TỪ CHỢ “PHƯỚC LỘC THỌ” ĐẾN NEW YORK

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TỪ CHỢ “PHƯỚC LỘC THỌ” ĐẾN NEW YORK - 1

 

 

Hai lần đến Mỹ du lịch tôi ấn tượng với không khí mua bán tại các chợ và trung tâm siêu thị sầm uất của miền Nam California. Đến quận Cam - khu chợ nổi tiếng và là địa điểm tượng trưng cho khu dân cư người Việt tại hải ngoại đó là chợ Phước Lộc Thọ. Những ngày cuối tuần mà không đi mua sắm ở khu chợ này thì thật là một điều phí phạm khi đến quận Cam. Vì hàng hóa tại đây có chất lượng rất tốt, giá rẻ hơn châu Âu và Úc rất nhiều lần…

 

 

 

Chợ của người Việt

Tôi được ca sĩ Quang Thành và Chuyên viên tóc Danny Dzũng hẹn sẽ chở đi chợ Phước Lộc Thọ trước khi sang Mỹ. Thành nói đến California chỉ nên mang theo ít quần áo thôi, để còn trống vali mà khuân đồ shopping về nước. Khi máy bay đáp xuống Phi trường Loz, trời nóng đến 38 độ C, nắng như đổ lửa. Thế mà mấy ngày hôm sau, nhiệt độ hạ xuống còn khoảng 18 độ C vào ban đêm. May là ở đây phương tiện di chuyển chủ yếu là xe hơi nên không ai bị bệnh vì tiết trời thay đổi.

Đến Little Saigon gần Thành phố San Bernardino, sẽ thấy ngay khu chợ Phước Lộc Thọ được xây dựng giống kiểu chợ An Đông ở Sài Gòn. Phần lớn cửa hàng tại đây toàn buôn bán đồ nữ trang, vàng bạc, đá quý. Số còn lại là cửa hàng băng đĩa, quần áo, tiệm ăn... Tuy nhiên, cũng như bao ngôi chợ người Việt khác, bạn phải trả giá khi hỏi mua bất cứ món hàng nào. Quang Thành nói: “Đó là tập tục và lối sống của dân Việt mình, cứ nói giá và cứ trả giá. Chuyện trả giá hớ cũng là bình thường”. Thật vậy, một cô bạn đi du lịch sang Mỹ cho tôi biết cô vừa mua cây kẹp tăm giá 10 USD để tặng mẹ chồng. Trong khi tôi biết giá cây kẹp này ở Việt Nam chắc chưa đến 10.000 đồng/cây! Cô nói: “Thôi kệ, dù sao cũng là kỷ niệm khi đến Phước Lộc Thọ”.

Ở chợ này có nhiều cửa hàng bán băng dĩa, hầu hết các DVD, VCD ca nhạc, ca cổ, phim truyền hình trong nước gần như không thiếu chủ đề nào. Kiều bào ở Mỹ hiện nay rất thích xem phim truyền hình VN, nên các quầy băng đĩa bán rất đắt các bộ phim được sản xuất trong nước. Ở các hàng ăn thì thôi không thiếu món ăn nào của VN, từ bún chả cua đến bánh xèo, bún mắm, cà ri gà, hủ tíu Mỹ Tho, nem nướng Thủ Đức…Tôi bất ngờ khi thấy có quầy bán hột vịt lộn và người Mỹ cũng ngồi ăn trứng vịt lộn một cách ngon lành. Các quầy bán thời trang thì nhiều nhất vẫn là áo dài khăn đóng, trang phục cổ truyền và những sản phẩm len cao cấp. Quầy bán thuốc, dầu gió, thảo dược đủ loại. Tôi nhìn thấy dầu gió Trường Sơn, xà bông Cô Ba VN, nước ngọt Chương Dương, Bột Bích Chi… những thương hiệu nổi tiếng trong nước được bày bán rất nhiều tại khu chợ này.

TỪ CHỢ “PHƯỚC LỘC THỌ” ĐẾN NEW YORK - 2

Mua hàng hiệu mà… giá rẻ

Có thể nói, các trung tâm mua sắm ở khu Bolsa miền Nam California được chia làm nhiều dạng. Nếu thích mua hàng hiệu mà giá rẻ thì tốt nhất nên đến các cửa hàng Outlet, đồ hiệu chính cống từ Gap đến Versace, Gucci, nhưng giá cả thấp hơn từ 20 đến 50% so với hàng hiệu bày bán ở các trung tâm mua sắm thông thường. Đồ đạc ở đây chủ yếu đã qua mùa hoặc bị lỗi chút đỉnh, nhưng dù sao cũng là đồ hiệu. Những cửa hàng Outlet nên đến là Citadel thuộc Los Angeles, cách Little Saigon 40 phút chạy xe; Ontario Mills thuộc thành phố Ontario, cách Little Saigon 45 phút; Palm Springs thuộc thành phố Cabazon, cách Little Saigon 2 giờ chạy xe. Đặc biệt có hơn 130 cửa hàng tại Palm Springs, từ Banana Republic, Salvatore, Gucci, A/X, Coach, CK đến DKNY và nhiều hàng hiệu khác. Sở dĩ các cửa hiệu Outlet được đặt cách xa nhau như vậy là do lúc mới khai trương, chính quyền địa phương muốn kéo người dân đến shopping ở những nơi xa khu trung tâm nhằm mục đích dần dần phát triển các khu vực dân cư mới.

Nếu vẫn chưa thỏa mãn khi mua sắm tại các cửa hàng Outlet, Quang Thành và Danny Dzũng đưa tôi đến các trung tâm shopping bình thường, ở gần những khu dân cư cũ như Westminster Mall, The Block... Cứ cách 50 dặm là thấy được một trung tâm mua sắm thuộc dạng này. Hàng hóa cũng là hàng hiệu, nhưng là hiệu tầm trung như Old Navy, Gap, Forever 21... Nếu may mắn đi đúng ngày có hàng giảm giá, một cái áo giá ban đầu là 48 USD được giảm xuống còn 2,99 USD là chuyện bình thường. Danny Dzũng nói: “Còn nếu muốn mua đồ hiệu cao cấp hơn nữa, cứ thẳng tiến đến Southcoast Plaza, Fashion Island và Beverly Center. Những địa điểm kể trên chỉ cách Little Saigon từ 5 đến 25 phút chạy xe, trừ Beverly Center thì xa hơn. Đối với những ai thích nước hoa, có thể mua bất cứ loại nước hoa hàng hiệu nào với giá rẻ bất ngờ tại thành phố Los Angeles”.

Nhờ "thổ địa" Nghệ sĩ Việt Hương dẫn đường, tôi đã đến được một cửa hàng nước hoa trên đường Los Angeles do người Ấn Độ làm chủ. Giá cả hết sức phải chăng, thấp hơn từ 10 đến 30 USD so với nước hoa trong các cửa hàng miễn thuế hoặc trung tâm mua sắm. Việt Hương cho biết: “Nếu anh chấp nhận mua chai nước hoa loại Tester (chai thử mà các hãng cung cấp cho đại lý bán hàng) thì giá còn rẻ hơn nữa”.

 TỪ CHỢ “PHƯỚC LỘC THỌ” ĐẾN NEW YORK - 3

Đến New York, thành phố không ngủ

Tôi được Quang Thành đưa ra Sân bay đến New York một mình. Cũng đỡ lo vì chuyến bay không đổi ga nên từ Los đến New York mất 7 giờ bay. Đón tôi là ca sĩ Nguyễn Tâm ở Boston sang, hẹn nhau đưa tôi đi tham quan mấy ngày tại thành phố này. Gần 30 năm sau ngày được nghệ sĩ Martin Glaser thiết kế, “I love New York” vẫn là logo du lịch…đáng yêu, dễ nhớ của bang New York và thành phố New York (từ cuối năm 2007, có thêm slogan “This is New York”). Siêu đô thị này có nhiều lý do khiến du khách cứ mãi yêu nó, muốn có dịp trở lại sau mỗi lần sang Mỹ. Đúng là cuộc sống ở đây khá đắt đỏ và nhộn nhịp. Thành phố này không bao giờ ngủ, đèn điện và những panô quảng cáo sáng choang suốt ngày. Người xe cứ tấp nập bất kể giờ giấc.

Tôi và Nguyễn Tâm mua thẻ MetroCard đi lại nhiều lần trên xe buýt và xe điện ngầm trong suốt một ngày với giá 2 đô la (vé giá trị 7 ngày giá 25 đôla). Đi dạo và ngắm cảnh trong công viên xanh mát, rộng lớn Central Park giữa lòng Mahattan thì chẳng tốn xu nào. Còn thả mình theo vòng đu quay thì phải mua vé 2 đôla , ngắm gấu trắng, chim cánh cụt trong sở thú thì vé vào cửa dành cho người lớn là 8 đôla, cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi là 3 đôla.

Chúng tôi rảo bộ đến đại lộ lừng danh Fifth Avenue ở gần nơi giao tiếp với 50th Street, ở đó lừng lững hiện ra những phức hợp cao chọc trời. Tôi đến một địa danh quen thuộc khác không thể bỏ qua – vì nó đã xuất hiện trong rất nhiều phim truyện – là nhà ga Grand Central Terminal ở 42nd Street và Park Evenue. Tôi có mặt ở đây vào giờ cao điểm và cảm nhận được thế nào là lối sống vội vàng, hối hả kiếm tiền của những “New Yorker”.

TỪ CHỢ “PHƯỚC LỘC THỌ” ĐẾN NEW YORK - 4

Và chờ khi hoàng hôn buông xuống, nhường chỗ cho ánh sáng của vô số đèn néon và panô quảng cáo chúng tôi rảo bộ về hướng Tây trên phố 42nd Street để đến một địa danh được cả thế giới biết đến, Times Square. Hãy an tâm, ở đây lúc nào cũng đông nghịt người nên không sợ bị trấn lột dù đã quá nửa đêm. Hôm sau với vé MetroCard, hãy đi xe buýt đến trạm South Ferry mà “phóc” lên phà Stalen Island miễn phí để có dịp chiêm ngắm cảnh quan tuyệt đẹp: Tượng Nữ thần Tự do một bên và toàn cảnh New York cao ngất, bao la một bên. Nhưng để ghi được vào ống kính máy ảnh những “thung lũng” và “núi đồi” đô thị của khu Mahattan thì chúng tôi đi bách bộ trên cây cầu Brooklyn.

Tôi chợt phát hiện vì sao du khách cứ “I love New York”? Đó là, hầu hết các Bảo tàng ở Thành phố không bao giờ “ngủ” này đều dành mỗi tuần vài giờ mở cửa miễn phí. Tôi vào Bảo tàng Di Dân để xem những bức ảnh, đồ đạc của những con người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Vào Bảo tàng Sáp để chụp ảnh với các danh nhân văn hóa và anh hùng của thế giới. Vào Bảo tàng Ấn Độ để chiêm ngưỡng những bức phù điêu, những bức tranh thêu tay có tuổi thọ hàng trăm năm…và thích nhất là mua vé đi xem nhạc kịch ở Broadway trong các ngày ở lại thành phố này. Được xem là trung tâm sân khấu nghệ thuật của thế giới, sân khấu kịch Broadway là một hệ thống gồm 39 nhà hát có trên 500 chỗ ngồi nằm trong khu vực Theatre District, khu Manhattan, New York. Ở đây có các nhà hát lớn như: Ambassador (1.125 ghế), American Airlines (740 ghế), Brooks Atkinson (1.044 ghế), Ethel Barrymore (1096 ghế), Hilton (1.813 ghế), George Gershwin (1.933 ghế)... đêm nào cũng mở màn biểu diễn.

Sân khấu kịch Broadway không có vé chợ đen, nhưng cách "làm ăn" của các cò mồi chiêu dụ khán giả du lịch đến xem kịch đã khiến nhiều du khách ngại đến nhà hát. Các nhân viên bán vé mỗi tháng có tiêu chuẩn vé mời, gửi cho đại lý tại các khách sạn, loại vé này bị đẩy lên với nhiều khung giá tùy theo mặt khách vì trên vé không in số tiền. Tôi và ca sĩ Nguyễn Tâm vào xem nhạc kịch Chicago giá vé chính thức 78 USD nhưng phải trả 121 USD/vé.

Mỗi tác phẩm được dàn dựng tại sân khấu Broadway phải trải qua 5 giai đoạn đo "lửa" khán giả. Thời gian để thực hiện cả 5 giai đoạn này có thể kéo dài từ 1 năm đến 10 năm. Tuy nhiên, vở diễn còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan nhưng trên hết vẫn là sự sáng tạo. Chính điều đó mà những nhà hát Broadway ở đây liên tục nghĩ ra cách thức để làm mới, song không tránh khỏi sự thoái trào khi nhạc kịch đã đi qua thời hoàng kim. Những vở như: The Phantom of the Opera, Mamma Mia!, Rent, The Lion King... kéo dài tuổi thọ vì có sự đo "lửa" khán giả để điều chỉnh từng cảnh diễn. Những vở có sự phối hợp giữa các loại hình nhạc, xiếc, kịch câm…đều thu hút đông khán giả.

Chia tay Thành phố này, điều đọng lại trong tôi chính là sự hối hả trong cuộc sống của những cư dân tại đây. Người Việt sinh sống ở Thành Phố này cũng đông (NS Quốc Thảo đang làm “neo” tại Thành phố này) nhưng tản mạn khắp nơi, không được như người Trung Quốc xây dựng một phố Tàu sầm uất. Tuy nhiên, hầu hết người Việt ở New York đều thành đạt, sống với nghề may mặc, dịch vụ du lịch và mở quán ăn. Ba mẹ chồng của ca sĩ Hà Phương xây một khách sạn ở ngay Quảng trường Thời đại, hễ người Việt Nam đến thuê phòng thì được giảm giá 99 đô la/1 ngày. Nơi đây cũng là điểm hẹn của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trong nước mỗi lần sang Mỹ biểu diễn và du lịch.

TH


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT