Nữ VĐV bóng chuyền Marina đẹp hoàn hảo và sự thật ngã ngửa phía sau
(Tin thể thao, tin bóng chuyền) Cái tên Marina Hasegawa đã phủ sóng khắp mạng xã hội với hàng chục nghìn lượt chia sẻ.
Cái tên Marina Hasegawa thời gian qua phủ sóng khắp mạng xã hội với hàng chục nghìn lượt chia sẻ, hàng trăm nghìn lượt yêu thích và vô số bình luận từ cư dân mạng toàn cầu. Hình ảnh nữ vận động viên bóng chuyền Nhật Bản, xinh đẹp, khỏe khoắn, thần thái chuẩn ngôi sao, khiến không ít người thốt lên: “Đây là lý do tôi bắt đầu xem bóng chuyền”.
Marina Hasegawa đẹp không tỳ vết, gây xôn xao với người hâm mộ bóng chuyền
Thế nhưng đằng sau vẻ đẹp hoàn hảo ấy là một sự thật khiến ai cũng ngỡ ngàng: Marina không phải là người thật, mà là một người mẫu ảo do AI tạo ra.
Từ "nữ thần sân đấu" đến câu chuyện công nghệ
Trên trang Instagram mang tên Marina, cô nàng được mô tả là sinh viên đại học tại Tokyo, cao 1m69, 20 tuổi, chơi bóng chuyền, yêu yoga, và… là một người mẫu AI. Tài khoản này bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 1/2025 và nhanh chóng thu hút gần 400.000 người theo dõi chỉ sau hơn 3 tháng.
Trang cá nhân của Marina chia sẻ đầy đủ như bất kỳ hot girl thể thao thực thụ nào, với hình ảnh đi thi đấu, tập luyện, sinh hoạt đời thường, thậm chí còn có "mẹ" đến cổ vũ trên khán đài. Bạn thân Yuka, cũng là vận động viên bóng chuyền xinh đẹp, thường xuyên xuất hiện cùng cô trong các bức ảnh. Và rồi cộng đồng mạng phát hiện Yuka cũng là nhân vật ảo do AI dựng nên.
Thay vì khiến cư dân mạng chùn bước, sự thật “ảo” này dường như càng kích thích trí tò mò. Hàng loạt bình luận tiếp tục xuất hiện, trong đó không ít ý kiến mang tính khiếm nhã.
Khi người thật không còn là duy nhất
Sự nổi lên của Marina và các người mẫu AI như cô là minh chứng cho trào lưu bùng nổ về việc người mẫu ảo, không tuổi, không khuyết điểm, không scandal, luôn đẹp, luôn sẵn sàng “lên hình”.
Hashtag #AIModel hiện có hàng triệu lượt xem trên Instagram và TikTok. Không chỉ dừng ở vai trò “gái xinh mạng”, các nhân vật ảo này còn được các nhãn hàng thời trang, thương hiệu thể thao mời hợp tác quảng cáo.
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu Gartner, đến năm 2035, "nền kinh tế số của con người", trong đó có người mẫu AI, có thể đạt giá trị hơn 125 tỷ USD. Thế giới đang dần chấp nhận một thực tế mới, nơi cảm xúc, vẻ đẹp và sức ảnh hưởng không còn phụ thuộc vào sự tồn tại thật ngoài đời.
Tuy nhiên, xu hướng này cũng kéo theo nhiều tranh cãi. Các chuyên gia cho rằng hầu hết người mẫu AI đều tuân theo một “khuôn mẫu sắc đẹp” phi thực tế, như vòng eo nhỏ bé, làn da không tì vết, cơ thể gợi cảm.
Cái tên Marina đang gây bão mạng xã hội
Vấn đề đạo đức: Ai là người chịu trách nhiệm?
Câu hỏi đặt ra, khi AI tạo ra hình ảnh hoàn hảo, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu hình ảnh đó bị khai thác sai mục đích? Phó giáo sư Grant Blashki (ĐH Melbourne) từng ví việc lạm dụng hình ảnh AI khiêu dâm là “hộp Pandora kỹ thuật số”, khi đã mở ra thì rất khó để kiểm soát những hệ lụy kéo theo, như nghiện nội dung ảo, suy giảm sự gắn kết thực tế, và cả những hành vi lệch chuẩn ngoài đời thật.
Vẻ đẹp hoàn hảo của Marina không thể phủ nhận, với đôi mắt to, khuôn mặt thanh tú, thân hình săn chắc và thần thái chuyên nghiệp. Nhưng khi người ta biết rằng vẻ đẹp đó là tổng hợp của hàng nghìn bức ảnh được lựa chọn kỹ lưỡng, được trau chuốt bởi thuật toán thay vì gen di truyền, liệu sự ngưỡng mộ có còn nguyên vẹn?