"Hiệu ứng Vardy" và bí quyết tạo nên hàng công đáng sợ ở Ngoại hạng Anh
Brentford, Leicester chứng minh cho các "ông lớn" Ngoại hạng Anh thấy, không phải cứ chi ra số tiền khổng lồ là có thể tạo nên hàng công hiệu quả.
"Món hời" Mbeumo của Brentford
Ở vòng 20 Ngoại hạng Anh, Bryan Mbeumo đóng góp 2 bàn, 1 kiến tạo trong chiến thắng 5-0 của Brentford trước Southampton. Đây là bàn thắng thứ 100 tiền đạo người Cameroon in dấu giày (ghi bàn hoặc kiến tạo) trong màu áo Brentford ở giải quốc nội.
Mbeumo - Wissa giúp Brentford bay cao ở Ngoại hạng Anh
Mbeumo gia nhập Brentford từ Troyes vào tháng 8/2019 với mức phí 5,8 triệu bảng, con số kỷ lục của câu lạc bộ khi họ còn thi đấu ở Championship (giải hạng Nhất Anh).
Dù vậy, thương vụ này hầu như không được nhắc tới, bởi sự chú ý của bóng đá Anh thời điểm đó đổ dồn vào thương vụ Harry Maguire gia nhập MU trị giá 80 triệu bảng. Ngay cả ở Brentford, sự xuất hiện của Mbeumo còn không gây chú ý bằng sự kiện Neal Maupay chia tay đội bóng để chuyển đến Brighton.
Tuy nhiên cho đến hiện tại, Mbeumo đang trở thành một trong những bản hợp đồng “hời” nhất Ngoại hạng Anh. Mùa giải 2024/25, anh đóng góp 13 bàn thắng (3 bàn từ penalty), 3 kiến tạo và xếp thứ 3 trong danh sách Vua phá lưới.
Thống kê chỉ ra, suốt hơn 5 năm rưỡi qua, mỗi bàn thắng hoặc pha kiến tạo của Mbeumo chỉ tiêu tốn của Brentford 58.000 bảng.
Dù vậy, Mbeumo không phải “món hời” duy nhất của Brentford. Yoane Wissa, gia nhập đội từ Lorient với mức phí 8,5 triệu bảng vào tháng 8/2021, cũng đóng góp 10 bàn và 3 kiến tạo trong mùa giải 2024/25.
Một phần nguyên nhân tạo nên thành công cho bộ đôi tiền đạo này đến từ khả năng thực hiện những cú dứt điểm chất lượng cao (tức những cú sút có khả năng tạo ra cơ hội ăn bàn cao) của Brentford. Trong 3 mùa rưỡi thi đấu tại Ngoại hạng Anh, khoảng cách trung bình của các cú sút mà Brentford tạo ra là 14,6 mét, ngắn nhất giải đấu, dẫn đến tỷ lệ chuyển hóa thành bàn gần 18%.
Tất nhiên, để tạo ra cơ hội ngon ăn, Brentford phải tìm cầu thủ phù hợp. Với chiến lược chuyển nhượng khôn ngoan, đội bóng có thể duy trì kết quả tích cực bất chấp phải bán chân sút trụ cột Ivan Toney vào mùa hè 2024. Thậm chí, người được đưa về thay thế Ivan Toney là Igor Thiago chủ yếu ngồi ngoài vì chấn thương đầu gối.
Không có Toney hay Igor Thiago, bộ ba Mbeumo, Wissa và Kevin Schade đã kết hợp để in dấu giày vào 35 bàn thắng tại Ngoại hạng Anh, chỉ thua hàng công Liverpool. Liệu Brentford có đang sở hữu hàng công giá trị nhất giải đấu hàng đầu “Xứ sở sương mù”?
"Hiệu ứng Vardy" và bí quyết tạo nên hàng công giá trị
Việc đánh giá khách quan về giá trị hàng công một đội bóng tương đối khó khăn. Trang The Athletic chọn ra 3 cầu thủ tấn công (bao gồm tiền đạo và chạy cánh, không tính tiền vệ tấn công) ra sân nhiều nhất cho câu lạc bộ chủ quản để xác định hàng công thường xuyên đá chính của mỗi đội.
Thống kê này không tính đến trường hợp cầu thủ chấn thương. Trên thực tế, các cầu thủ đá chính thường xuyên sẽ không vắng mặt trong thời gian quá dài.
Bộ ba tiền đạo được sử dụng nhiều nhất của 20 CLB Ngoại hạng Anh
CLB | Cầu thủ | Tổng phí chuyển nhượng (triệu bảng) |
Newcastle United | Isak, Gordon, Murphy | 115 |
Liverpool | Salah, Diaz, Gakpo | 113,9 |
Tottenham | Kulusevski, Son, Solanke | 112,6 |
Chelsea | Jackson, Madueke, Neto | 111,9 |
MU | Diallo, Rashford, Hojlund | 101 |
Man City | Haaland, Silva, Foden | 95,5 |
Wolves | Strand Larsen, Cunha, Bellegarde | 81,8 |
Aston Villa | Watkins, Bailey, Rogers | 78 |
Arsenal | Havertz, Saka, Martinelli | 71 |
West Ham | Bowen, Kudus, Antonio | 68,5 |
Bournemouth | Evanilson, Semenyo, Kluivert | 60 |
Crystal Palace | Mateta, Eze, Sarr | 46,1 |
Everton | Calvert-Lewin, Ndiaye, McNeil | 36,5 |
Brentford | Mbeumo, Wissa, Schade | 36,1 |
Nottingham Forest | Wood, Hudson-Odoi, Elanga | 33 |
Brighton | Mitoma, Welbeck, Pedro | 32,5 |
Southampton | Dibling, Armstrong, Archer | 30 |
Fulham | Jimenez, Iwobi, Traore | 27,5 |
Ipswich Town | Delap, Szmodics, Burns | 24,1 |
Leicester City | Vardy, Mavididi, Buonanotte | 8 |
Ngoài ra, The Athletic thống kê mức phí chuyển nhượng mà câu lạc bộ tiêu tốn cho mỗi bàn thắng/kiến tạo đến từ hàng công được sử dụng nhiều nhất mùa giải này (ảnh dưới).
Theo đó, Leicester City đứng ở vị trí số 1, chủ yếu nhờ vào "Hiệu ứng Jamie Vardy". Chân sút người Anh chỉ tốn 1 triệu bảng phí chuyển nhượng vào thời điểm gia nhập Leicester từ Fleetwood Town năm 2012.
Những nhân tố còn lại trên hàng công Leicester cũng không hề đắt đỏ: Facundo Buonanotte là cầu thủ duy nhất thuộc diện cho mượn được tính vào danh sách, trong khi Stephy Mavididi có giá trị chuyển nhượng 7 triệu bảng. Thống kê chỉ ra, mỗi bàn thắng mà họ đóng góp trong năm 2024 chỉ ngốn trung bình 380.000 bảng phí chuyển nhượng.
Vẫn còn đó những nghi ngờ về việc hàng công Leicester có được coi là "giá trị tốt" hay không, khi đội bóng này ngụp lặn ở vị trí thứ 19, qua đó đối diện nguy cơ xuống hạng.
Tuy nhiên nếu phân tích sâu hơn, hàng công không phải nguyên nhân chính dẫn tới thành tích bết bát này. "Bầy cáo” đã ghi 43 bàn trong năm 2024, vượt số bàn thắng trung bình của các đội kết thúc ở vị trí thứ 17 chung cuộc suốt 5 mùa giải vừa qua (39,8 bàn).
Vardy, Mavididi, Buonanotte in dấu giày vào 21 bàn thắng, xếp thứ 11 trong số 20 hàng công thường xuyên đá chính ở Ngoại hạng Anh, dù tổng chi phí chuyển nhượng của họ thấp nhất.
Xếp sau Leicester là Brentford. Mỗi pha lập công hay kiến tạo đến từ hàng công thường xuyên đá chính của đội bóng mùa này chỉ tiêu tốn hơn 1 triệu bảng. Ngoài Mbeumo và Wissa, nhân tố còn lại trong “tam tấu” là Kevin Schade có mức phí chuyển nhượng 22 triệu bảng.
Sau mùa giải 2023/24 vật lộn với chấn thương, anh đang trở lại mạnh mẽ bằng cách góp công vào 7 bàn thắng, dù thời gian thi đấu ít hơn 2 đồng đội.
Có thể thấy, các đội bóng làm tốt việc cân bằng giữa chi phí chuyển nhượng và hiệu quả mang lại chỉ tiêu tốn tổng cộng từ 27 triệu đến 37 triệu bảng cho hàng công thường xuyên đá chính. Ngoài Brentford, 3 đội gồm Fulham, Brighton hay Nottingham Forest cũng thuộc nhóm này, khi các tiền đạo của họ được chiêu mộ với giá phải chăng nhưng duy trì phong độ ghi bàn cực ổn định.
Chris Wood (Nottingham Forest), chân sút xếp thứ 6 danh sách Vua phá lưới Ngoại hạng Anh 2024/25 (12 bàn) là ví dụ tiêu biểu. Trong khi đó, Raul Jimenez (Fulham) đã ghi 8 bàn, thành tích tốt nhất trong một mùa của tiền đạo này kể từ chấn thương nứt sọ kinh hoàng vào năm 2020.
Việc cả 3 CLB đứng ở nửa trên bảng xếp hạng (Nottingham Forest hạng 3, Fulham hạng 9, Brighton hạng 10) cho thấy, giá trị của hàng công vượt trội chi phí chuyển nhượng.
Theo bảng xếp hạng các đội có hàng công giá trị nhất, Chelsea xếp ở vị trí áp chót với chi phí trung bình gần 5 triệu bảng cho mỗi bàn thắng/kiến tạo. Bộ ba Nicolas Jackson, Noni Madueke và Pedro Neto đều chơi tốt dưới thời HLV Enzo Maresca, nhưng tổng mức phí chuyển nhượng hơn 110 triệu bảng đòi hỏi họ phải xuất sắc hơn để cải thiện vị trí cho đội bóng trên bảng xếp hạng.
Một lý do khác khiến Chelsea bị xếp hạng thấp là Cole Palmer, ngôi sao tấn công số 1 của đội được xếp ở vị trí tiền vệ tấn công thay vì tiền đạo. Giả sử Palmer thay thế Neto, chi phí cho mỗi đóng góp bàn thắng của Chelsea sẽ giảm gần một nửa (xuống còn 2,82 triệu bảng), đưa họ từ vị trí thứ 19 lên thứ 11.
Vị trí cuối cùng thuộc về MU. Các con số thống kê về chi phí - hiệu quả của “Quỷ đỏ” không được cải thiện đáng kể, ngay cả khi Bruno Fernandes được tính là cầu thủ tấn công chính thay vì tiền vệ. Nguyên nhân vì đội bóng chi tiêu quá nhiều vào thị trường chuyển nhượng mà không mang lại hiệu quả tương xứng dưới thời cựu HLV trưởng Erik Ten Hag.
Với tư cách cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo, Marcus Rashford không tốn khoản phí chuyển nhượng nào của MU. Trong khi đó, Rasmus Hojlund (64 triệu bảng) hay Amad Diallo (37 triệu bảng) thi đấu tương đối ổn, nhưng phí chuyển nhượng quá cao của họ khiến MU trở thành đội có hàng công kém giá trị nhất Ngoại hạng Anh.
Jamie Vardy là "hiện tượng" thú vị của Ngoại hạng Anh
Bài học chi tiêu hiệu quả từ các đội bóng tầm trung
Có ý kiến cho rằng, giá trị của Hojlund và Diallo chỉ nên được đánh giá trong vài năm tới. Tương tự, một số ý kiến cũng cho rằng giá trị của những cầu thủ như Mohamed Salah (Liverpool), Son Heung Min (Tottenham) nên được xem xét dựa trên thành tích suốt nhiều năm qua thay vì gói gọn trong mùa giải 2024/25.
Đó là lý do tại sao, The Athletic đưa ra bảng dữ liệu khác để thống kê số tiền chi trả mỗi pha lập công trong toàn bộ thời gian thi đấu của các cầu thủ này tại câu lạc bộ chủ quản.
Một lần nữa, "Hiệu ứng Jamie Vardy" (180 bàn thắng trong 12 năm) giúp Leicester City đứng đầu bảng, với chi phí chỉ 30.000 bảng cho mỗi pha lập công. Do thời gian gắn bó lâu dài của Wissa và Mbeumo (tổng cộng 9 mùa), Brentford vẫn đứng vị trí cao trên bảng xếp hạng với chi phí chỉ 230.000 bảng cho mỗi đóng góp bàn thắng.
Về phía các "ông lớn", giá trị của dàn sao như Salah và Erling Haaland trở nên nổi bật. Dù có phí chuyển nhượng cao, thành công của họ khiến các câu lạc bộ chỉ phải trả khoản phí rất thấp cho mỗi đóng góp bàn thắng, đặc biệt là Salah (173 bàn tại Ngoại hạng Anh trong 7 năm rưỡi, phí chuyển nhượng 37 triệu bảng).
Trường hợp của Man City khiến giới thống kê đau đầu hơn cả, vì các tiền đạo của họ thường xuyên luân chuyển vai trò với tiền vệ tấn công hoặc tiền đạo chạy cánh. Những cầu thủ trong vai trò này (Bernardo Silva, Phil Foden) có tổng số lần ra sân nhiều hơn so với các cầu thủ chạy cánh truyền thống (Savinho, Jack Grealish, Jeremy Doku).
West Ham United là trường hợp đáng chú ý khác. Đội bóng thành London nổi tiếng với những bản hợp đồng “xịt” ở vị trí tiền đạo, điển hình như Gianluca Scamacca, Sebastien Haller hay mới đây nhất là Niclas Füllkrug.
Dù vậy, West Ham vẫn sở hữu Michail Antonio. Được chiêu mộ với giá chỉ 7 triệu bảng vào năm 2015, Antonio duy trì phong độ ổn định và ghi 68 bàn thắng, nằm trong số 3 tiền đạo được sử dụng nhiều nhất West Ham mùa này, cùng Jarrod Bowen và Mohammed Kudus.
Nhìn chung, thống kê trên nghiêng hẳn về những cầu thủ đã gắn bó lâu dài với một đội bóng, thay vì những cầu thủ mới khoác áo đội bóng trong thời gian ngắn.
Ví dụ như Chelsea. Bộ ba Jackson, Madueke, Neto đều khoác áo đội bóng dưới 2 năm và chưa có đủ thời gian để chứng minh giá trị lâu dài. Nếu tiếp tục gắn bó trong 5 năm, họ có thể coi là những bản hợp đồng giá trị.
Trường hợp tương tự là Newcastle. Hàng công chính của họ gồm Alexander Isak, Anthony Gordon và Jacob Murphy có tổng chi phí chuyển nhượng đắt đỏ nhất (115 triệu bảng).
Tuy nhiên, cả 3 đều mang lại giá trị thực tế: Isak khẳng định vị thế một trong những “số 9” hàng đầu Ngoại hạng Anh, Gordon góp công vào 31 bàn trong 2 năm, Murphy thường xuyên đá chính từ khi gia nhập đội bóng cách đây 8 năm từ Norwich City với giá chỉ 8 triệu bảng.
Như vậy, chúng ta có thể rút ra 3 kết luận. Thứ nhất, yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của các đội bóng tầm trung trong mùa giải này là tìm ra những cây săn bàn hiệu quả với chi phí hợp lý. Brentford, Leicester, Nottingham Forest cho thấy chiến lược tuyển chọn thông minh có thể mang lại giá trị vượt trội.
Thứ hai, yếu tố quan trọng nhất để đánh giá mức độ hiệu quả so với chi phí bỏ ra là quãng thời gian gắn bó lâu dài của cầu thủ (Jamie Vardy, Mbeumo, Wissa), thay vì những bản hợp đồng “một phút le lói rồi vụt tắt”.
Cuối cùng, ngoại trừ thương vụ chuyển nhượng tự do, những cầu thủ được chiêu mộ khi còn trẻ hay những trường hợp thuộc "Hiệu ứng Jamie Vardy" có thể trở thành tiền đạo mang lại giá trị tốt nhất cho các đội bóng.