Cách đây tròn 60 năm, ngay trong lần đầu ra quân chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi tàu khu trục của đế quốc Mỹ ra khỏi vùng biển, khởi đầu cho “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” do Mỹ thêu dệt lên.
Ngày 1/8, tại vùng biển Cửa Lục, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quân chủng Hải quân và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trong Chiến thắng trận đầu ngày 2 và ngày 5/8/1964.
Quân chủng Hải quân dâng hoa tưởng niệm AHLS và nhân dân hi sinh trong chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964.
Dự lễ tưởng niệm có Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân; ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ đội Biên Phòng, Cảnh Sát biển Việt Nam, Quân khu 3, Quân chủng Phòng không - Không quân; các cựu chiến binh, anh hùng LLVT nhân dân và đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên địa phương.
Trận “thử lửa” đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam
Cách đây tròn 60 năm, ngày 2 và 5/8/1964, ngay trong lần đầu ra quân chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của đế quốc Mỹ. Sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của nước ta, đêm 4/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên” (Operation Pierce Arrow).
Ngày 5/8/1964, Mỹ sử dụng hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công cùng lúc vào các mục tiêu kinh tế, căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của nước ta dọc theo ven biển từ cảng Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân của ta, mở đầu kế hoạch chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc.
Sự kiện trận đấu ngày 2 và 5/8/1964 trở thành dấu mốc bất diệt của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và tinh thần đoàn kết của người dân Quảng Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 13 giờ 35 phút ngày 5/8/1964, nhiều tốp máy bay phản lực hiện đại của Mỹ từ hạm đội 7 ồ ạt bay vào ném bom, bắn phá cảng hải quân của ta ở Bãi Cháy và một số nơi của thị xã Hòn Gai.
Với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao, ngay từ phút đầu, các đơn vị hải quân, pháo cao xạ đã dũng cảm đánh trả máy bay địch. Các chiến sĩ bộ binh, công an vũ trang, dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội pháo cao xạ, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc nhiều tầm.
Trong trận thử lửa đầu tiên, quân và dân Quảng Ninh đã bắn trúng 3 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Trong đó tên Trung úy E.Alvarez, lái máy bay A4D, bị Trung đội súng 14,5 ly bắn rơi lúc 14 giờ 43 phút ngày 5/8/1964 và bị bắt sống tại vụng Hòn Mối - Vịnh Hạ Long.
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 thể hiện sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc; ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng của Bộ đội Hải quân và quân dân miền Bắc.
Trong trận chiến đấu ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đã anh dũng ngã xuống và bị thương. Trong đó có 78 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh.
Máu của các anh đã thấm đẫm, hoà quyện vào biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ vinh quang của Đảng, của Tổ quốc, làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, làm rạng rỡ trang sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Đó là những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Vì Tổ quốc chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
Trong không khí trang trọng, thành kính, các đại biểu cùng ôn lại chiến công của thế hệ cha anh đi trước, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn vô hạn, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao trọng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong lời tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân, khẳng định xương máu của các Anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã góp phần cho biển, đảo Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.
Tinh thần “dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” của Chiến thắng trận đầu đã lan tỏa, thấm sâu và trở thành điểm tựa tinh thần vô giá đối với Bộ đội Hải quân và quân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân, dâng hương tại lễ tưởng niệm.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng cho hay, đất nước mãi mãi tự hào, ghi nhớ và biết ơn về những tấm gương chiến đấu dũng cảm như: Thuyền trưởng Tàu 336 Phạm Tự hay Thuyền trưởng Tàu 187 Lê Văn Tiếu, khi một cánh tay bị dập nát, anh đã bình tĩnh dùng băng treo tay ngang ngực, tay còn lại vẫn nắm vững tay chuông điều khiển tàu cơ động đánh trả các đợt công kích của máy bay địch và đưa tàu về bến an toàn.
Đó là Hạ sĩ Hoàng Thanh Sơn, Tàu 175, bị mảnh đạn xuyên thủng bụng, ruột lòi ra ngoài, anh lấy tay nhét ruột vào và tiếp tục chiến đấu. Một quả bom nổ hất anh xuống biển, anh lại bơi vào bám lấy thành tàu leo lên tiếp tục chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Đó là pháo thủ số Đặng Đình Lống, Tàu 146, bị thương gãy một chân, anh tự mình băng bó và tiếp tục chiến đấu; mấy phút sau, chân còn lại bị trúng đạn gãy nốt, anh tự lấy dây lưng cột chặt người vào giá súng và tiếp tục chiến đấu đến phút cuối cùng.
Đó là binh nhất Đồng Quốc Bình, Tàu 122, được đơn vị thưởng phép, đang trên đường về thăm gia đình thì hay tin máy bay Mỹ bắn phá căn cứ Hải quân ta ở Bãi Cháy, anh vội vàng quay lại đơn vị tham gia chiến đấu cùng đồng đội. Tuy bị thương 2 lần, anh vẫn tiếp tục tiếp đạn cho các vị trí chiến đấu. Bị thương lần thứ 3 vào bên sườn làm ruột lòi ra ngoài, anh đã dùng tay nhét ruột vào giữ chặt lấy vết thương, còn một tay tiếp tục chuyển những băng đạn đến các vị trí cho đồng đội. Trận chiến đấu kết thúc cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng.
Đó là hình ảnh chiến đấu dũng cảm, cao đẹp của nhiều cán bộ, chiến sĩ khác như: Khẩu đội trưởng Lê Sỹ Hằng; thợ máy Cao Viết Thao; chiến sĩ Đậu Xuân Thơ, Nguyễn Sĩ Tiến, Nguyễn Văn Vinh và rất nhiều cán bộ, chiến sĩ khác.
"Cùng với bộ đội Hải quân và bộ đội Phòng không, chúng ta cũng luôn ghi nhớ, biết ơn về sự đùm bọc, giúp đỡ của rất nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên, lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... đã dũng cảm xung phong, không sợ hiểm nguy, vượt sóng gió dưới mưa bom, bão đạn của địch để cứu chữa thương binh, tiếp đạn cho các tàu hải quân chiến đấu.
Các đại biểu thả hoa và hạc giấy tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong chiến thắng trận đầu.
Trận chiến đấu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 đã lùi xa 60 năm, nhưng giá trị lịch sử cùng những bài học kinh nghiệm và những tấm gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội Hải quân, Phòng không Không quân và quân dân miền Bắc vẫn luôn sống mãi với thời gian, là niềm tự hào của các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau", Trung tướng Nguyễn Văn Bổng xúc động bày tỏ.
Sau phần ôn lại lịch sử, các đại biểu đã đặt vòng hoa, dâng hương, thả hoa và hạc giấy tại vùng biển Cửa Lục để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và mhân dân hy sinh trong Chiến thắng trần đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam là hoạt động nhân văn cao cả, thể hiện tinh thần "Uống nước, nhớ nguồn" của toàn dân tộc, nhân dân các thế hệ. Đây cũng là sự kiện ý nghĩa, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, niềm tự hào của nhân dân Quảng Ninh hướng về dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2024).