp theo hướng bền vững, nhân rộng mô hình để có thể thu hút, giữ chân đối tượng học sinh – sinh viên, du khách nước ngoài.”
Tham quan khu vực sản xuất kẹo dừa trên cù lao Thới Sơn (Mỹ Tho, Tiền Giang)
Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), một điểm tham quan trong chương trình
Theo kết quả điều tra trong năm 2015 của Viện Dược liệu (Bộ Y Tế), Việt Nam có 5.100 cây thuốc thuộc 236 họ thực vật và một số động vật làm thuốc, trong đó trong đó khoảng hơn 200 loài đã được có giá trị thương mại. Riêng vùng Tây Nam Bộ, với hệ sinh thái đất ngập nước đặc hữu, hiện sở hữu nhiều gen dược liệu quý như: Tràm gió, tràm trà, bạch đàn chanh, đạt phước, giáng hương, xáo tam phân, nấm linh chi đỏ…đang được chú tâm bảo tồn, phát triển.
Các hoạt động như famtrip kể trên có vai trò trong việc đánh thức tiềm năng ngủ quên của “kho báu” dược liệu trù phú, kết hợp cùng du lịch lữ hành để tăng sức hấp dẫn cho du lịch địa phương nói riêng, du lịch quốc gia nói chung và cải thiện đáng kể sinh kế cho người dân.