ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup: Làm gì để vươn tầm châu lục, chờ bùng nổ giải tiếp theo
Đã trở lại ngôi vương Đông Nam Á, câu hỏi tiếp theo dành cho ĐT Việt Nam là làm thế nào để vươn tầm ở châu Á.
Chức vô địch Đông Nam Á đã trở lại với ĐT Việt Nam sau 6 năm, ngọt ngào hơn nữa khi chúng ta đánh bại được nhà ĐKVĐ Thái Lan, đối thủ số 1 của bóng đá Việt Nam. Nhưng sau những màn ăn mừng, ĐT Việt Nam cần tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn.
Mục tiêu trước mắt
Vòng loại Asian Cup 2027 sẽ là chiến dịch tiếp theo của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang Sik. Nepal và Lào là những đối thủ không khó, nhưng thách thức sẽ đến ở trận gặp Malaysia. Chỉ có đội nhất bảng lọt vào vòng chung kết, nên ĐT Việt Nam phải thắng đậm 2 đối thủ yếu hơn và giành kết quả tích cực trước Malaysia.
Sau AFF Cup, mục tiêu tiếp theo của ĐT Việt Nam là đoạt vé dự Asian Cup 2027
Vòng loại này sẽ kéo dài cho tới hết năm 2025, trong đó giai đoạn mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ là tiêu điểm. Nhưng bên cạnh hoạt động của ĐTQG, bóng đá trẻ cũng sẽ được chú ý với hai giải lớn là vòng loại U23 châu Á 2026 và SEA Games 33.
Tháng 6 này, chúng ta sẽ được biết U23 Việt Nam đứng ở bảng nào của vòng loại, và các trận vòng loại sẽ thi đấu trong tháng 9. Do U23 Việt Nam thuộc nhóm hạt giống số 1, chúng ta dự kiến sẽ tránh được nhiều đối thủ mạnh trong hành trình giành vé đến Saudi Arabia 2026.
HLV Kim Sang Sik cũng sẽ dẫn dắt U23 Việt Nam, và vòng loại U23 châu Á sẽ là dịp ông thử sức các cầu thủ ông muốn trước khi chọn danh sách dự SEA Games 33. Mục tiêu của U23 Việt Nam không gì khác là đòi lại HCV từ tay U23 Indonesia.
Tăng lựa chọn tối ưu
2025 sẽ không phải năm HLV Kim Sang Sik có nhiều việc để làm ở cấp ĐTQG, nhưng ông chắc chắn sẽ cần đến các giải trẻ để chuẩn bị cho những mục tiêu xa hơn. Các giải trẻ luôn là cơ sở để bổ sung nhân tố mới cho đội tuyển.
Vĩ Hào chưa hoàn toàn chinh phục người hâm mộ sau những thể hiện ở AFF Cup, nhưng 2025 sẽ là năm anh có cơ hội tỏa sáng ở các giải trẻ
Ở ĐTQG, những cầu thủ như Trần Trung Kiên, Khuất Văn Khang và Bùi Vĩ Hào vẫn đủ tuổi dự SEA Games. Ngoài ra, một số cầu thủ triển vọng như Giáp Tuấn Dương, Nguyễn Văn Việt, Hồ Văn Cường, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Quốc Việt, Trần Ngọc Sơn, Nguyễn Thanh Nhàn cũng sẽ được ban huấn luyện đội tuyển đánh giá.
Trong các cầu thủ nói trên, chỉ có Văn Việt và Tuấn Dương sẽ quá tuổi khi U23 Việt Nam thi đấu ở giải U23 châu Á 2026. Nhưng điều quan trọng, qua các giải đấu HLV Kim Sang Sik sẽ biết được những ai có thể bứt lên thi đấu ở đội tuyển
Chiến lược lâu dài cho ĐT Việt Nam là cần những lựa chọn mới ở mọi vị trí, để HLV trưởng luôn có lựa chọn tối ưu. Vì vậy, tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ là cần thiết. Những cầu thủ này, nếu đạt yêu cầu, cần được lên tuyển để phả hơi nóng vào gáy các tuyển thủ vừa giành chức vô địch AFF Cup, nhằm khiến họ tiếp tục duy trì phong độ, thay vì tự mãn với thành công.
Xuân Son đã bùng nổ ngay trong giải đấu đầu tiên với ĐT Việt Nam
Nhưng nếu các cầu thủ không xứng tầm? Với thành công của Nguyễn Xuân Son, đây là thời điểm sự ủng hộ dành cho chính sách gọi lên các cầu thủ nhập tịch đạt tới mức cao nhất trong thời gian dài. Xuân Son đã cho thấy nếu một cầu thủ nhập tịch có sự nhiệt thành muốn cống hiến cho đội tuyển quốc gia, người đó xứng đáng được trao cơ hội.
Vấn đề chỉ là VFF sẽ lựa chọn chiến lược nào trong thời gian tới. Có 2 hướng đi: (1) VFF chờ xem các cầu thủ trẻ bản địa có trưởng thành đúng như kỳ vọng, nếu không được thì lúc đó sẽ chọn cầu thủ nhập tịch bổ sung vào những vị trí khuyết; (2) Triệu tập những ngôi sao nhập tịch ngay khi có cơ hội, qua đó đỡ phải chờ theo dõi tiến trình phát triển của các sao trẻ bản địa.
Tìm bước nhảy vọt
Việc VFF chọn hướng đi nào sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội thăng tiến của bóng đá Việt Nam trong tương lai. Sau chức vô địch AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam đã vào đến tứ kết Asian Cup 2019 và tiến vào vòng 3 vòng loại World Cup 2022 dưới bàn tay HLV Park Hang Seo. Giờ đây, mục tiêu của bóng đá Việt Nam là phải làm tốt hơn cả những gì thầy Park đã đạt được.
Thành công của Xuân Son khiến chúng ta có sự thiện cảm hơn trong việc cho phép các cầu thủ nhập tịch khác đại diện cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế.
Nhưng bóng đá Việt Nam không vững về mặt cấu trúc. Chỉ cần các nhà tài trợ rút đi hay các ông bầu không còn tiền nuôi là các CLB đứng trước nguy cơ giải thể hoặc sống lay lắt. Điều đó sẽ khiến các ngoại binh chất lượng không còn mặn mà với Việt Nam. Giữ cho nền bóng đá trẻ được phát triển vẫn phải là điều bắt buộc. Đã đến lúc phải làm chặt, bởi đào tạo trẻ chính là xây dựng thế hệ kế thừa cho ĐTQG.
Trong môi trường V-League có rất nhiều tiền đạo ngoại binh, Tuấn Hải và Tiến Linh vẫn là những chân sút bản địa thành công
V-League đang đi những bước quan trọng để chuyên nghiệp hóa giải đấu, quá trình đó cần phải được tiếp nối để kéo thêm khán giả đến sân. Có khán giả thì các CLB mới được nuôi sống, và CLB có tài chính ổn định mới thu hút ngoại binh đến đá. Đừng để thành công của ĐTQG khiến chúng ta quên rằng Hoàng Đức đang khoác áo một đội hạng Nhất. Nếu các đội V-League được khán giả nuôi sống thì cần gì một tuyển thủ phải xuống hạng dưới thi đấu?
Xuân Son giúp ĐT Việt Nam vô địch, nhưng bên cạnh anh là những cầu thủ bản địa đã được nuôi dưỡng nhờ những chương trình đào tạo trẻ thành công. Muốn bóng đá Việt Nam đạt được bước nhảy vọt ở Asian Cup và vòng loại World Cup, chỉ triệu tập vài ba cầu thủ nhập tịch sẽ là lối nghĩ đơn giản và sai lầm.