Nhiều giải pháp vật liệu gỗ đột phá tại Net Zero Summit 2024
Những sự kiện mang tính trao đổi quốc tế có nội dung cốt lõi hàm chứa nhiều giá trị mới, chuyên sâu như Net Zero Summit là cơ hội chia sẻ kiến thức trên nền tảng thực hành khoa học và thảo luận hợp tác đáng quý.
Các chuyên gia vật liệu gỗ hàng đầu từ Nhật Bản, Canada, New Zealand và Việt Nam đã cùng hội ngộ tại sự kiện Net Zero Summit 2024.
Bên cạnh loạt giải pháp vật liệu gỗ nổi bật toàn cầu, bài học kinh nghiệm phát triển rừng bền vững, ý tưởng thiết kế từ các quốc gia tiên phong là tri thức bổ ích, phù hợp bối cảnh ngành xây dựng bước vào lộ trình chuyển dịch xanh.
Tháo gỡ lầm tưởng, cập nhật đột phá giải pháp vật liệu gỗ từ các nước
Trong sự kiện, dù khả năng hấp thụ carbon ưu việt, các chuyên gia đều thống nhất vật liệu gỗ hiện vẫn bị hạn chế trong ứng dụng vì nhiều lầm tưởng phổ thông như khả năng chống cháy, chống mối mọt, chống ẩm thấp.
Theo ông Andrea Stoccharo (chuyên gia gỗ từ bộ nông nghiệp sơ cấp New Zealand), thiết kế tốt kết hợp với xử lý và biến tính gỗ có thể đảm bảo độ bền gỗ đến hơn 50 năm, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt.
Với loại gỗ thông bền vững New Zealand, họ đã thành công sản xuất và ứng dụng đa dạng vật liệu gồm: gỗ dán nhiều lớp (glulam), gỗ dán song song (PLT), gỗ ép chéo (CLT), gỗ dán veneer nhiều lớp (GVL), tấm ván ép.
Thực tế và nghiên cứu nhiều năm gần đây cũng chứng minh sự ưu việt của các vật liệu gỗ kỹ thuật và biến tính. Đơn cử, gỗ ép chéo (CLT) được mệnh danh "bê tông xanh".
Sự kiện quy tụ nhiều khách tham dự là chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng "xanh", bền vững.
Ở phần trình bày của mình, các đại diện từ Life Design Kabaya - doanh nghiệp có 50 năm kinh nghiệm trong thiết kế, xây dựng nhà gỗ tại Nhật Bản - chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cùng loạt đột phá vật liệu mới nhất, đặc biệt về khả năng chống cháy và chống động đất.
"Thí nghiệm của chúng tôi và các đơn vị khác cho thấy tốc độ cháy của gỗ CLT là 1 phút cháy 1mm. Giả sử có hỏa hoạn, phần mặt gỗ cháy trong 30 phút thì phần gỗ bị cháy mất là 3cm. Do đó, khi sản xuất vật liệu gỗ, chúng tôi tính toán thời gian cháy có thể xảy ra để tăng kết cấu gỗ dày lên, nhằm tối ưu độ bền chắc của kết cấu công trình.
Hiện nay, đơn vị đã phát triển thành công loại sơn cho bề mặt gỗ giúp cách ly gỗ trực tiếp với lửa trong 10 phút, sau đó mới lan vào mặt vật liệu bên trong. "Cụ thể, khi lửa cháy phản ứng với lớp sơn sẽ tạo ra lớp màng bảo vệ vật liệu bên trong. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) để thử nghiệm trong môi trường Việt Nam", ông Fujimoto (chuyên gia gỗ của Life Design Kabaya) trình bày tại sự kiện.
Đáng chú ý, đơn vị vừa hoàn thiện sản phẩm vật liệu mới mang tên Hybrid CLT. Đây là sản phẩm có kết cấu bền chắc và chống chịu động đất ấn tượng. Thí nghiệm cho thấy, nhà được xây bằng Hybrid CLT kiên cố trước động đất 6,5 độ rich-te và sau 70 lần dư chấn tiếp theo.
Hybrid CLT - đột phá vật liệu mới được giới thiệu tại sự kiện.
Đơn vị tổ chức - Tập đoàn Trần Đức - đồng thời cũng là thương hiệu đầu tiên xuất khẩu trọn vẹn một căn nhà gỗ sang Mỹ, trực tiếp giới thiệu quá trình sản xuất, thi công sản phẩm này: Modular House.
Kiến trúc sư Nguyễn Huy Hiển - Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Trần Đức cũng cho biết: "Quy trình sản xuất nhà Modular gồm sản xuất tại nhà máy, vận chuyện đến công trường, lắp đặt, bàn giao. Trong đó, 90% các công việc hiện trường được giải quyết tại nhà máy giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, nhân sự, chi phí, giảm phát thải".
Thi công trực tiếp tại Mỹ năm nay cũng cho thấy tính đơn giản trong thi công, không đòi hỏi tay nghề thợ quá cao. Cụ thể, trong vòng 1 ngày, với những công nhân chưa được đào tạo vẫn có thể lắp hoàn thiện căn nhà 3 phòng ngủ thuận lợi tại Hawaii.
Tại Việt Nam, An Lâm Retreats Ninh Van Bay và K-Town Resort Phan Thiết là các công trình tiêu biểu ứng dụng vật liệu glulam, CLT tự sản xuất. Cũng trong sự kiện, Tập đoàn Trần Đức đã lắp đặt hoàn thiện một căn nhà gỗ 30m2 cho khách tham gia trải nghiệm thực tế.
Đoạn phim quy trình sản xuất nhà gỗ lắp ghép Modular.
Bài học quy hoạch rừng bền vững và giá trị công trình gỗ
Trong khuôn khổ sự kiện, tại các phiên thảo luận, hội thảo, các chuyên gia đều đồng thuận rằng gỗ được gọi là vật liệu bền vững khi có nguồn gốc từ rừng được quản lý bền vững.
Đầu tư sớm vào chính sách phát triển lâm nghiệp, Canada và New Zealand hiện là hai trong số ít các nước hưởng lợi khi nhiều quốc gia đang loay hoay tìm hiểu chuyển dịch net zero.
Theo chia sẻ của ông Peter Bradfield (Cố vấn công nghệ gỗ với hơn 30 năm kinh nghiệm, hiện công tác tại Canadian Wood): "Gỗ Canada phần lớn tập trung tại tỉnh British Columbia. Đây là khu vực tiên phong trong việc sử dụng gỗ bền vững, đặc biệt gỗ khối với kế hoạch tính toán cho 200 năm tới.
Toàn tỉnh có 61% diện tích là rừng. Trong đó, 24% được quy hoạch trồng rừng thương mại, 60% diện tích rừng được bảo vệ, còn lại dành cho các hoạt động khác. Chính quyền quy định chỉ khai thác 0,29% diện tích mỗi năm, hay còn gọi là mức cắt hàng năm cho phép. Với mỗi cây đốn hạ, chúng tôi sẽ trồng lại 3 cây".
Tham gia cố vấn, hướng dẫn thi công gỗ Canada ở nhiều quốc gia, ông Peter Bradfield lấy ví dụ Canadian Wood Villa - công trình nhà gỗ kỹ thuật đầu tiên ở Ấn Độ, đất nước có khí hậu khá tương đồng với Việt Nam để minh họa.
Ông Peter Bradfield chia sẻ về Canadian Wood Villa.
Công trình hoàn thiện năm 2022 cho kết quả ấn tượng với việc cắt giảm 327 tấn CO2 so với phương án thi công phổ thông, tương đương lượng khí thải tạo ra bởi 102 xe ô tô và năng lượng vận hành 51 ngôi nhà/năm. Đồng thời, nhờ việc phát triển rừng bền vững, cánh rừng ở Canada mất 1,6 phút để hoàn lại toàn bộ lượng gỗ sử dụng.
Ở New Zealand, ông Andrea Stoccharo chia sẻ việc chọn gỗ thông để trồng rừng do đặc tính phát triển nhanh, cô lập carbon nhanh hơn và đa năng trong việc ứng dụng sản xuất.
Hiện nay, 75% rừng của New Zealand đạt chứng nhận FSC và PEFC. Mỗi ngày, họ được tái sinh hơn 100.000m3 gỗ. Nhờ vạch ra chiến lược bài bản, New Zealand đã có công trình Scion Innovation HUB đoạt giải "Best Use of Certificated Timber" (Ứng dụng gỗ chứng nhận tốt nhất) của World Architecture Award.
Công trình mang dấu ấn carbon trung tính, khi cân bằng lượng phát thải của các vật liệu xây dựng kết hợp bằng đúng tổng carbon được cô lập trong gỗ. Và chỉ mất 35 phút để các khu rừng thông bền vững của New Zealand tái tạo lượng gỗ dùng cho công trình này.
Ông Andrea Stoccharo - chuyên gia gỗ từ Bộ Nông nghiệp sơ cấp New Zealand chia sẻ.
Ngôi nhà 30m2 tại sự kiện của Tập đoàn Trần Đức cũng đã cắt giảm 15 lần tổng thời gian thi công và giảm phát thải còn 0,72 tấn CO2 so với 4,43 tấn CO2 của nhà bê tông truyền thống. Trong thời gian tới, đơn vị chia sẻ kế hoạch phát triển dự án nhà gỗ cao tầng.
Nhà gỗ lắp ghép 30m2 tại sự kiện của Tập đoàn Trần Đức.
Nhiều bạn sinh viên cũng đến sự kiện để tìm hiểu, học hỏi.
Theo ban tổ chức, ngoài các chuyên gia quốc tế, hơn 200 sinh viên các trường kiến trúc và 100 chuyên gia, kiến trúc sư trong nước cũng có mặt tại sự kiện.