Môi trường Du lịch Việt Nam?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhằm xây dựng hình ảnh Du lịch Việt Nam (DLVN) – Điểm đến an toàn, thân thiện, hạn chế tới mức tối đa tình trạng cướp giật, ép giá, đeo bám, chèo kéo khách du lịch, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước về Du lịch vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải thiện môi trường DLVN. Hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng BCĐ Nhà nước về Du lịch, sự tham gia của các thành viên BCĐ Nhà nước về Du lịch, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo 63 tỉnh, thành trên toàn quốc và các hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến hoạt động du lịch.

Môi trường Du lịch Việt Nam? - 1

Thực trạng chậm được khắc phục

Trong thời gian qua, ngành Du lịch nước ta đã có bước phát triển khá ấn tượng, tác động tích cực đến sự phát triển của nhiều ngành kinh tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, một số yếu tố tác động bất lợi đến hoạt động du lịch đã bộc lộ từ lâu vẫn chậm được khắc phục. Đặc biệt thời gian gần đây, ở một số trọng điểm du lịch như Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)… diễn ra các hiện tượng cướp giật, trộm cắp tài sản, gian lận cước, lừa đảo tiền của tài xế taxi, nạn bán hàng rong, ăn xin, chèo kéo, đeo bám khách du lịch, nhiều điểm du lịch vẫn chưa có nhà vệ sinh (NVS) đạt chuẩn… Tình trạng trên đã tạo tâm lý bất an đối với một bộ phận du khách quốc tế, để lại ấn tượng không tốt về môi trường, hình ảnh DLVN đồng thời làm giảm hiệu quả và những nỗ lực mà toàn ngành đang tập trung đẩy mạnh thu hút du khách.

Đứng trước thực trạng nêu trên, mặc dù chính quyền ở một số địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như thành lập lực lượng bảo vệ khách du lịch, phát huy sức mạnh liên ngành tại TP. HCM; thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng tại TP. Đà Nẵng; nâng cao vai trò của cộng đồng trong hoạt động du lịch ở Hội An (Quảng Nam); công khai giá dịch vụ, tập huấn cho các đối tượng liên quan của thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa); nâng cao nhận thức của nhân dân trong ứng xử với khách du lịch… nhưng nhìn chung tình trạng lừa đảo, đeo bám, chèo kéo khách vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Tại Quảng Ninh, tình trạng bán hàng rong, tàu du lịch đưa khách đến các điểm bán hải sản trên vịnh Hạ Long vẫn tiếp diễn. Bà Vũ Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ tháng 2 – 4/2013, Thanh tra Sở VHTTDL Quảng Ninh đã phát hiện 43 trường hợp tàu du lịch cập bè bán hải sản trên vịnh. Lợi dụng tình trạng quá tải vào những ngày nghỉ cuối tuần, một số hộ kinh doanh tại Bà Rịa – Vũng Tàu nâng giá tùy tiện, bán không đúng giá niêm yết, đeo bám khách… Đây là những trăn trở trong công tác điều hành của chính quyền, ông Lê Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhìn nhận. Theo thông tin do ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM cung cấp, TP. HCM hiện còn 52/70 các điểm dừng chân, điểm tham quan văn hóa, lịch sử của chưa có NVS đạt chuẩn…

Chính quyền địa phương có vai trò quyết định

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo, cướp giật, đeo bám, chèn ép… khách du lịch được chỉ ra là do sự buông lỏng quản lý của một số chính quyền địa phương và sự chồng chéo trong quản lý, thiếu đầu mối chịu trách nhiệm dẫn tới không có giải pháp hữu hiệu để trấn áp, quản lý hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, việc thiếu hoặc chế tài xử lý các vi phạm còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe nên tình trạng bán hàng rong, lừa đảo, ép khách… vẫn diễn ra. Đã đến lúc coi những “vấn nạn” nêu trên là vấn đề của toàn xã hội chứ không riêng của ngành Du lịch. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần có sự vào cuộc thật sự và quyết liệt của chính quyền địa phương. Kinh nghiệm của Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) cho thấy, ở đâu chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, có phương án tổ chức đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời với đảm bảo an sinh xã hội, phân chia rõ trách nhiệm thì nơi đó hầu như không có tình trạng đeo bám, lừa đảo khách. Hay như ngay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), sau khi báo chí và dư luận lên tiếng về tình trạng đeo bám, chèo kéo khách (Báo Du lịch đã có loạt bài phản ánh), cơ quan quản lý và chính quyền sở tại đã thực hiện ngay nhiều biện pháp quyết liệt và đến nay tình trạng này đã cơ bản được dẹp bỏ. Đề cập đến vai trò của chính quyền địa phương trong quá trình xử lý tình trạng đeo bám, lừa đảo du khách, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan ở địa phương và trung ương, trong đó quy định rõ trách nhiệm của địa phương, của Bộ, ngành. Ở địa phương, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm phát triển du lịch và môi trường du lịch.

Cảnh sát du lịch

Trong Dự thảo Đề án Cải thiện môi trường DLVN do Bộ VHTTDL đề xuất, một trong những giải pháp được đưa ra nhằm chấn chỉnh môi trường du lịch: “Nghiên cứu xây dựng chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát du lịch để đề nghị Bộ Công an đề xuất Chính phủ thành lập hoặc nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu tổ chức theo hướng phân công lực lượng chuyên trách về an ninh trật tự du lịch”. Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Thuận, TP. HCM cũng kiến nghị xem xét thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để kịp thời kiểm tra, giải quyết, xử lý kịp thời thông tin phản ứng của du khách. Trên thực tế, TP. HCM đã có lực lượng bảo vệ du khách với 248 trật tự viên chốt trực tại 30 tuyến điểm du lịch trọng điểm và mới đây nhất là Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ du khách tại Quận 1, Đà Nẵng có Đội trật tự du lịch, Hội An (Quảng Nam) có Đội công tác liên ngành Du lịch – Công an – Chính quyền sở tại. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận đề xuất nêu trên của các địa phương; đề nghị trước mắt các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu thí điểm giao nhiệm vụ thêm cho lực lượng công an, cảnh sát tham gia quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch. Hiện tại có thể thành lập các trung tâm hỗ trợ du khách (Visitor Center) phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đặc biệt tại các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa…

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh, tạo sự hài lòng cho du khách, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao ngành Du lịch phối hợp với các địa phương xem xét, xây dựng các tiêu chí công nhận các cơ sở dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn; giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, nếu cần thiết có văn bản hướng dẫn; đề nghị các địa phương quan tâm triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho người dân tham gia hoạt động du lịch và nghiên cứu thành lập chợ du lịch, xây dựng hệ thống mạng internet không dây tại các trung tâm du lịch lớn tạo điều kiện cho du khách tiếp cận thông tin nhanh nhạy. Trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý môi trường, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, phấn đấu tạo ra hiệu quả tích cực trong giai đoạn 2013 – 2015.

Dự thảo Đề án Cải thiện môi trường DLVN xác định mục tiêu đến năm 2015, triển khai có hiệu quả chiến dịch “Du khách chính là người thân của mình” hoặc chiến dịch “Nụ cười Việt Nam”. So với năm 2013: Giảm 30% số vụ việc xâm hại tài sản, tính mạng của khách du lịch; đảm bảo ổn định giá cả dịch vụ phục vụ du lịch, tăng giá không quá 35% các dịp cao điểm, giảm 50% số vụ bắt chẹt giá cả khách du lịch khi tham gia giao thông và các dịch vụ du lịch…

Lê Hải

Báo Du lịch Việt Nam (Số 24, từ ngày 13/6-19/6/2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT