Cầu Bến Rừng được xây dựng trong hơn 2 năm, trị giá hơn 2.000 tỷ bắc qua dòng sông Bạch Đằng kết nối hai khu di tích lịch sử Bạch Đằng của Quảng Ninh và Hải Phòng.
Từ 0h ngày 18/7, cầu Bến Rừng chính thức được đưa vào hoạt động giúp việc đi lại của người dân giữa hai địa phương Quảng Yên (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) được thuận lợi.
Cầu Bến Rừng có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí 1.100 tỷ đồng, TP Hải Phòng hơn 835 tỷ và tỉnh Quảng Ninh 5,5 tỷ.
Cây cầu là thành quả cụ thể hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ các Tỉnh ủy: Quảng Ninh, Hải Dương về: “Thống nhất hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng”.
Để có sự kết nối đồng bộ với công trình cầu Bến Rừng, từ cuối năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án đường dẫn cầu Bến Rừng (phía Quảng Ninh) dài 2,2km, có điểm đầu nối với cầu Bến Rừng, điểm cuối nối với nút giao tỉnh lộ 338 đoạn qua xã Sông Khoai (thị xã Quảng Yên).
Đây là cầu đường cấp đặc biệt, có kết cấu vĩnh cửu vượt sông Đá Bạch, dài 1.865 m, nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).
Mặt cầu rộng 21,5 m, gồm 4 nhịp Extradosed với sơ đồ (90+2x160+90)m ở giữa sông với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, vận tốc thiết kế cầu chính 80 km/h. Phần cầu dẫn gồm 34 nhịp dầm super T. Mố, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, móng sử dụng cọc khoan nhồi. Tải trọng thiết kế HL93; Kích thước thông thuyền BxH=2x(85x11)m
Đường dẫn 2 đầu cầu chiều dài 410m, mặt cắt nền đường rộng 22,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, dải an toàn, dải phân cách, lề đường không gia cố cùng hệ thống điện chiếu sáng, biển báo hiệu đường thủy, đường bộ.
Đặc biệt, phần thân tháp của trụ dây văng được thiết kế có độ nghiêng lớn theo hình 3 chữ V - biểu tượng cho 3 lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng nên cũng đòi hỏi thời gian thi công kéo dài.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, trong quá trình thi công các cọc khoan nhồi trên lòng sông đều nằm trên các tầng địa chất đá vôi, yêu cầu kỹ thuật cao.
Ngoài ra, do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều dẫn đến việc thi công đường dẫn phải kéo dài. Ban chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực và thiết bị, tận dụng thời điểm thời tiết thuận lợi thi công 3 ca/ngày để sớm đưa công trình vào sử dụng.
Đây là cây cầu thứ ba kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh, sau cầu Đá Bạc và Bạch Đằng. Công trình hoàn thành sẽ giúp người dân qua lại nhanh chóng, không phải chờ phà Rừng mất từ 30 - 60 phút.
Cây cầu đưa vào sử dụng nhằm nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhân dân trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, thị xã Quảng Yên nói riêng và 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh nói chung. Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa các địa phương khu vực dự án.