Gemadept khởi đầu 2025 đầy nội lực, nhưng áp lực lợi nhuận ngắn hạn vẫn hiện hữu
Kết thúc quý đầu năm 2025, Tập đoàn Gemadept (mã chứng khoá GMD) ghi nhận bức tranh kinh doanh khá tích cực ở mảng cốt lõi với doanh thu thuần đạt 1.277 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động khai thác cảng và logistics tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt với mức tăng trưởng đồng đều, giúp lợi nhuận gộp tăng tương ứng 27,4% lên 562 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhẹ, đạt 44% so với mức 43,8% của quý I/2024.
Một điểm sáng đáng chú ý trong kỳ là lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết, đạt mức 227 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Động lực chủ yếu đến từ sự tăng trưởng vượt trội của Cảng Gemalink, cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện nay tại cụm Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Với năng lực tiếp nhận tàu megaship lên tới 250.000 DWT và công suất giai đoạn 1 đạt 3 triệu TEU/năm, Gemalink tiếp tục là “mỏ vàng” lợi nhuận cho Gemadept. Tính đến cuối quý I/2025, khoản đầu tư của tập đoàn vào Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link, đơn vị vận hành Gemalink, có giá trị gốc 1.277 tỷ đồng và hiện là khoản đầu tư lớn nhất, sinh lời cao nhất trong danh mục của Gemadept.
Tuy vậy, áp lực lợi nhuận vẫn xuất hiện do doanh thu tài chính giảm sâu 91,7%, chỉ còn 29 tỷ đồng, khi trong quý I/2024 tập đoàn từng ghi nhận khoản lãi lớn từ chuyển nhượng tài sản tài chính. Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 104,5% và 16,9%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 18%, còn 578 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Gemadept báo lãi sau thuế hợp nhất 528 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm mạnh hơn, xuống còn 403 tỷ đồng — tương đương mức giảm 28%, trong khi phần lợi nhuận dành cho cổ đông không kiểm soát tăng 29,1%.
Xét về cơ cấu tài sản, tổng tài sản hợp nhất tại cuối quý đạt gần 18.089 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với đầu năm. Tài sản dài hạn tăng 4,4% nhờ đầu tư tài chính và bất động sản đầu tư, trong khi tài sản ngắn hạn giảm 6,1% do tiền mặt giảm 7,3% còn 3.676 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh thuần trong kỳ đạt 157 tỷ đồng, giảm mạnh 64,3%, nguyên nhân đến từ biến động dòng phải thu, hàng tồn kho và khoản phải trả. Đồng thời, dòng tiền đầu tư âm 254 tỷ đồng khi tập đoàn tiếp tục chi cho các dự án dài hạn, còn dòng tiền tài chính âm hơn 305 tỷ đồng do tăng trả nợ vay và chi trả cổ tức.
Ở mảng hoạt động liên kết, nhiều đơn vị đạt tăng trưởng mạnh về doanh thu dịch vụ như Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (tăng gần 4 lần), Công ty TNHH Tiếp vận "K" Line - Gemadept tăng hơn 27%. Tuy nhiên, một số đơn vị khác như Mekong Logistics hay Gemadept Hải Phòng lại ghi nhận doanh thu dịch vụ sụt giảm so với cùng kỳ.
Tại Hội nghị trực tuyến “Kết nối cùng Ban lãnh đạo Gemadept” do HSC tổ chức cuối tháng 4/2025, ông Nguyễn Thanh Bình — Tổng giám đốc Gemadept — chia sẻ triển vọng tích cực cho hoạt động 6 tháng đầu năm 2025. Dù đối mặt với các lo ngại về ảnh hưởng của chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, CEO Gemadept cho biết, công ty dự kiến đạt kết quả tốt nhờ đón đầu xu hướng "frontloading" — các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trước thời hạn áp thuế.
Gemadept không điều chỉnh giảm sản lượng mục tiêu cho năm 2025. Tại Cảng Nam Đình Vũ, sản lượng dự kiến đạt 1,35 triệu TEU, sẽ tăng lên 2 triệu TEU cuối năm nay khi hoàn thành giai đoạn 3. Tại Cảng Gemalink, sản lượng dự kiến 1,7-1,8 triệu TEU, với sản lượng hàng Mỹ chỉ chiếm khoảng 20-25%, giúp giảm bớt tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới.
Để đảm bảo tăng trưởng, công ty đang linh hoạt điều chỉnh tuyến, cơ cấu khai thác và mở thêm tuyến mới đi các thị trường châu Phi, châu Âu, Canada… đồng thời lên kế hoạch đầu tư, mở rộng các dự án cảng và logistics, chuẩn bị tốt cho tầm nhìn dài hạn đến 2030.