Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chiều 16/4, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “50 năm văn hóa, nghệ thuật TP.HCM – Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai”.

Sự kiện quy tụ đông đảo đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và các văn nghệ sĩ tiêu biểu của thành phố.

Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững - 1

Toàn cảnh buổi tọa đàm “50 năm văn hóa, nghệ thuật TP.HCM – Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai” diễn ra vào chiều 16/4.

Tọa đàm không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ hình thành và phát triển văn hóa nghệ thuật mà còn là cơ hội để TP.HCM lắng nghe những đề xuất, hiến kế giá trị cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM cho hay, sau 50 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, TP.HCM đã khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật lớn của cả nước.

Trong đó, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đóng vai trò quan trọng, không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo nên bản sắc đặc trưng cho đô thị sáng tạo, nghĩa tình này.

“Thành phố luôn xem việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Chúng tôi mong rằng tọa đàm hôm nay sẽ đón nhận được nhiều góp ý sâu sắc từ các nhà khoa học, nhà quản lý và giới văn nghệ sĩ, để cụ thể hóa phương hướng phát triển văn học nghệ thuật gắn với thực tiễn của Thành phố”, ông Lê Hồng Sơn bày tỏ.

Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững - 2

Đây là nền tảng chính trị quan trọng để thành phố định hướng lại chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật phù hợp với yêu cầu hội nhập và phát triển, ông Lê Hồng Sơn nhìn nhận.

Theo ông Lê Hồng Sơn, TP.HCM hiện đang triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (ngày 16/8/2008) về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, Đạo diễn, TS. Nguyễn Thanh Đạt, Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM cho biết, trong suốt 50 năm qua, bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Thành phố đã được làm giàu bằng nhiều giá trị mới đến từ quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế.

Sau năm 1975, TP.HCM trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn nhất cả nước, tập trung nhiều đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực này, đồng thời là nơi tổ chức đa dạng các hoạt động đào tạo, sáng tác, biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững - 3

Vở xiếc Vùng đất kỳ bí đã tạo nên “cơn sốt” cháy vé trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Thanh Đạt nhấn mạnh, Thành phố còn là nơi nuôi dưỡng cộng đồng trẻ với tinh thần sáng tạo mạnh mẽ trong nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người trẻ chưa ý thức đầy đủ về vai trò của văn hóa nghệ thuật trong đời sống xã hội.

Từ đó, ông đề xuất TP.HCM mà trực tiếp là Sở VH&TT cần xây dựng các chính sách khuyến khích sáng tạo, đồng thời tạo cơ chế quảng bá các sản phẩm nghệ thuật của giới trẻ. “Nếu được đầu tư và định hướng đúng đắn, giới trẻ thành phố không chỉ là người yêu nghệ thuật mà còn trở thành lực lượng sáng tạo, góp phần phát triển bền vững nền văn hóa thành phố trong tương lai”, ông Nguyễn Thanh Đạt nói.

Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững - 4

Ban tổ chức tọa đàm đã nhận được 86 tham luận, qua thẩm định đã thống nhất chọn 65 tham luận để biên tập kỷ yếu. 

Từ góc nhìn quản lý nhà nước, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM cho biết, Thành phố luôn duy trì tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác văn học nghệ thuật thường xuyên để phát hiện, bồi dưỡng tài năng và khuyến khích hoạt động sáng tác.

Các tác phẩm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tôn vinh giá trị truyền thống, ca ngợi quê hương đất nước và phản ánh sinh động công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT

Dòng người, xe ùn ứ ngiêm trọng tại cửa ngõ miền Tây
Dòng người, xe ùn ứ ngiêm trọng tại cửa ngõ miền Tây

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là tết, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân tăng cao, việc vận chuyển hàng hóa mùa tết gia tăng làm cho các tuyến đường, nhất là tại các giao lộ, trục đường chính kết nối các tỉnh, thành ra vào trung tâm thành phố quá tải và xãy tình trạng giao thông ùn ứ kéo dài.