Tiếng rao ngày Tết

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi có ước mơ, đường phố mãi mãi thênh thang, tiếng rao buồn không còn vang vọng, bởi vùng quê nào ở trên đất nước này cũng đều có cuộc sống ổn định, không còn ai phải tha phương cầu thực

Tiếng rao ngày Tết - 1

Gần hai năm nay, gia đình tôi chuyển về ở trong khu xóm lao động, thuộc phường 13, quận Phú Nhuận - TPHCM. Phần lớn bà con ở đây sống chan hòa, quan tâm lẫn nhau. Sau thời gian dò dẫm, biết vợ chồng tôi làm việc Nhà nước, con cái học hành đàng hoàng, họ vui mừng, an tâm lắm. Mấy đứa nhỏ chào ông, chào bà râm ran khi gặp vợ chồng tôi ngoài đường…

Ngày ngày, văng vẳng tiếng rao

Xóm tôi ở trước đây chuyên nghề làm Đậu Hủ, nay chỉ còn vài nhà. Một số gia đình cố dàn xếp dành một vài phòng cho thuê để có thêm đồng ra đồng vào chi dùng cho cuộc sống hằng ngày, nhưng không gia đình nào thuộc diện xóa đói giảm nghèo, và cũng chưa thấy có chuyện to tiếng với nhau. Nhà nào có việc, thì những nhà bên cạnh qua giúp. Vừa rồi, trước nhà tôi có hai người thuê nhà, hết hạn dọn đi, thì tôi thấy bà con tới khiêng giúp cái bàn, cái ghế lên xe cùng những lời chúc tốt đẹp khi tới nơi ở mới. Thấy thế mà vui. Nhà tôi, ban ngày ai cũng đi làm, đi học cả, nhưng tiền điện, tiền nước mấy tháng gần đây khỏi phải đi nộp xa, vì có bà bác bên cạnh đóng giúp, dù vợ chồng tôi chưa dám lên tiếng nhờ vả chuyện này. Tình làng nghĩa xóm của ngày xa xưa mà tôi đã biết, nay gặp lại ở nơi cư trú mới, đã làm tôi xúc động.

Từ sáng sớm đến khuya, không lúc nào ở xóm tôi thiếu tiếng rao. Sáng sớm thì xôi đậu, xôi bắp rồi đến các loại rau, các loại trái cây… Tiếng rao mua ve chai, mua đồ điện tử từ khoảng 10 giờ đến 16 giờ. Xen vào những tiếng rao ấy là tiếng rao bắp xào, bắp nấu, bắp nước; đậu hũ - nước cốt dừa, cơm rượu. Nửa chiều thì vang lên tiếng rao canh bún. Tối đến thì tiếng rao bánh dày, bánh giò, cháo huyết. Khuya thì tiếng mì gõ lốc cốc… lốc cốc…

Nghe tiếng rao buồn buồn, lòng tôi cứ nao nao và hiểu thêm cuộc sống của những người lao động ở khu xóm lao động. Phần lớn những tiếng rao ấy là những người nhập cư. Họ đến từ các tỉnh những mong kiếm thêm ít tiền gửi về giúp gia đình.

Không phong lưu cũng ba ngày Tết

Qua những lần tìm cớ ăn quà, tôi thăm dò, mới biết rằng ở các vùng quê cực lắm. Mỗi tháng, họ để dành khoảng 100.000 đồng cũng bằng ở quê làm 3 sào ruộng trúng mùa. Tôi không tin, song người bạn của tôi làm quan chức cấp huyện ở miền Trung, cho biết đó là sự thật. Lâu nay, bà con nông dân làm ruộng là tự làm thuê cho mình, nên không hề tính công. Nếu tính tất cả, thì một sào ruộng trúng mùa chỉ lãi khoảng 100.000 đồng (vụ mùa 3 tháng).

Chị Nguyễn Thị Lành, 53 tuổi, quê Thanh Hóa, vào TPHCM 3 năm nay buôn bán ve chai, nuôi đứa con đang học Đại học ở Hà Nội. Lắm lúc mệt mỏi, chị muốn nghỉ một bữa nhưng phải cố ráng để có tiền gửi cho con. Ba cái Tết rồi, chị chưa về quê, bởi chi phí một lần về đủ để con chị trả tiền ăn, tiền trọ, tiền sách vở… vài tháng. "Cố thôi, anh ơi. Chờ vài năm nữa, con tôi ra trường rồi tính" - Chị cám ơn xấp giấy báo của tôi biếu, rồi cất tiếng rao…

Hàng chục năm nay, người dân TPHCM thích nhất là những ngày Tết, vì đường sá lúc nào cũng thênh thang, không còn thấy cảnh kẹt xe, khói xe nồng nực vào những giờ cao điểm... Riêng tôi, khi vui cái Tết đầu tiên ở khu xóm lao động này, tôi thấy thiếu thiếu cái gì ấy. Nhưng hết ngày mồng một Tết, tôi mới hiểu cái thiếu thiếu ấy là… vắng tiếng rao. Nghĩ cũng đúng thôi.

Những ngày đầu xuân, ai cũng ở nhà vui Tết sau một năm đầu tắt mặt tối kiếm miếng cơm manh áo. Cụ Tú Vị Xuyên từng viết: Không phong lưu cũng ba ngày Tết, kia mà. Đã là ngày Tết thì còn mấy ai chịu ăn quà vặt nửa buổi, nửa chiều… mà nghe vọng tiếng rao. Năm mới cũng chẳng ai có gì thải ra để bán, bởi mọi nhà đã giải quyết tất tật những gì gọi là dư thừa khi dọn nhà ăn Tết từ… năm cũ rồi.

Cả năm qua, tiếng rao cứ lẩn quất trong tôi. Nhiều lúc có công việc đi xa, tôi lại nhớ tiếng rao buồn buồn nhưng đầy lòng tự trọng của những người lao động chân chất ngày ngày đi ngang qua cửa nhà tôi. Và tôi có ước mơ, đường phố mãi mãi thênh thang, tiếng rao buồn không còn vang vọng, bởi vùng quê nào ở trên đất nước này cũng đều có cuộc sống ổn định, không còn ai phải tha phương cầu thực. Đâu đâu, người dân Việt tôi đều thấy bốn mùa là cả bốn mùa Xuân…

Tiếng rao ngày Tết - 2
Gánh cháo đêm

Tiếng rao ngày Tết - 3
Bắp nướng

V.G

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT