Việt Nam không có đối thủ ở SEA Games, giật mình nhìn lại ASIAD và Olympic

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

(Tin thể thao, tin SEA Games) Thành tích của Việt Nam giành được tại SEA Games 31 là quá tuyệt vời nhưng nhìn lại ASIAD, Olympic mọi thứ hoàn toàn khác.

Trong lần thứ đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games, Việt Nam đã tổ chức thành công về nhiều mặt. Công tác tổ chức diễn ra an toàn, đoàn VĐV chủ nhà cũng tạo ra một kì SEA Games kỉ lục, với số lượng HCV dành cho chủ nhà Việt Nam lên tới con số 205, lập kỷ lục của đại hội.

Việt Nam không có đối thủ ở SEA Games, giật mình nhìn lại ASIAD và Olympic - 1

Huy Hoàng và Nguyễn Thị Oanh trải qua một kì SEA Games thành công vượt bậc nhưng để giành HCV ASIAD hay Olympic thì họ sẽ phải cố gắng nhiều hơn

Việt Nam vượt xa đoàn đứng thứ hai Thái Lan tới 113 HCV, một khoảng cách mà khó có ai có thể san lấp. Theo thống kê số 205 số HCV Việt Nam giành được tại SEA Games 31 có khoảng 56% đến từ các môn thi Olympic, tức là 115 HCV. 

Đó là 22 HCV điền kinh, bơi lội đóng góp 11 HCV, vật (17 HCV), bắn súng (7), boxing (3), rowing (8), canoeing (8), xe đạp (4), judo (9), đấu kiếm (5), bóng ném (2), bóng bàn (1), taekwondo (9), quần vợt (1), cử tạ (3), bóng đá (2) và thể dục dụng cụ (4).

Những thành tích trên là vô cùng ấn tượng, đáng khích lệ, nhưng nếu nhìn vào các kỳ thi ASIAD và Olympic, đó lại là một khoảng lặng cần suy ngẫm.

Nếu như chúng ta dẫn đầu một cách thuyết phục tại SEA Games 31 thì ở ASIAD 2018 chúng ta chỉ đứng hạng 16 châu Á và số 4 Đông Nam Á sau Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Ở Olympic 2020, chúng ta "trắng tay" khi không giành được huy chương nào trong khi các đoàn Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines đều giành được huy chương.

Thống kê trên cho thấy rằng, dù Việt Nam có những thành tích áp đảo ở đấu trường khu vực nhưng khi bước ra các sự kiện lớn hơn chúng ta vẫn khó cạnh tranh huy chương.

Ví dụ dễ hiểu, chúng ta sẽ lấy thành tích kỉ lục mà VĐV Việt Nam giành được tại SEA Games để so sánh với thành tích giành HCV tại ASIAD và Olympic gần nhất để thấy rõ sự khác biệt.

Trong 5 HCV mà kình ngư Huy Hoàng giành được tại SEA Games 31 có 1 kỷ lục ở nội dung bơi 400m tự do nam. Hoàng lập kỷ lục với thành tích 3 phút 48 giây 06, trong khi Sun Yang người giành HCV ASIAD 2018 với thời gian 3 phút 42 giây 92 và HCV Olympic là Ahmed Hafnaoui (3 phút 43 giây 36).

Thành tích giành HCV của Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy 1.500m nữ là 4 phút 14 giây 98, người giành HCV ASIAD Kalkidan Gezahegne chỉ mất 4 phút 07 giây 88. Faith Kipyegon thì chỉ cần 3 phút 53 giây 11 để giành tấm HCV Olympic.

Cũng ở môn điền kinh, Lò Thị Hoàng lập kỷ lục SEA Games với cú ném 56m37, tuy nhiên thành tích này vẫn còn khá khiêm tốn so với các đồng nghiệp khác ở các giải đấu lớn. Tại ASIAD 2018, Liu Shiying (Trung Quốc) giành HCV với cú ném 66m09, tại Olympic cũng chính Liu Shiying giành HCV với thành tích 66m34.

Một trong số những nội dung thi Olympic có thể hy vọng đó là kỷ lục của nữ lực sĩ Hồng Thanh, người phá 3 kỷ lục tại SEA Games 31. Ở hạng cân 64 kg, Hồng Thanh lập kỷ lục cử giật 104 kg, cử đẩy 126 kg và tổng cử 230 kg. Thành tích này ngang bằng với mức tạ giúp Chen Wen Huei (Đài Loan, Trung Quốc) giành HCĐ Olympic 2020, kém 2 kg so với Giorgia Bordignon (Italia) giành HCB và thua 4 kg so với HCV Olympic Maude Charron (Canada).

Những khoảng cách lớn về thời gian kể trên cho thấy, để đạt được thành tích tại ASIAD hay Olympic các VĐV Việt Nam cần được đầu tư nhiều hơn, phải tập luyện, tiến bộ vượt bậc trong tương lai.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

QH

CLIP HOT