Ngân hàng co giãn lãi suất: Điều chỉnh nhẹ ở kỳ hạn ngắn, cạnh tranh ở kỳ hạn dài

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 21/5/2025, thị trường tiền gửi ngân hàng tại Việt Nam ghi nhận nhiều biến động nhẹ về lãi suất, đặc biệt ở các kỳ hạn dài từ 24 đến 36 tháng. Một số ngân hàng tiếp tục duy trì mức lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng, trong khi một số khác điều chỉnh giảm nhẹ để phù hợp với chiến lược huy động vốn.

Ngân hàng co giãn lãi suất: Điều chỉnh nhẹ ở kỳ hạn ngắn, cạnh tranh ở kỳ hạn dài - 1

Theo ghi nhận, Bac A Bank và Vikki Bank hiện đang niêm yết mức lãi suất cao nhất trên thị trường, lên tới 6%/năm cho các kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng. Đây là mức lãi suất hấp dẫn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất chung có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. 

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh cho kỳ hạn dài. Cụ thể, BVBank niêm yết lãi suất 5,95%/năm, BaoViet Bank, Viet A Bank và MBV cùng áp dụng mức 5,9%/năm. Các ngân hàng như Saigonbank, VietBank và GPBank cũng duy trì mức lãi suất từ 5,85%/năm trở lên cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng. 

Ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn, lãi suất có sự điều chỉnh nhẹ tại một số ngân hàng. MB đã giảm 0,2% đối với các kỳ hạn từ 1 đến 11 tháng và giảm 0,1% cho các kỳ hạn từ 12 đến 60 tháng, áp dụng cho tiền gửi trực tuyến. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 01 tháng hiện còn 3,3%/năm; kỳ hạn 02 tháng là 3,4%/năm; kỳ hạn 03 đến 05 tháng là 3,7%/năm; và kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng là 4,3%/năm; áp dụng với số tiền gửi tiết kiệm trên 1 tỷ và nhận lãi sau.

Tại BIDV và VietinBank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục được duy trì ổn định. Cả hai ngân hàng đều niêm yết lãi suất 3,0%/năm cho các kỳ hạn 06 và 09 tháng; 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; và 4,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. 

Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động và chính sách tiền tệ của các nước lớn chưa rõ ràng, lãi suất tiền gửi tại Việt Nam có thể tiếp tục duy trì ở mức hiện tại hoặc biến động nhẹ trong thời gian tới. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: “Với tình hình kinh tế như hiện nay, trong năm 2025 khó có thể giảm thêm kể cả lãi suất điều hành lẫn lãi suất trên thị trường. Vì nếu lãi suất huy động giảm, kênh tiết kiệm kém hấp dẫn, người dân sẽ không mặn mà gửi tiền, ngân hàng sẽ gặp khó về nguồn vốn huy động để cho vay. Mặt khác, Chính phủ muốn duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Nên nếu ngân hàng tăng lãi suất sẽ khó thúc đẩy cho vay.”

Ngoài ra trong năm 2025, NHNN cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10%, thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%”

Về định hướng chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng nhà nước, ông Đào Minh Tú, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững ổn định giá trị đồng nội tệ và kiểm soát lạm phát. Đồng thời, chính sách cần đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng, góp phần duy trì các cân đối vĩ mô chủ chốt của nền kinh tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Quang An

CLIP HOT

Video hướng dẫn cách góp ý Hiến pháp trên ứng dụng VneID
Video hướng dẫn cách góp ý Hiến pháp trên ứng dụng VneID

Tại buổi họp báo Kinh tế - Xã hội chiều 15/5, Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó Trưởng Phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an TP.HCM cho biết, người dân TP.HCM có thể thể hiện ý chí, nguyện vọng của bản thân thông qua việc tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua VNeID.