MÙA XUÂN, THƠ VÀ CHẤT THƠ TRONG CA KHÚC VIỆT NAM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

MÙA XUÂN, THƠ VÀ CHẤT THƠ TRONG CA KHÚC VIỆT NAM - 1

 

 

 

Nói tới Mùa Xuân và thơ trong ca khúc Việt Nam, không thể không đề cập tới mảng đề tài mùa Xuân, tuổi trẻ và tình yêu. Có thể nói những ngân vang của các ca khúc phổ từ thơ về đề tài này, cho đến nay đã có sức mạnh lớn, làm nức lòng hàng triệu công chúng trẻ

 

 

 

Ảnh: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng


Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật là bài thơ thuộc loại hay nhất về tình yêu đôi lứa trong chiến đấu giữa anh bộ đội và chị dân công hỏa tuyến. Vì hay nên khi chỉ mới là bài thơ nó đã ít nhiều lan tỏa được vào công chúng. Tuy nhiên, sức lan tỏa của nó được sâu rộng như ngày nay phải nói là nhờ thông qua ca khúc cùng tên của Hoàng Hiệp.

MÙA XUÂN, THƠ VÀ CHẤT THƠ TRONG CA KHÚC VIỆT NAM - 2

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà

Tình yêu nói chung là vô hình, nhưng vẫn có những biểu hiện cụ thể. Săn sóc nhau, lo lắng cho nhau là một biểu hiện của tình yêu. Chiến tranh đã cướp đi của tình yêu cả những biểu hiện cụ thể đó. Hai nhân vật chính trong Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây chỉ còn biết lo lắng, săn sóc nhau, trong mong ước, trong suy tư và gửi gắm những mong ước, suy tư đó qua không gian “xa thẳm” đang trong khói lửa của chiến tranh:

Trường Sơn Tây anh đi,

Thương em bên ấy mưa nhiều con đường gánh gạo.

Muỗi bay rừng già cho dài tay áo.

Hết rau rồi em có lấy măng không?

Còn em thương bên Tây anh mùa đông.

Nước khe cạn, bướm bay lèn đá.

Biết lòng anh say miền đất lạ,

Chắc em lo đường chắn bom thù...

MÙA XUÂN, THƠ VÀ CHẤT THƠ TRONG CA KHÚC VIỆT NAM - 3Ca sĩ Ngân Khánh

Yêu nhau mà phải xa nhau nên càng suy nghĩ nhiều về nhau, càng thương, càng nhớ. Đó là lẽ thường tình. Nghệ thuật của chúng ta đã có biết bao nhiêu thành tựu trong việc thể hiện điều đó. Và đây nữa, thêm một đóng góp của Phạm Tiến Duật và Hoàng Hiệp:

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa

Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ

Em xuống núi, nắng về rực rỡ

Cái nhành cây gạt mối riêng tư.

Riêng tư phải gác lại, thương nhớ phải xua đi, thực ra không phải nhờ “cái nhành cây” hay “cái gạt nước” mà chính là nhờ nơi cái tầm cao mới trong bản lĩnh, trong trách nhiệm, trong lương tâm của tuổi trẻ Cách mạng. Cái tuổi trẻ vì đất nước bị xâm lăng nên thấy “đường ra trận... đẹp lắm”, thấy “Từ nơi em đưa sang bên nơi anh, những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Như tình yêu nối lời vô tận”... (Trích theo lời của ca khúc).

Tuy nhiên, chính nhờ cách thể hiện cái bản lĩnh ấy, cái trách nhiệm ấy, cái lương tâm ấy... thông qua những động tác gần như hoàn toàn máy móc của cái gạt nước, gần như hoàn toàn vô tri của cái nhành cây mà Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây đã đi thẳng được vào khung trời mỹ cảm của quảng đại công chúng ca nhạc. Nghệ thuật là như thế!

MÙA XUÂN, THƠ VÀ CHẤT THƠ TRONG CA KHÚC VIỆT NAM - 4

Ca sĩ Nguyên Vũ

Cũng nói về cuộc đấu tranh giữa tuổi trẻ, tình yêu với xa cách vì chiến tranh, có một bài thơ phổ nhạc được giới trẻ một thời rất ưa thích. Đó là Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu, lời thơ của Bùi Công Minh.

Sau những nốt nhạc dạo đầu theo nhịp đi, ca khúc chuyển qua nhịp tự do với lời thơ tình thiết tha, hát mà gần như là nói:

Rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ

Nơi cháy lên ngọn lửa là trái tim yêu thương, là trái tim thương yêu.

Đó là hai “trái tim yêu thương” của hai chiến sĩ: Một chiến sĩ trên mặt trận giết giặc và một chiến sĩ nữa, trên mặt trận giáo dục: Một cô giáo đang yêu. Nhạc chuyển vào nhịp hành quân với tiếng hát - lời thơ phấn khởi, hào hùng:

Anh đang mùa hành quân, pháo lăn dài chiến dịch

Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran

Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ

Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào...

Nếu như trong Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, tác giả đã mượn “cái gạt nước”, “cái nhành cây” để xua đi niềm thương, nỗi nhớ trong tình yêu xa cách, thì ở Hành khúc ngày và đêm nỗi nhớ thương của cô giáo đối với người chiến sĩ pháo binh được thắm dịu lại, qua một thoáng tưởng tượng thật là sâu và cũng thật là ngộ: Ngôi sao kia là mắt anh không ngủ và giáo án này, em để mở dưới ánh sao, để cho anh nhìn - anh nhìn thấy em - chúng ta nhìn thấy nhau rồi đó!

MÙA XUÂN, THƠ VÀ CHẤT THƠ TRONG CA KHÚC VIỆT NAM - 5Ca sĩ Thanh Thảo

Ở đây ta lại thấy cái tầm cao mới trong bản lĩnh, trong trách nhiệm, trong lương tâm của tuổi trẻ cách mạng, nhưng được tô đậm ở một khía cạnh khác. Đó là sự lý giải rất súc tích về cái mối liên quan biện chứng giữa tình yêu chân chính với xa cách, hướng tới những hiệu quả tích cực của mối liên quan đó:

Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ

Thời gian trong cách trở đốt cháy ngời tình yêu.

Và thế là biến thương nhớ thành dũng cảm, thành ý chí, thành tự hào:

Pháo anh lên đồi cao, nã vào đầu giặc Mỹ

Bục giảng dưới hầm sâu, em cũng là chiến sĩ

Một niềm tin vững chắc, một niềm lạc quan và hy vọng chói ngời đã mở ra cho tuổi trẻ, cho tình yêu ngay giữa cái bóng đen tưởng chừng như vô cùng khủng khiếp của cuộc chiến tranh ấy:

Cái chết cúi gục đầu, cuộc đời xanh tươi trẻ

Ngày đêm ta bên nhau, những đêm ngày chiến đấu.

Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau. (Trích theo lời của ca khúc)

Một trong những ca khúc phổ nhạc từ thơ đã ghi được khá đậm nét vào ký ức mỹ cảm của công chúng trẻ nhiều năm qua là Ngày mai anh lên đường của Thanh Trúc, lời thơ Lê Giang. Bằng những nét nhạc và những lời thơ tạo nên sự quyện chặt giữa cái thiết tha, đắm say, nồng thắm với chất trong sáng, lành mạnh, hồn nhiên của tuổi trẻ, ca khúc thể hiện những khía cạnh thật đẹp trong tình yêu giữa anh bộ đội với cô gái nông trường:

“Dù xa nhau muôn trùng. Mùa thu xôn xao lá vàng.

Em ơi, anh xa em vẫn gần thành phố thân thương.

Bàn tay em xây nông trường,

Bàn tay em gieo lúa vàng.

Gửi tình lên biên giới, có khoảng trời thành phố, mênh mông và trong xanh. (Trích theo lời ca khúc)

Tình yêu, tuổi trẻ và mùa Xuân vốn là đề tài vĩnh cửu cho văn học, nghệ thuật mà trước hết là cho thơ và ca. Trong số hơn 400 ca khúc cách mạng Việt Nam được nhiều người ưa thích qua các cuộc điều tra xã hội học - nghệ thuật được tiến hành sau giải phóng 10 năm, các ca khúc về tình yêu, về tuổi trẻ, về mùa Xuân chiếm một tỷ lệ rất lớn. Riêng ca khúc là thơ phổ nhạc về đề tài này có thể kể đến các tác phẩm của Hoàng Hiệp như: Mùa Xuân chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Một chút thơ tình của người lính biển (thơ Trần Đăng Khoa), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang); Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật); các tác phẩm của Phan Huỳnh Điểu như: Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly), Anh ở đầu sông, em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh); Thơ tình cuối mùa thu (thơ Xuân Quỳnh); Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh); tác phẩm của Trương Quang Lục: Vàm cỏ Đông (thơ Hoài Vũ); của Thanh Trúc: Ngày mai anh lên đường (thơ Lê Giang); của Phan Thanh Nam: Mùa Xuân và thiếu nữ (thơ Xuân Tửu và Phan Thanh Nam), ...

Chỉ qua các bài vừa kể tới chúng ta cũng đã có thể thấy tính chất phong phú và đa diện của thơ trong ca khúc về mùa xuân, về tuổi trẻ, về tình yêu.

Cùng với cái khát khao, dữ dội của tình yêu nơi Thuyền và biển, nơi Em vẫn đợi anh về là những xúc cảm dịu êm qua một thoáng mơn man của ái tình như một “cơn gió nhẹ”, một “cánh én mỏng” trong Mùa xuân chim én bay. Cùng với lời ước nguyện thủy chung son sắt đến độ cao chót vót của sự mãnh liệt trong Cuộc đời vẫn đẹp sao là những lời nguyện ước thủy chung lắng sâu thăm thẳm trong Một chút thơ tình của người lính biển. Ở đây có nỗi nhớ tha thiết mênh mông lúc Anh ở đầu sông, em cuối sông của một Vàm Cỏ Đông và có cả nỗi nhớ xa xăm từ Cửu Long Giang đến tận tít sông Hồng. Còn Mùa Xuân và thiếu nữ là một bức tranh vui, giản dị mà đẹp. Đẹp tới độ nghệ thuật! Mùa Xuân và sức sống của tuổi trẻ - cái tuổi trẻ vừa mới thoát ra từ tuổi thơ ngây, bắt đầu tự ý thức về nhan sắc của mình để chuẩn bị bước vào cái vườn Xuân của tình ái: “Xuân đã đến đây rồi. Cô gái trăng tròn thèn thẹn. Gạt nhẹ mái chèo. Dừng chân lên bến, cúi đầu mặt nước nhìn soi:

Cô bỗng thấy má mình ửng đỏ.

Suối tóc dài chảy ngập hai vai.

Giật mình sợ một người đứng ngó.

Bóng mẹ già cô ngỡ bóng ai.

- Con gái mẹ ngắm gì lâu thế?

- Không! Không! Không! Con… nhìn đàn cá bơi!

Ôi tuổi trẻ ngắm mình soi tuổi trẻ. Cả một chân trời xanh thẳm đón mùa Xuân... (Trích theo lời của ca khúc)

Chất triết lý, những quan niệm bao quát về luyến ái, về nhân sinh, về thế giới không phải dễ mà thể hiện được bằng thơ ca. Thật đáng mừng khi nhận thấy không những trong thơ nói chung mà ngay cả trong một số thơ phổ nhạc của chúng ta đã xuất hiện những biểu cảm nghệ thuật mà lại mang tính triết lý, thể hiện những quan niệm đúng đắn về những điều cốt lõi trong thế giới, trong nhân sinh, trong luyến ái.

Giữa không gian nghệ thuật của chúng ta ngày nay, bên cạnh những lời ca như “Đảng với đời như cây với hoa. Hương này cũng tự cội này ra”; Hoặc như: “Dẫu rằng trời xanh biết là mãi mãi; Dẫu rằng biển xanh biết là mãi mãi; mà sao nghe nhói ở trong tim”... như đã nói, còn có sự hòa âm của biết bao nhiêu tiếng hát, chẳng hạn như: “Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất. Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”... từ ca khúc Đất quê ta mênh mông của Hoàng Hiệp phổ thơ Dương Hương Ly; hoặc như là những lời hát từ ca khúc Khát vọng của Phạm Minh Tuấn viết theo ý thơ của Đặng Việt Lợi: “Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao. Hãy sống như biển trào, để thấy bờ biển rộng. Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông...” (Trích theo lời của ca khúc)

Và ngay cả trong ca khúc phổ nhạc từ thơ nói về tuổi trẻ, về tình yêu cũng đã có những thành công rất đáng quý về mặt này. Chẳng hạn như hai nhạc phẩm của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh: Thuyền và biển và đặc biệt là Thơ tình cuối mùa thu:

... Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Mùa thu vào hoa cúc

Chỉ còn em và anh

Chỉ còn em và anh

Là của mùa thu cũ.

Trước cảnh thu tàn; lá vàng và mây trắng; sương đêm lạnh và gió heo may thổi thời gian đi mãi, đi mãi vào cái cõi vô cùng của quá khứ... ta bỗng thấy sức bền vững của tình yêu lồng lộng hiện lên. Và suy ngẫm: Cái gì, cái sức mạnh diệu kỳ nào đã tạo ra được sự bền vững đó? Ca khúc Thơ tình cuối mùa thu trả lời rằng: Thử thách.

Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa bão gió

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ.

Mà thử thách khắc nghiệt nhất đối với tình yêu, đó là thời gian:

Thời gian như là gió

Tình đi cùng tháng năm

Tuổi theo mùa đi mãi

Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại. (Trích theo nguyên bản thơ)

Sự ưa thích của công chúng đối với các ca khúc phổ nhạc từ thơ đã được giới sáng tác đáp ứng một cách tích cực. Càng ngày trong đời sống ca nhạc của chúng ta càng có nhiều bài thơ về mùa Xuân, về tuổi trẻ, về tình yêu được phổ nhạc rất hay thành lời cho các ca khúc hấp dẫn đến hàng triệu người. Trong Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, chúng ta đã gặp mối tình giữa anh bộ đội với chị dân công hỏa tuyến; trong Hành khúc ngày và đêm người yêu của chiến sĩ pháo binh là một trí thức, một cô giáo; người yêu của lính trong Ngày mai anh lên đường là một cô gái nông trường... và bây giờ trong Mùa Xuân bên cửa sổ (Nhạc: Xuân Hồng, Thơ: Song Hảo) cùng với anh bộ đội đó là một nữ công nhân:

Khi mặt trận bình yên

Anh lính về thăm phố

Cô gái vừa tan ca

Họ hẹn nhau và chờ nhau

Cùng khát khao hạnh phúc

Họ đón nhau và mùa Xuân cũng theo về...

Ở đây tình yêu cũng bị chia cách vì chiến tranh. Nhưng không còn là chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà là chiến tranh biên giới Tây Nam. Nếu như trong Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây cũng như trong Hành khúc ngày và đêm, hạnh phúc, tình yêu đôi lứa chỉ được thể hiện qua thương, qua nhớ, qua sự gởi gắm vào “cái gạt nước”, “cái nhành cây”, qua một ánh sao và một thoáng tưởng tượng ngộ nghĩnh nào đó... thì ở Mùa xuân bên cửa sổ hạnh phúc và tình yêu đã thực sự hiện hình:

Cao cao bên cửa sổ

Có hai người hôn nhau.

Như vậy, quả thực cũng có hơi quá cụ thể(!). Nhưng, có lẽ vẫn chưa bị lệch hẳn ra ngoài cái phạm vi tế nhị cần có trong mô tả hạnh phúc, tình yêu.

Hạnh phúc, tình yêu được hiện hình và được nâng niu, bảo vệ. Ở đây thì sự tinh tế trong việc mô tả hạnh phúc, tình yêu đã đạt tới độ nghệ thuật:

Chim ơi! Đừng bay nhé.

Hoa ơi! Hãy tỏa hương

Và cây ơi! Lay thật khẽ

Cho đôi bạn trẻ đón Xuân về.

Nói chuyện với chim, thậm chí nhắn nhủ cả với hoa, với cây là loài vô tri giác... Ai cũng biết là vô lý, thế mà ai cũng chấp nhận, cũng đồng cảm, cũng thấy hay. Bởi vì ai cũng yêu hoặc cũng đã từng yêu. Ai cũng muốn cho mình hạnh phúc, cho những người sống quanh mình được hạnh phúc. Hơn nữa, hạnh phúc cụ thể ấy, tình yêu cụ thể ấy là hết sức chân chính, là cao và đẹp. Đó là hạnh phúc và tình yêu của người thợ và người lính đang ở trong vị trí trách nhiệm cao cả của những con người xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với niềm lạc quan, tin tưởng:

Khi tạm biệt mùa Xuân

Anh lính về biên giới

Cô gái vào ca ba

Họ tạm xa, từng ngày qua

Càng thiết tha thầm nhớ

Họ vững tin rồi mùa Xuân sẽ quay về...

Lòng tin ấy, niềm lạc quan ấy sở dĩ có được là nhờ chúng bắt nguồn từ những quan niệm đúng đắn về nhân sinh, từ những cơ sở vững chãi về triết lý:

Ôi, hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp

Mùa Xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng

Cuộc đời còn có cả những nụ hôn... (Trích theo lời của ca khúc)

Ca khúc Việt Nam vẫn trên đà vươn tới những thành tựu thuộc vào hàng lớn nhất trong đời sống nghệ thuật của đất nước chúng ta. Trong những thành tựu ấy, ca khúc có lời là thơ phổ nhạc đã góp một phần rất đáng kể. Mong sao càng ngày thành tựu của ca khúc, nhất là của ca khúc phổ nhạc từ thơ càng nở rộ hơn nữa. Âm vang của mùa Xuân, của tuổi trẻ, của tình yêu trong thời gian tới sẽ cùng với những lời thơ mới về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc Việt Nam, sẽ thông qua nhiều ca khúc mới mà gây được những rung động mạnh hơn nữa trong tâm hồn và trí tuệ của công chúng, tạo nên những niềm lạc quan, hứng khởi mới để vượt qua khó khăn, đạt những thắng lợi mới(*).

(*) Trích Chuyên luận Lời của ca khúc Việt Nam

TTĐĐ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT