Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Sự đổi mới của TP.HCM là hết sức đặc biệt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước; ghi nhận, đánh giá cao cách làm mới, khí thế mới, quyết tâm mới của TPHCM.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Sự đổi mới của TP.HCM là hết sức đặc biệt - 1

Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Ngày 5-10, đoàn công tác Đảng đoàn Quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Chủ trì buổi làm việc có các ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước; ghi nhận, đánh giá cao cách làm mới, khí thế mới, quyết tâm mới của TPHCM.

Qua báo cáo, 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GRDP của TPHCM đạt 6,8%, muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 7,5% thì quý 4, TPHCM phải phấn đấu tăng trưởng trên 9%. Chủ tịch Quốc hội nhận xét TPHCM có sự quyết liệt với nhiều đề án mới, giải pháp mới được sự đồng thuận của người dân. “Tôi thấy sự quyết tâm, tầm nhìn, sự đổi mới của thành phố hết sức là đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Quan tâm đến tình hình thu ngân sách của TPHCM, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu TPHCM hoàn thành chỉ tiêu năm 2024 sẽ góp phần đóng góp ngân sách Trung ương 27% để đảm bảo cân đối chi của cả nước. Ông Trần Thanh Mẫn tin tưởng với quyết tâm lớn, TPHCM sẽ đạt chỉ tiêu thu ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý TPHCM cần quan tâm một số vấn đề. Đó là, tăng trưởng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đầu tư là chưa đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương là các bộ, ngành phải tháo gỡ cho địa phương chứ không để địa phương phải đề xuất lên.

“Các bộ phải vào TPHCM chứ không để TPHCM đi ra các bộ. Hôm nay, tôi cũng nói Đảng đoàn Quốc hội là vào TPHCM, tôi cũng mong các đồng chí vào nhiều hơn nữa trên phương châm "tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó" cho TPHCM để gỡ về cơ chế, chính sách để kinh tế - xã hội là phát triển, tháo gỡ theo cách làm mới” Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Sự đổi mới của TP.HCM là hết sức đặc biệt - 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc tháo gỡ hiện nay cũng theo cách làm mới, Quốc hội chỉ quyết những vấn đề theo Hiến pháp, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Còn thông tư, nghị định giao về cho Chính phủ ban hành để nếu khó khăn, vướng mắc thì sửa nghị định, thông tư nhanh. “Cách làm mới, hiện là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trên cơ sở vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về 3 dự án mới mà TPHCM đề xuất gồm, Trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt đô thị, đường Vành đai 4, Chủ tịch Quốc hội nhận xét đây là những dự án mang tầm nhìn mới, là vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan. “Đảng đoàn Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẵn sàng phối hợp khẩn trương, thường xuyên, trên định hướng, chủ trương ủng hộ”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định và lưu ý hồ sơ phải đầy đủ theo quy định, làm rõ về căn cứ pháp lý và đánh giá kỹ, đầy đủ các tác động.

Đánh giá các dự án, đề án TPHCM đề xuất là phù hợp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay không nói khó nữa mà phải bàn để làm. Ông đề nghị TPHCM phối hợp bộ ngành khẩn trương xin chủ trương, hoàn tất thủ tục để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo tóm tắt các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội và một số đề xuất, kiến nghị.

Theo đó, TPHCM chuẩn bị trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM (dự án đường Vành đai 4); đề án đường sắt đô thị TPHCM và đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM (Trung tâm tài chính quốc tế).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Sự đổi mới của TP.HCM là hết sức đặc biệt - 3

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Theo ông Phan Văn Mãi, Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội đều thể hiện tinh thần mạnh mẽ là đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có hoàn thành đường Vành đai 4 vào năm 2030.

Đường Vành đai 4, theo quy hoạch có chức năng kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không quốc tế của Vùng đô thị TPHCM. Đồng thời đóng vai trò phân luồng từ xa giúp giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội thành TPHCM.

Còn đề án đường sắt đô thị TPHCM xác định thực hiện khoảng 183km đến năm 2035 và tiếp tục đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị được xác định trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. 

Báo cáo về đề án Trung tâm tài chính quốc tế, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM được xác định trong phạm vi địa lý cụ thể và gắn với định hướng phát triển đô thị của thành phố, bao gồm khu phố tài chính hiện hữu ở quận 1 và khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm. Hai khu phố này sẽ bổ sung cho nhau, với các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại và các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới.

Trung tâm tài chính quốc tế bao gồm 3 cấu phần, gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh. TPHCM đề xuất và kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.N

CLIP HOT