NSƯT BẢO QUỐC – 52 NĂM SÂN KHẤU – CUỘC ĐỜI!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo


NSƯT BẢO QUỐC – 52 NĂM SÂN KHẤU – CUỘC ĐỜI! - 1

   
NSUT Bảo Quốc và NSUT Hồng Vân trong vở Thị Mầu (ảnh: T.Hiệp)

 

 

Sau hai đêm diễn live show 52 năm Góp với nhân gian một tiếng cười tại Nhà hát Hòa Bình, do đạo diễn Tất My Loan dàn dựng đã được dư luận khán giả cùng với giới chuyên môn đánh giá cao. Ông vui vì thấy mình trẻ lại với biết bao kỳ vọng cho một hướng đi sắp tới, đó là đứng vào vai trò đạo diễn hoặc cố vấn nghệ thuật cho công ty chuyên tổ chức sự kiện sân khấu và giải trí của cháu nội ông – diễn viên Gia Bảo

 

 

 

 

 

Nỗi đau... làm nên phận nghề

Không chỉ có một bề dày gắn bó với sân khấu theo tiêu chí con nhà nòi nối nghiệp gia tộc, mà nói theo soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Bảo Quốc là nhân chứng sống của sự biến chuyển tiếng cười trên sân khấu miền Nam”. Bởi, ông là một trong những nghệ sĩ hài của TPHCM đặt viên đá đầu tiên cho phong trào tiếng cười sân khấu, hưởng ứng theo Chỉ thị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – thời đó, là Bí thư Thành ủy TP.HCM, định hướng tiếng cười mang ý nghĩa tuyên truyền xây dựng cuộc sống mới. Ông cũng là cây đinh tiên phong của chương trình hài kịch Trong nhà ngoài phố của HTV, rồi tham gia làm Giám khảo các Trại Sáng tác kịch bản hài cấp quốc gia và TP.HCM. Trước đó, trên sân khấu cải lương, ông là người tạo ra phong cách diễn hài đa dạng, không nhất thiết phải té, phải dùng hình thể để chọc cười, mà mỗi tính cách, mỗi vai diễn được ông nghiên cứu rất chuẩn để tạo nên tiếng cười ấn tượng.

Ông vào nghề từ năm lên 9 tuổi (1958), để 10 năm sau ông đoạt Huy chương Vàng Giải Thanh Tâm (năm 1968) trong vai chính của vở Hiệp sĩ mù. Năm nay tròn 61 tuổi, 52 năm theo nghề và 44 năm sống trong niềm hạnh phúc của một mái ấm gia đình đã từng nhiều năm liền được UBND TPHCM trao tặng danh hiệu Gia đình Văn hóa cấp Thành phố. Đó là những con số làm nên tên tuổi và danh tiếng của người nghệ sĩ, nhưng nếu xét về mặt lao động nghệ thuật, ông được đồng nghiệp và khán giả yêu mến bởi nhân cách sống đáng khâm phục của một người nghệ sĩ luôn nhìn lại phía sau mình.

Ông tâm sự: “Có ba nỗi đau trong đời mà tôi nhớ mãi. Đó là ba lần tâm trạng ngổn ngang, nếm trải sự cam go khi đứng trước những bước ngoặc cuộc đời. Lần thứ nhất là năm tôi còn nhỏ, tuổi lúc đó chưa thể gọi là hiểu đời, hiểu chuyện nghề, nhưng mặt tôi tái mét xanh nhợt đi khi hay tin ba tôi – nghệ sĩ Năm Nghĩa lìa đời. Bởi vì trước đó không lâu, ông cầm cây roi quất thật đau vào chân tôi, đôi chân mê làm cầu thủ hơn là làm nghệ sĩ. Cứ đi học về, quăng cặp xuống bàn, là tôi lén ba mẹ đi đá banh với đám bạn trong xóm. Ba tôi đã từng mời thầy Út Trong – danh cầm thời đó về dạy tôi ca theo nhịp. Một ngày học hai giờ, với tôi hai giờ đó là cả một địa ngục. Vì tôi ham làm cầu thủ hơn. Cho tới một hôm, năm tôi 9 tuổi, một cậu kép nhí trong đoàn bị bệnh nặng, thế là tôi được ba tôi cho lên hát thế vai trong vở Người vợ không bao giờ cưới. Tôi đóng vai con của chị Út Bạch Lan. Đêm đó tự hào lắm, vì tâm trạng là con của bầu gánh mà, hát thế vai là chuyện nhỏ. Nhưng tôi nói với ba tôi: “Con hát một đêm nay thôi nghen, mai thằng đó hết bệnh ba kêu nói hát đi, con hổng hát nữa đâu!”. Ánh mắt của ba tôi lúc đó rất bực tức, nhưng ông cố cười và xoa đầu tôi. Về nhà ông bảo: “Con phải yêu vai diễn nhỏ thì mới có vai diễn lớn chứ. Hãy yêu nghề hát, đừng yêu hào quang của nghề hát”. Sau đó không lâu ba tôi qua đời khi đang ngồi viết kịch bản. Ông bị bệnh lao phổi, những trang bản thảo tối đêm đó ông viết để cho con trai mình hát”.

     NSƯT BẢO QUỐC – 52 NĂM SÂN KHẤU – CUỘC ĐỜI! - 2
Vợ chồng NSUT Bảo Quốc và cháu nội

 

Nỗi đau thứ hai đến với NSƯT Bảo Quốc chính là khi NSƯT Thanh Nga qua đời. Đêm đó Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga – nơi mẹ của ông tiếp nối sự nghiệp làm bầu gánh mà cha ông để lại, đã diễn rất thành công vở Thái hậu Dương Vân Nga. Trong cánh gà khi hai chị em Thanh Nga – Bảo Quốc đứng chờ đến lớp diễn của mình, cố NSƯT Thanh Nga – qua lời kể của ông đã nói với em trai mình: “Em thấy khán giả thương nghệ sĩ không? Phải ráng hát cho thật hay nhé em, hôm nay chị mệt lắm nhưng vẫn cố gắng hát cho hay, tối nay về ngủ một giấc cho thật đã”. Và không ngờ đó lại là giấc ngủ thiên thu của một nữ nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh. Phát súng oan nghiệt đã cướp đi mạng sống của NSƯT Thanh Nga và chồng của bà, trong đêm đó NSƯT Bảo Quốc gần như không đứng vững trên đôi chân của mình. Ông kể: “Nỗi đau đó ám ảnh tôi suốt đời. Tôi nhớ sau 5 ngày tổ chức đám tang cho chị tôi, Đoàn Thanh Minh, Thanh Nga tái diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga, tôi đóng vai Đinh Lăng, khi ra sân khấu “bẩm Thái hậu Đinh Lăng ứng hầu”. Thì tôi không cầm được nước mắt. Lúc đó Kim Hương đóng vai của chị tôi cũng không nén được nước mắt.

Và nỗi đau thứ ba là sự ra đi của mẹ tôi – bà Bầu Thơ, người mà giới ký giả kịch trường trước 1975 đặt danh hiệu “Bà bầu của những ông bà bầu”. Vì các nghệ sĩ đi gánh Thanh Minh, Thanh Nga đều ra làm bầu và thành công trong sự nghiệp. Mẹ tôi cả đời cơ cực vì nghề hát. Ngày tôi ra riêng, mẹ tôi dù là bầu gánh nhưng nhất quyết để con mình tự lập. Vợ chồng tôi được mẹ tôi cho một cái tủ cũ và một tấm gar giường để bọc quần áo lại mang đi, nhưng gia tài mẹ tôi cho lớn hơn tất cả những gì quý giá nhất, đó là đạo đức làm nghề của người nghệ sĩ”.

Chữ Tâm đặt hàng đầu

NSƯT Thành Lộc đã từng nhận xét: “Danh hài Bảo Quốc không cố tạo nhân cách cho mình. Anh sống thẳng ngay, không biết làm phiền lòng ai, dù có gặp chuyện căng thẳng anh cũng chỉ nói ba chữ… “Sao kỳ vậy”, rồi cười tha thứ”. Với Kỳ nữ, NSƯT Kim Cương, bà nhận định: “Nếu Tổ nghiệp chỉ cho một vài gia tộc ở phía Nam khởi sắc với những thế hệ tiếp nối nhau làm nên thương hiệu của từng gia đình, thì ông Năm Nghĩa và bà Bầu Thơ đã là tấm gương cho thế hệ con cháu sau này hưởng phúc đức của một đời làm nghệ thuật nghiêm túc. Ông Năm Nghĩa đặt nền tảng đầu tiên cho bài Vọng cổ sau công khai phá của nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bài Dạ cổ hoài lang, để từ Năm Nghĩa qua bài Lắng tiếng chuông ngân, đã phát triển thành bài vọng cổ nhịp 8 rất nhẹ nhàng, khoan thai. Lúc sinh thời, dù là một nghệ sĩ tài danh, có tiếng trong làng dĩa nhựa khiến các hãng dĩa của người Pháp phải kính nể, nhưng anh Năm Nghĩa sống rất giản dị, chân thành. Chính chữ Tâm của gia tộc này đã mang lại cho thế hệ Bảo Quốc, Hữu Châu, Hồng Loan, Hà Linh, Gia Bảo… những thành quả đáng trân trọng”.

NSƯT BẢO QUỐC – 52 NĂM SÂN KHẤU – CUỘC ĐỜI! - 3

Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Loan, NSUT Bảo Quốc và đạo diễn Tất My Loan (ảnh: T Hiệp)

Những vai diễn mới trong hai đêm live show vừa qua đã làm ông phấn chấn, chính ông đã tạo thêm nhiều sáng tạo để tiếng cười thăng hoa. Nhất là khi ông sống lại với không gian của đoàn Thanh Minh, Thanh Nga ngày xưa, qua vở Đi biển một mình của Hà Triều, Hoa Phượng. Ông nói: “Tôi nhớ như in cái thời má tôi mời thầy Ba Vân về huấn luyện cho tôi ca và diễn xuất. Ông thường nói phải biết biến không thành có, nên đừng sợ vai diễn của mình ít, mà phải biết với thời lượng đó mình sẽ làm gì để khán giả nhớ. Cái Tâm trong diễn xuất cũng làm nên sự đầy đặn của một tên tuổi. Thầy tôi bảo, hôm nay bạn diễn nói một câu hay, hôm sau mình ăn cắp câu đó để nói, tức là bạc với bạn diễn, bạc với nghề. Làm nghệ thuật muốn bền lâu phải có đức”.

Chính kim chỉ nam này đã cho ông sự bền bỉ với sân khấu, khi mà nơi nào có sự cạnh tranh nhuốm màu đen tối, thì nơi đó không có Bảo Quốc. Ông vẫn thường xuất hiện ở những nơi mà tiếng cười thật ý nghĩa và trong sáng trong lao động nghệ thuật, để chữ Tâm làm nghề không bị méo mó. Ông kể: “Một lần lúc tôi mới đoạt Huy chương Vàng giải Thanh Tâm, một đàn anh nổi tiếng đã chơi xấu tôi. Một Hãng phim mời tôi đóng vai chính, biết lương của tôi lúc đó rất cao, người đàn anh này quyết định giành vai chỉ nhận nửa mức lương của tôi. Tất nhiên với tên tuổi của anh, Hãng phim phải gạt tôi thôi. Có những nỗi đau do chính những đồng nghiệp trong nghề tạo ra, nhưng đó cũng là những nấc thang phấn đấu đầy gai nhọn, để bản thân mình vươn tới mà không nao núng. Thời gian sau này, nhiều diễn viên trẻ nẩy sinh sự cạnh tranh một cách tiêu cực, tôi biết chuyện đã khuyên ngăn. May mà các em biết dừng lại kịp, để cạnh tranh bằng vai diễn trên sân khấu chứ không cạnh tranh phía sau hậu trường”. Xuất phát từ cái Tâm, ông làm công tác từ thiện một cách đều đặn và không hề phô trương.

 NSƯT BẢO QUỐC – 52 NĂM SÂN KHẤU – CUỘC ĐỜI! - 4

Các đồng nghiệp và khán giả chúc mừng NSUT Bảo Quốc sau đêm live show 15-5-2011

 

Tránh xa tứ đ tường

Nhiều khán giả đã hỏi vì sao hai suất diễn kỷ niệm 52 năm theo nghề, Bảo Quốc không diễn lại những vai để đời như: Hiệp sĩ mù (vở cùng tên), Y xì ke (Ánh sáng và bóng tối), Chư Hầu (Tiếng trống Mê Linh), Đinh Lăng (Thái hậu Dương Vân Nga), Hiếu Danh (Bên cầu dệt lụa)…mà lại diễn: Đi biển một mình, Phụng Nghi Đình, Nỏ thần…? Ông lý giải: “Tướng tá của tôi giờ này mà diễn Y xì ke ai tin. Diễn Đinh Lăng, Chư Hầu lại càng khó hơn vì Bảo Quốc của tuổi 61 không thể diễn những “trò khỉ”. Tuy nhiên, tôi sẽ tổ chức một cuộc triển lãm hình ảnh của những vai diễn đã cho tôi 52 năm khóc cười trên sân khấu, mà Y xì ke là một biểu tượng khởi đầu. Thời đó, để diễn vai này, tôi tìm đến khu chợ trời quận 1, học cách ứng xử của những tay anh chị chích choác hòng đem vào vai diễn. Thầy tôi thời đó có dạy: “Tránh xa tứ đổ tường nhé con, đừng có dại dội thử rồi ghiền thì nguy”. Vậy là tôi chỉ dám nhìn chứ không dám thử. Có một số đồng nghiệp cười, chọc tôi: “Bảo Quốc muốn diễn hay thì phải lao vào mấy thứ đó, thử thôi, đâu có dính thiệt đâu mà sợ ghiền”. Tôi chỉ lắc đầu: “Dạ, để em nhìn thôi mấy huynh”.

Trên thực tế thời cải lương còn hưng thịnh, là con của bầu gánh, kinh tế gia đình không phải lo. Thời mà các anh kép nổi danh như: Thành Được, Hùng Cường, Thanh Hải, Phương Quang, Dũng Thanh Lâm…đổi xe hơi đời mời liên tục. Thời mà các nữ khán giả giàu có săn tình các chàng kép cải lương và các ông bà bầu mua đào, chuộc kép, thao túng tất cả những chuyện hậu trường, thì Bảo Quốc vẫn đứng bên ngoài những cuộc đỏ đen định mệnh đó. Ông không biết cầm trên tay một lá bài, càng không biết hút thuốc. “Nếu có diễn vai phải hút thuốc, tôi ngậm khói rồi nhả ra” – ông thú thật. Lại càng tránh xa chuyện trai gái lăng nhăng. Mối tình mặn nồng 44 năm chung thủy của ông và vợ, đến hôm nay vẫn nồng ấm, dù không ít lần cả hai đau khổ vì con. Bù lại, trong số các con của ông, NS Hồng Loan đã từng bước làm rạng danh gia tộc. Cô sang Mỹ định cư, tham gia biểu diễn cải lương. Hầu hết những vai diễn của cố NSƯT Thanh Nga, Hồng Loan đã từng diễn như: Xuyên Lan (Tiếng hạc trong trăng), Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa), Thái hậu Dương Vân Nga (vở cùng tên)…và trong hai đêm live show của cha, cô đã diễn vai Điêu Thuyền (Phụng Nghi Đình), cũng là dấu ấn mà cố NSƯT Thanh Nga đã từng tạc vào lòng khán giả mộ điệu và NS Hồng Loan đã diễn xuất thật duyên dáng, tạo được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Hỏi vì sao lại là hai đêm diễn duy nhất và cuối cùng của Bảo Quốc? Ông giải thích: “Tôi không muốn cứ đem mình ra kinh doanh, cho nên lần này phải từ chối nhiều lời mời trực tiếp tài trợ. Tôi muốn làm nghệ thuật đúng nghĩa. Chỉ duy nhất hai đêm live show này để đánh dấu chặng đường 52 năm nhớ ơn Tổ nghiệp, nhớ ơn cha mẹ và thầy cô đã dìu dắt, nâng đỡ, đã cho tôi cái tên Bảo Quốc và tri ân tình thương mà khán giả đã dành cho tôi suốt 52 năm qua. Nếu có làm thì cuối năm, cháu nội tôi – Gia Bảo sẽ thực hiện ước nguyện tổ chức chương trình 60 năm thương hiệu Thanh Minh, Thanh Nga, quy tụ toàn bộ nghệ sĩ của đoàn nhà, để tri ân công chúng với những vai tuồng nổi tiếng”.

Ông vẫn không quên tự trào dí dỏm: “Lúc đó tôi sẽ hóa thân là bé Bảo Quốc 9 tuổi, một lần thế vai để rồi theo nghề như một định mệnh. Cha mẹ tôi, chị Ba tôi – Thanh Nga, anh Hai tôi – Hữu Thìn, cháu tôi – Hữu Lộc và cả thầy tôi – NSND Ba Vân, chắc chắn sẽ ở đâu đó trong khán phòng để chúc mừng niềm hạnh phúc của gia đình tôi”.


T.H

 


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT