Lãnh đạo OCB thắng thắn nhìn nhận “ngã ở đâu đứng lên ở đó”, chia sẻ chiến lược chuyển mình của ngân hàng
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Phương đông – OCB vừa tổ chức ngày 22/4, lãnh đạo ngân hàng đã chia sẻ với đông đảo cổ đông chiến lược chuyển mình của ngân hàng.
Hình thành sự phát triển cân bằng bền vững, trung dài hạn hoàn toàn tự tin
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho biết, nhìn vào thế mạnh OCB, ngân hàng đã có hơn một thập kỷ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đối tác của OCB là doanh nghiệp lớn, đặc biệt là có nhiều doanh nghiệp lớn đã thành công trở thành trụ cột nền kinh tế.
“Ngân hàng xác định còn nhiều tiềm năng có thể khai thác ở các doanh nghiệp lớn mà OCB đã gắn kết. Từ mối quan hệ này, OCB muốn đẩy mạnh phát triển khách hàng cá nhân, đó là cán bộ nhân viên của doanh nghiệp hoặc khách hàng của các doanh nghiệp lớn”, ông Hải nói.
Thứ hai là chiến lược phát triển mảng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SME), vốn là điểm trọng tâm trong hoạt động của OCB. Lãnh đạo OCB nhìn nhận đây là mảng khó, nhiều ngân hàng đã làm và chưa thành công.
CEO OCB cho biết, ngân hàng sẽ đi cách khách, lọc lại tệp khách hàng SME qua dữ liệu qua đó xác định đúng mục tiêu trọng tâm phát triển.
Với doanh nghiệp FDI, ngân hàng nhận thấy nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên OCB xác định không đối đầu trực tiếp với các ngân hàng nước ngoài. Theo đó, ngân hàng sẽ hướng tới các doanh nghiệp FDI SME, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng FDI.
“OCB muốn hình thành sự phát triển cân bằng bền vững. 2025 là năm thách thức nhưng kỳ vọng với sự chuyển mình của đất nước, OCB cũng tận dụng được cơ hội phát triển trong thời gian tới”, Tổng giám đốc OCB chia sẻ.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của OCB
Chia sẻ thêm với cổ đông về mục tiêu chuyển mình của ngân hàng, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn bày tỏ quan điểm thành thật, vấp ngã yếu kém ở đâu sẽ đứng lên ở đó.
“Hội đồng quản trị cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận yếu kém, đánh giá lại tại sao 2022 – 2023 làm chưa tốt. Năm 2024 OCB đã làm rất quyết liệt cho sự thay đổi, hoạch định lại đường hướng chiến lược, thay đổi đội ngũ nhân sự. OCB thực sự đang chuyển mình”, Chủ tịch OCB chia sẻ.
Ông Tuấn đánh giá, chiến lược chuyển mình của OCB thành công hay không sẽ phụ thuộc vào môi trường, kỳ vọng vào sự chuyển mình đất nước, khởi sắc của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản sẽ tác động nhiều tới ngành ngân hàng, tới OCB.
“Không năm nay thì sẽ là sang năm. Trung dài hạn hoàn toàn tự tin”, Chủ tịch OCB bày tỏ trước đại hội.
Mục tiêu vào Top 5 nhà băng hiệu quả và ESG, tăng vốn điều lệ vượt 26.600 tỷ đồng
Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB hơn 4.006 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, cộng với lợi nhuận còn lại các năm trước, lợi nhuận còn lại gần 3.706 tỷ đồng.
Năm 2025, OCB đặt mục tiêu tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ đồng, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường 1 đạt 208.472 tỷ đồng, tăng 16%; tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với kết quả đạt được năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận ngân hàng còn lại sau khi trả cổ tức tiền mặt là gần 1.980 tỷ đồng.
OCB xác định, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của cơ quan chức năng. OCB dự kiến phát hành gần 197,3 triệu CP tỷ lệ 8% để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.
Nguồn vốn cho kế hoạch trên được sử dụng từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2024, theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định. Thời gian thực hiện phát hành trong năm 2025, ngay sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 24.658 tỷ đồng lên 26.631 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm OCB dự định dùng để đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.
OCB đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm
Chia sẻ với cổ đông về tình hình hoạt động kinh doanh, Tổng giám đốc OCB cho biết, để đạt được kế hoạch năm 2025, ngân hàng sẽ tập trung vào các kế hoạch hành động trọng tâm bao gồm Tập trung thu nhập lõi, tăng tỷ trọng thu nhập phí và CASA, tập trung chuyển đổi số và phát triển dữ liệu, quản trị vốn và rủi ro theo chuẩn Basel, xây dựng văn hóa và nâng cao năng lực nhân sự.
“Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm, thực hiện mục tiêu mỗi khách hàng tối thiểu sẽ sử dụng 4 sản phẩm của OCB”, ông Phạm Hồng Hải chia sẻ.
Vị này thông tin, quý I/2025, tín dụng và huy động của OCB tăng lần lượt 2,2 và 8,3%. Tín dụng mục tiêu tăng 16% trong năm 2025, tập trung vào chất lượng tín dụng. Doanh thu hoạt động đạt gần 2.273 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 900 tỷ đồng, thực hiện được 17% kế hoạch cả năm.
“OCB đang đi vào giải quyết những vấn đề còn tồn tại dư nợ khách hàng cá nhân, kỳ vọng 1-2 quý tới, bức tranh nợ xấu của ngân hàng sẽ cải thiện rõ rệt”, CEO OCB cho biết.
Lãnh đạo OCB cho biết, phấn đấu đưa OCB vào Top 5 ngân hàng TMCP tư ngân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả và ESG, đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo đó, định hướng sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu của từng phân khúc khách hàng; hoàn thiện và thúc đẩy thực thi ESG toàn diện trong hoạt động ngân hàng hướng đến mục tiêu tỷ trọng tín dụng xanh trên tổng dư nợ thị trường 1 năm 2025 đạt trên 11%.
Đại hội đã tiến hành bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 7 nhân sự: ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và ông Dương Kỳ Hiệp. Ông Yoshizama Toshiki và ông Segawa Mitsuhiro được đề cử bởi cổ đông lớn Ngân hàng Aozora, sở hữu 15% vốn điều lệ OCB.
Đại hội cũng bầu thành viên Ban kiểm soát gồm 5 nhân sự: bà Đặng Thị Thanh Huyền, bà Đặng Thị Quý, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Trọng Hải, ông Phạm Quang Vinh.