NHÀ BÁO và NGHỀ LÀM ĐẸP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không phải ai là Nhà báo cũng phải là Hoa Vương, Hoa hậu. Nhưng Nhà báo mà lại “có ngoại hình”, lại đẹp nữa thì thật là lợi thế. Trên thế giới và cả ở Việt Nam, có không ít Nhà báo mà nhan sắc của họ nếu không là “nghiêng nước nghiêng thành” thì cũng đủ làm cho “đổ quán xiêu đình”. Nhan sắc của họ không chỉ được giới báo chí xưng tụng mà còn được công nhận và tôn vinh qua những cuộc thi hay bầu chọn về sắc đẹp và tài năng của những người làm báo. Lịch sử báo chí Việt Nam còn ghi nhận bà Sương Nguyệt Anh không chỉ là một nữ chủ bút đầu tiên của làng báo Việt Nam mà còn là một Văn sĩ, một Nhà báo tài năng và khả ái

NHÀ BÁO và NGHỀ LÀM ĐẸP - 1

Trên phạm vi thế giới, một trong những hà báo đẹp nổi tiếng là nữ phóng viên người Pháp Melissa Theuriau, sinh năm 1978. Cô đã nhiều lần được các tờ báo và các hãng thông tấn lớn trên thế giới bầu chọn là “Nữ phóng viên đẹp nhất thế giới“, là “Biên tập viên truyền hình quyến rũ nhất“. Báo chí Pháp còn gọi cô là “ Quả bom trên truyền hình “ (bombe cathodique). Dĩ nhiên đó không phải là bom khủng bố mà là “quả bom“ nhan sắc, quả bom của vẻ đẹp giới tính “chết người”. Nhiều khán thính giả trên thế giới còn đề nghị bầu cô là “Người phụ nữ đẹp nhất thế giới “. Không chỉ đẹp, Melissa Theuriau còn là Phóng viên, Biên tập viên, phát thanh viên nổi tiếng của nhiều tờ báo và kênh truyền hình lớn ở Pháp và Châu Âu. Chắc chắn trong thành công của cô có phần đóng góp không nhỏ của cái nhan sắc trời cho.

NHÀ BÁO và NGHỀ LÀM ĐẸP - 2

Thế thì những người không có được “nhan sắc trời cho”, không có may mắn được “sinh ra là đẹp” thì phải làm gì để đẹp ? Ngay cả với những người đẹp bẩm sinh, phải làm cách nào để có thể đẹp mãi suốt đời ? Đó chính là sứ mạng, là lý do tồn tại của nghề làm đẹp, nghề của những người làm công việc chăm sóc sắc đẹp và các Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ngày nay, chăm sóc sắc đẹp đã trở thành một ngành công nghệ phát triển mạnh đến mức mà theo thống kê của Hội các Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Hoa Kỳ (American Society of Aesthetic Plastic Surgeons ), chỉ riêng người Mỹ hàng năm đã tiêu tốn vào đó hơn 10 tỷ dollar. Ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế vừa qua, việc đi làm phẫu thuật thẩm mỹ và săn sóc sắc đẹp vẫn không hề giảm, mà ngược lại vẫn tăng đều. Nếu năm 2009 có 12,944 triệu kỹ thuật làm đẹp được thực hiện, trong đó có 1,121 trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ, thì năm 2010 có 13,117 triệu trường hợp trong đó số phẫu thuật là 1,335. Đó là chỉ riêng nước Mỹ. Nếu mở rộng ra cả thế giới thì con số còn kinh khủng hơn nhiều. Ngay ở Châu Á là vùng dân cư vốn bảo thủ hơn trong việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống thì bây giờ cơn lốc làm đẹp cũng đã tràn tới, mà điển hình là Thái Lan nơi được coi là một trong những trung tâm lớn của thế giới về phẫu thuật thẩm mỹ và chuyển đổi giới tính và Hàn Quốc là nơi đang được coi là bùng nổ “cơn cuồng làm đẹp” với đẳng cấp kỹ thuật hàng đầu thế giới.

 Điều đó có nghĩa là việc làm đẹp để giữ gìn và phục hồi nhan sắc đã trở thành nhu cầu bức thiết với mỗi người ở mọi tầng lớp xã hội và ở mọi vùng miền trên trái đất này. Hiện tượng đó cũng không có gì khó hiểu. Muốn được sinh ra đẹp và làm cho mình ngày càng đẹp hơn luôn luôn là ước vọng chính đáng và nhân bản của con người. Nhưng tạo hoá không sinh ra ai hoàn hảo cả về thể xác và tinh thần. Nhan sắc lại còn bị tàn phai theo năm tháng. Các nhà khoa học đã thấy rằng cơ thể người bắt đầu qúa trình lão hoá từ rất sớm, ở độ tuổi đôi mươi. Sớm nhất là tế bào thần kinh từ tuổi 22, rồi đến tế bào da từ tuổi 25. 

Vì vậy, làm đẹp không chỉ là nhu cầu của phụ nữ mặc dù phụ nữ vẫn là đối tượng chủ yếu vì họ vốn là ‘phái đẹp”. Làm đẹp trở thành nhu cầu chung của xã hội, đặc biệt là những người có nhu cầu giao tiếp nhiều, những người của công chúng. Đó là các Chính khách, các Doanh nhân, các Nghệ sĩ …và các Nhà báo. Hiển nhiên rồi vì các Nhà báo (Journalists ) đích thực là những người của công chúng, nhất là các Phóng viên (Reporters ). Bởi vì họ luôn có măt ở mọi lĩnh vực đời sống, ở moi sự kiện, mọi điểm nóng của xã hội. Thậm chí họ còn được đặc quyền đến những nơi mà những người bình thường không được đến. Họ được gặp những người mà không phải ai cũng được gặp như những nguyên thủ quốc gia, những chính khách, những danh nhân v.v..Ngay cả kẻ mà cả thế giới đang săn đuổi như Bin Laden thì riêng các Nhà báo vẫn gặp được và phỏng vấn.

            Nhà báo hơn ai hết cần tạo cho mình hình ảnh đẹp trước công chúng. Khi Nhà báo cảm thấy tự tin về ngoại hình của mình, về phong cách của mình thì chắc chắn họ sẽ hoàn toàn thoải mái chủ động khi gặp bất kỳ nhân vật nào, hoàn toàn làm chủ tình thế khi tham gia bất kỳ sự kiện nào. Và ngược lại, nếu những người được phỏng vấn hay những công chúng tham gia sự kiện nhìn thấy ở Nhà báo một hình ảnh chỉn chu, thân thiện thì chắc chắn họ cảm thấy tin cậy hơn và Nhà báo sẽ tác nghiệp một cách thuận lợi hơn và công việc cầm chắc thành công. Nhà báo cũng như bất kỳ ai, muốn giữ cho mình luôn là hình ảnh đẹp trong mắt người khác thì không có cách nào khác là phải thường xuyên chăm sóc bản thân mình. Chăm sóc bản thân, làm đẹp không phải là chuyện gì phức tạp và phù phiếm. Chúng chỉ đơn giản là những công việc nên làm và nên làm hàng ngày. Không phải để có hình ảnh đẹp có nghĩa người đó phải …đẹp. Về quan niệm này, ngay từ năm 1923, Nhà báo nữ đầu tiên của Việt Nam, Bà Đạm Phương Nữ Sử, cháu nội vua Minh Mạng, đã viết trên báo Trung Bắc Tân Văn: ” Trời sinh mỗi người là một khổ mặt, mặt tròn hay mặt dài, mặt đao hay mặt đầy đặn, má bầu thô hay má núng đồng tiền, đều có cái vẻ xinh đẹp riêng một cách”.

NHÀ BÁO và NGHỀ LÀM ĐẸP - 3

 Bà Đạm Phương Nữ Sử và chồng (Ảnh tư liệu )  

Hình ảnh đẹp của một người được tạo nên bởi nhiều yếu tố: ngoại hình, trang phục, phong cách, thái độ và kỹ năng giao tiếp. Trong đó cái đẹp ngoại hình là một tổng thành của sức khoẻ, vóc dáng, khuôn mặt và nét duyên. Ai cũng có thể có hình ảnh đẹp nếu biết cải thiện những nhược điểm và phát huy những ưu điểm của mình. Cái gì tự bạn không làm được thì các chuyên gia chăm sóc thẩm mỹ sẽ giúp bạn. Cái gì các chuyên gia chăm sóc thẩm mỹ ở các “beauty salon” không làm được thì sẽ cần đến bàn tay tài hoa của các Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Tất nhiên không phải Phẫu thuật thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp là phép thần có thể biến tất cả thành mỹ nhân. Nhưng chắc chắn có thể giúp mọi người thành những “nam thanh, nữ tú”. Để chăm sóc tốt cho bản thân thì điều đầu tiên bạn cần là phải … yêu quí bản thân mình. Thật sự đôi khi vì công việc, vì lo toan chúng ta quên mất bản thân mình. Chúng ta bắt cơ thể là việc tối đa mà không ngưng nghỉ để có điều kiện phục hồi sinh lực. Cùng với thời gian, môi trường ô nhiễm và lối sống thiếu khoa học làm hao mòn sức khỏe, hủy hoại nhan sắc vốn đã ít ỏi và mong manh của chúng ta. Đa số chúng ta đã vô tình phung phí quá nhiều sức lực, nhan sắc và cả tinh thần của chúng ta từ lúc còn rất trẻ để rồi về sau phải xót xa hối tiếc. Vì vậy để chăm sóc bản thân, chăm sóc sắc đẹp thì cái cần thiết nhất không phải là làn da hay khuôn mặt mà là sức khoẻ. Chính sức khoẻ là nền tảng của sắc đẹp. Không có ai ốm yếu xanh xao mà đẹp được cả. Bản thân sự khoẻ mạnh là đẹp rồi. Sức khoẻ làm cho bạn luôn yêu đời, yêu lao động. Sự khoẻ mạnh tạo cho bạn một thân hình cường tráng, đầy sức sống và một tinh thần luôn luôn lạc quan yêu đời. Nhờ đó bạn sẽ có được một ngoại hình đáng yêu, “đỏ da thắm thịt”, một nhan sắc mặn mòi.

NHÀ BÁO và NGHỀ LÀM ĐẸP - 4

            Khác với mọi người, bạn không phải là người chủ trương “sắc đẹp vị sắc đẹp”. Là Nhà báo, bạn đi làm đẹp không chỉ là vì sắc đẹp mà còn là để hữu ích hơn cho việc hành nghề báo chí của mình. Ai cũng biết “làm đẹp” là một lĩnh vực “hot”, là đề tài hấp dẫn và nhạy cảm cho truyền thông đại chúng. Nhưng với công chúng, đó cũng là một lĩnh vực còn khá bí hiểm và có vẻ tiềm tàng nhiều nguy cơ. Nhà báo là người của giới truyền thông, có khả năng tạo ra dư luận, vì thế có thể góp phần cùng những người hành nghề thẩm mỹ chân chính mang đến công luận, cho toàn xã hội một cái nhìn đúng đắn và thân thiện về nghề làm đẹp. Hơn nữa, Nhà báo đi làm đẹp cũng là một cách đi thực tế, nhưng sâu sắc hơn và hiệu quả hơn. Bởi vì khi đó, Nhà báo đã có thể biết hầu hết những kỹ thuật, những qui trình của công nghệ chăm sóc sắc đẹp những con đường thâm nhập khác. Vì qua sự trải nghiệm cụ thể, Nhà báo sẽ hiểu đúng những khả năng và những hạn chế của các kỹ thuật làm đẹp, biết hết những chuyện bếp núc của các Thẩm mỹ viện và cảm nhận được hết vui buồn nghề nghiệp của người làm nghề thẩm mỹ. Chính vì thế bạn có khả năng viết đúng những gì cần viết, mang đến cho người đọc người nghe. Và thật thú vị nếu một ngày đẹp trời nào đó sẽ có nhũng cuộc thi sắc đẹp của những người làm báo với sự tham gia của các chuyên gia Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trong vai trò cố vấn chuyên môn và Giám khảo. Như vậy, bằng quá trình thực tế làm đẹp cho bản thân, các Nhà báo đã trở thành người thấu hiểu nghề làm đẹp, có sự thông cảm và và đồng điệu với các Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và những người hành nghề thẩm mỹ. Nhà báo và họ trở thành là những người bạn trong đời sống, là những đối tác trong hoạt động nghề nghiệp.Từ đó, Nhà báo trở thành nhịp cầu nối giữa các Bác sĩ thẩm mỹ với Bệnh nhân, giữa những người hành nghề làm đẹp với khách hàng và với toàn xã hội.

Bác sĩ Cao Ngọc Bích

            Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM

            Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh

            Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thẩm mỹ Nhật Phương

  

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT