Thu về trên đảo Lý Sơn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nói đến Quảng Ngãi không chỉ có Núi Ấn, Sông Trà hay một bãi biển Sa Huỳnh tuyệt đẹp với nghề làm muối nổi tiếng từ lâu đời, một khu kinh tế mở Dung Quất đang góp phần đưa Quảng Ngãi chuyển mình phát triển trên con đường hội nhập...

 Thu về trên đảo Lý Sơn - 1

Từ thành phố Quãng Ngãi tiếp tục đi theo quốc lộ 24B khoảng 20km là đến Cảng Sa Kỳ - một bến cảng sầm uất để bắt đầu chuyến khám phá đảo Lý Sơn. Tàu cao tốc từ cảng ra đảo hàng ngày chỉ có 2 – 3 chuyến đến và không cố định giờ. Sau thời gian khám phá và cảm nhận biển khơi với khoảng  cách hơn 15 hải lý và thời gian khoảng 1 tiếng hoặc 1 tiếng 30 phút, một hòn đảo xanh đã hiện ra mà người dân thường gọi là “Cù Lao Ré”, đó cũng là tên gọi của đảo Lý Sơn. Cảm nhận đầu tiên của du khách về sự hình thành hòn đảo xinh đẹp này là những vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm, 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo.

Thu về trên đảo Lý Sơn - 2

Với diện tích của huyện đảo là khoảng 9,97 km² nhưng dân số lại lên đến con số hơn 20.460 người, gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn hoặc gọi Cù Lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Với hệ thống hạ tầng như: bến cảng, nhà hang, khách sạn và đường bộ được đầu tư trên đảo đã hoàn thiện đã tạo cho khách du lịch một sự yên tâm, một sự chào đón nồng nhiệt từ huyện đảo, và cũng từ tháng 9/2014 ở Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm cung cấp điện lươi quốc gia, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên đảo, kèm theo các dịch vụ nhà hàng khách sạn, ăn uống phát triển theo, huyện đảo đang hướng tới là 1 đảo du lịch trong tương lai.

Thu về trên đảo Lý Sơn - 3

Những ai từng đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đều không khỏi ngẩn ngơ khi đến các danh lam thắng cảnh chùa Đục, chùa Hang, biển Hang Cau, Bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Mộ Gió, Miếu Bà, Lăng Cá Ông, Ngọc Hải Đăng… và hành trình đến với những thắng cảnh nổi danh xứ đảo này còn được ví như đường lên tiên cảnh với vẻ đẹp hòa quyện cùng nhau của thiên nhiên, tất cả như một bức tranh của núi, của trời, của biển đảo Lý Sơn.

Điểm tham quan đầu tiên khách du lịch tham quan khi đặt chân đến đảo để khám phá là Chùa Đục, du khách vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai. Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh.

Thu về trên đảo Lý Sơn - 4

Rời khỏi chùa Đục, khách du lịch sẽ tiếp tục hành trình quay ngược về hướng cầu cảng rồi theo hướng đường lên núi Thới Lới, không bao xa là đến Chùa Hang. Nếu đến chùa Đục phải leo thang lên núi thì để vào chùa Hang, du khách phải xuống núi. Chùa Hang là nơi thờ tự Phật và các vị tiền hiền đã góp công khai hoang, dựng xây huyện đảo. Nằm ngay sát biển, nhưng ngay lối vào hang chính lại có mạch nước ngọt. Du khách không khỏi thú vị khi ngước nhìn mạch nước chảy ra từ đá núi rêu phong. Phong cảnh nhìn từ chùa Hang lại phác họa trong ấn tượng của du khách thêm những bức tranh thủy mạc thiên nhiên ưu đãi ban cho huyện đảo Lý Sơn.

Bên cạnh những thắng cảnh đẹp ấy, Lý Sơn còn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, hành tỏi mới di thực về Lý Sơn và được thử nghiệm tươi tốt. Từ đó, được người dân nhân rộng và phát triển đến bây giờ. Với diện tích khoảng 300 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 2000 tấn tỏi. Tuy củ hơi nhỏ nhưng người tiêu dùng rất ưa chuộng, bởi chất lượng của củ hành, củ tỏi được tạo nên từ thổ nhưỡng của vùng đất ba dan do hoạt động của hỏa diệm sơn phun trào mấy triệu năm về trước và sự vỡ vụn của san hô thành những hạt cát trắng mịn, cộng với môi trường khắc nghiệt đầy vị biển. Tất cả những đặc trưng ấy làm nên sự tinh túy của tỏi Lý Sơn. Hiện nay, trong nhiều loại hành - tỏi có mặt trên thị trường thì hành - tỏi Lý Sơn được xem là đặc sản quý hiếm, kích thước nhỏ, củ tròn trịa, có mùi thơm, vị cay nhưng vẫn dịu ngọt. Không những thế, hàm lượng tinh dầu có trong hành - tỏi Lý Sơn khá cao nên chẳng những được người tiêu dùng ưa chuộng dùng làm gia vị chế biến thực phẩm mà còn là nguồn dược liệu vô cùng quý giá chữa được nhiều bệnh nhất là về tiêu hóa và tim mạch.  

Và trước khi trở về đất liền, du khách hãy thưởng thức những đặc sản gắn liền với đảo và chỉ có trên đảo như: gỏi tỏi, khoai tây nướng với tỏi, bánh cuốn hành phi, bánh ít lá gai, hàu son xào, ốc vú nàng, ốc tượng Lý Sơn, cá tà ma, rong bìm bìm, gỏi sứa, cua dẹt, cua huỳnh đế… để nhớ mãi những ấn tượng đẹp về đảo Lý Sơn xinh đẹp.

PHAN ĐÔNG NHỰT

ảnh: Quốc Cường

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT