Tết quê ngày ấy…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Vua Đinh Bộ Lĩnh, địa danh lịch sử của dân tộc, với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng: Chùa Bái Đính, KDL Tràng An, Tam Cốc, Bích Động, Đền vua Đinh, vua Lê… Cũng như bao thanh niên khác, tôi cũng đi xa để học tập, làm việc, cứ mỗi độ Xuân về, lòng tôi lại bồn chồn, nhớ về quê hương. Những năm đầu xa nhà trọ học, tôi cứ mong nhanh đến Tết để được về nhà. Thích nhất là khoảng thời gian 1 tuần trước Tết. Hối hả, nhộn nhịp, nhà nhà đều dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua sắm. Nhớ nét văn hóa cộng đồng đặc sắc của quê hương với những trò chơi dân gian cuốn hút. Chiều 28 Tết, lẽo đẽo theo bố vào bếp, rúm ró ngồi bên nồi bánh chưng trên bếp lửa tanh tách, khiến tôi càng nôn nao…

Tết quê ngày ấy… - 1

Nồi bánh chưng Tết

Như thường lệ, năm nào nhà tôi cũng nấu bánh vào chiều 28 Tết. Tôi luôn nhận phần rửa lá gói bánh. Trước đó vài hôm, mẹ đi chợ mua mấy bó lá dong, vài ống cây giang để bố chẻ lạt gói bánh. Sáng dậy sớm, mẹ vo thúng gạo đã ngâm từ tối hôm trước, rồi để cho ráo nước, đậu xanh đem nấu chín, làm nhân bánh. Bố trải chiếc chiếu to giữa nhà, dùng cái nia lớn để làm nơi gói bánh. Rổ lá, thúng gạo, nồi đậu xanh được viên thành từng nắm tròn to bằng nắm tay người lớn, thịt ba chỉ ướp gia vị, tất cả sẵn sàng hòa làm một, trở nên những chiếc bánh vuông vắn, thơm phức. Bố dành ra một ít gạo, đậu để gói cho anh em tôi, mỗi đứa một chiếc “bánh cóc”, tức là bánh chưng nhỏ, gói không dùng khuôn, có chiếc lạt dài để có thể xách toòng teng.

Gói xong hết bánh, bố lấy phần cuống lá dong xếp xuống đáy nồi làm phần lót, sau đó xếp từng lớp bánh vào nồi, rồi đổ nước ngập phần bánh. Bếp nấu bánh chưng phải “thiết kế” riêng, vì nồi bánh rất nặng. Bố xếp những viên gạch thành 3 cái trụ, như 3 chân kiềng, rồi đặt nồi bánh lên. Lúc đầu, để lửa cháy to, khi nước sôi đều thì rút bớt củi cho lửa cháy vừa. Nấu trong khoảng 10-12 tiếng.

Năm nào nhà tôi cũng gói rất nhiều bánh, có lần tôi hỏi mẹ, nhà mình gói nhiều vậy thì ăn khi nào mới hết. Mẹ bảo, gạo, đậu do nhà mình trồng được. Mình dùng những thứ do chính mình làm ra, để làm lễ vật cũng tổ tiên, ông bà, như vậy là ý nghĩa nhất. Thế là, lễ vật để đi chúc tết bên Nội, bên Ngoại không thể thiếu cặp bánh chưng “cây nhà lá vườn”.

Tết quê ngày ấy… - 2

Náo nức trò chơi dân gian

Sáng sớm mùng hai Tết đã nghe tiếng trống Hội làng. Mọi người tập trung ra sân vận động, náo nức như đi trẩy hội. Sân vận động rộng chừng 4ha, được chia thành nhiều khu vực, để tổ chức nhiều trò chơi khác nhau. Thoáng từ xa đã thấy cây Nêu cao chót vót giữa sân, bốn góc sân cắm 4 lá cờ to bay phần phật trong gió. Khu vực trò chơi bịt mắt đập nồi đất được ngăn biệt 2 nửa, người xem đứng phía dưới, cách xa cái nồi đất được treo cao quá đầu. Người chơi được bịt mắt, quay 3 vòng rồi phải định hướng để đến cái nồi đất treo cao. Có 3 tiếng trống của người quản trò, hướng người chơi về phía cái nồi đất. Những người xem ra sức “trợ giúp” nhắc người chơi “Sang trái, sang phải. thẳng tiếp…” khi người chơi tới gần cái nồi đất, thì người quản trò ra hiệu người xem không được nhắc nữa. Người chơi giơ cao chiếc dùi, đánh vào khoảng trống phía trước. “Choang” chiếc nồi vỡ tung. Tiếng reo hò càng rộn rã, người quản trò ngay lập tức trao “giải thưởng” cho người chiến thắng. Tiếp tục những người khác thử tài.

Bên nhánh con sông Đáy, kế bên sân vận động, người ta dựng giữa sông 3 cây luồng to làm trụ, một cây luồng làm chiếc cầu, đây là trò leo cầu ngô. Với cây luồng làm cầu, một đầu được đặt cố định trên bờ, một đầu được buộc vào sợi dây thừng, treo lên đỉnh của 3 cây trụ, sao cho cây cầu song song với mặt nước. Trò này đa số thu hút các nam thanh niên, vì trời lạnh, phải mặc quần áo ngắn mà leo, lỡ rơi ùm xuống sông thì lạnh lắm. Dù lạnh, nhưng rất vui vì được mọi người cổ vũ nhiệt tình, cũng là dịp để rèn luyện sức khỏe.

Bác Trưởng thôn tên Kình là tâm điểm của bọn trẻ con chúng tôi, với cả rổ bóng bay đủ màu sắc, cùng những quyển vở xinh xắn. Bác ghi những câu đố vui, dán lên cây quất nhỏ, đứa nào hái trúng câu nào, trả lời đúng sẽ được tặng ngay bóng bay hoặc vở. Chưa trả lời đúng thì được thử tài lần sau nếu còn câu hỏi. Sau đó, là phần chơi thi hát theo vần. Bác Kình đưa ra chủ đề, như hát một bài có chữ Xuân, chữ Mẹ… hát cho tới khi các thí sinh “bí” thì chuyển chủ đề, hoặc chuyển luật chơi sang các kiểu khác. Lũ chúng tôi cũng cười tít cả mắt.

Ngày nay, các trò chơi dân gian vẫn được tổ chức như thông lệ. Nhiều người con xa xứ háo hức được trở về, hòa mình vào không khí rộn rã của quê hương trong ngày xuân mới. Và chắc chắn, họ sẽ tham gia vào những trò chơi, mà ngày còn bé, họ từng đứng reo hò rất nhiệt tình. Khi nhịp sống hối hả, những năm gần đây, nhiều nhà không còn gói bánh chưng nữa mà đi mua cho đỡ mất thời gian. Nhưng bố mẹ tôi dù bận thế nào cũng dành một ngày đợi các con về, quây quần bên nồi bánh. Ngày Tết ở quê tôi giản dị vậy, nhưng đã làm biết bao người xa xứ bồi hồi và mong ngóng ngày sum họp, đoàn viên đầu năm mới…

Hương Thu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT