“Vang mãi hào khí Tây Sơn”- kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu 1789 là sự hội tụ của tinh thần yêu nước nồng nàn, yêu độc lập tự do của dân tộc Việt Nam với truyền thống đoàn kết, tinh thần dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm.
Chương trình sân khấu hóa “VANG MÃI HÀO KHÍ TÂY SƠN”
Tối ngày 5/2/2022 – Mùng 5 Tết Nhâm Dần, tại sân khấu trước Nhà hát thành phố đã diễn ra chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa lịch sử với chủ đề “VANG MÃI HÀO KHÍ TÂY SƠN”.
Chương trình do Ban Tổ chức Kỷ niệm các ngày Lễ lớn TP.HCM phối hợp cùng với Trung tâm Ca nhạc nhẹ, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức.
Biên kịch: Soạn giả Hoàng Song Việt- TS. Phạm Ngọc Hiền; Đạo diễn dàn dựng: Dương Thảo- NSUT Trung Thảo; Giám đốc âm nhạc: Thanh Liêm; Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM nhận định, trong thời khắc thiêng liêng này, tinh thần, ý chí, sức mạnh đoàn kết, sức sống cội nguồn đang vọng về trong mỗi trái tim người dân Việt. Non sông này, đất nước này xin nguyện tri ân các anh hùng hào kiệt, các bậc tiền nhân, các liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc mãi mãi được trường tồn, cho hồn thiêng dân tộc được rạng danh muôn thuở.
Trong niềm tri ân sâu sắc ấy, hòa chung cùng hồn thiêng sông núi, xin được cúi đầu bái vọng tưởng niệm hơn 2 vạn đồng bào đã nằm xuống vì đại dịch COVID-19 và những người hy sinh thầm lặng đã lao mình vào tâm dịch, đã hy sinh quả cảm giữa thời bình.
Chương trình thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem
"Năm qua, giữa tâm bão của cơn đại dịch lần thứ tư với những tổn thất nặng nề, thành phố vẫn nhận được tình yêu thương từ đồng bào khắp các tỉnh thành trong cả nước và ở nước ngoài, đã kịp thời động viên, chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần. Trong gian khó, sự tử tế của đồng bào càng được thắp lên, lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc" - bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Tranh cát mô tả trận Cần Giờ thủy chiến do Nghệ sĩ tranh cát Trí Đức thực hiện
Hàng năm cứ vào ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán, khi những nhánh Mai, Đào đang khoe sắc thắm người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước lại nô nức, phấn khởi, tự hào tham dự Lễ hội kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa – một trong những trang sử hào hùng, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Người anh hùng áo vải, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Ca cảnh "Dưới cờ Tây Sơn"
Chương trình sân khấu hóa gồm nhiều ca cảnh đặc sắc, được dàn dựng công phu mang nội dung như: Tây Sơn địa linh nhân kiệt- Tây Sơn miền đất võ; Dưới cờ Tây Sơn; Thủy binh Tây Sơn (trận chiến Cần giờ); Bài thơ Thăng Long; Trảm tướng an dân; Vó ngựa xâm lăng- Nỗi lòng Nguyễn Thiếp; Hoàng đế Quang Trung; Hậu lai kỳ tổ…
Với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng đến từ Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang…
Ca cảnh TÂY SƠN ĐỊA LINH NHÂN KIỆT – TÂY SƠN MIỀN ĐẤT VÕ
Trong giai đoạn xây dựng thế lực, Nguyễn Huệ đã giúp Nguyễn Nhạc xây dựng kinh tế và huấn luyện quân sự. Với sự trợ giúp của thầy giáo Hiến và bản lĩnh cá nhân, Nguyễn Huệ đã nhanh chóng xây dựng được uy tín cho lực lượng Tây Sơn và cả cho cá nhân mình.
Lực lượng Tây Sơn không những đánh đâu thắng đó mà còn nổi tiếng vì bình đẳng, bình quyền, không tham ô của dân và lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Ca cảnh THỦY BINH TÂY SƠN (Trận Cần Giờ)
Năm 1782, thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến đánh Gia Định. Thủy quân của Nguyễn Ánh dàn trận ở sông Cần Giờ nghênh chiến.
Vào trận, chiếc thuyền Tây Sơn "giương buồm căng, xông pha thẳng tiến". Trước khí thế mạnh mẽ đó, chiến thuyền của đối phương "chưa giao chiến đã tự tan vỡ".
Ca cảnh ĐẠI NGHĨA PHỤC NHÂN TÀI (Thu phục Nguyễn Huỳnh Đức)
Đối với Quang Trung – Nguyễn Huệ việc dụng người tài là một trong những nghệ thuật được đánh giá cao.
Khi bại trận, bị anh em nhà Tây Sơn bắt, Nguyễn Huỳnh Đức đã khảng khái: “Nếu không giết ta thì ta lại trốn về với chúa cũ mà thôi”. Nguyễn Huệ nể trọng người tài, không giết mà còn chiêu dụ, thu phục.
Ca cảnh BÀI THƠ THĂNG LONG - NSƯT. Lê Hồng Thắm trong vai Ngọc Hân
Ca cảnh PHÙ LÊ DIỆT TRỊNH biểu diễn NSƯT. Lê Hồng Thắm - NS. Minh Trường trong vai Nguyễn Huệ
Ca cảnh LÁ THẮM CHỈ HỒNG, biểu diễn ca sĩ Nguyễn Phi Hùng (Nguyễn Huệ) - Ngọc Ánh (Ngọc Hân)
Năm mậu thân (1788) quân nhà Thanh mượn tiếng sang cứu nhà Lê, chiếm giữ thành Thăng Long, có ý muốn lấy đất An Nam
Để lấy danh nghĩa chính thống, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu Quang Trung
Ca cảnh HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG LÊN NGÔI
Chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa là sự thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, tài năng kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung và có sự tham gia của đông đảo ủng hộ của người dân và sĩ phu Bắc Hà.
Trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc lần này, quân Tây Sơn đã huy động được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo người dân nơi nghĩa quân Tây Sơn đi qua.
Với cuộc hành binh thần tốc, tốc chiến tốc thắng chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đại phá quân Thanh giải phóng Thăng Long
Trưa mùng 5 Tết năm Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự hân hoan, chào đón của bá tánh: “Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến - Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh"
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao thế hệ người dân đất Việt đã ngã xuống khi đất nước chẳng phút bình yên. Để giờ đây, khi được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc, chúng ta không thể quên - không được phép quên và không bao giờ quên những người đã gửi trọn đời cho tất cả và những người đang ngày đêm canh giữ biên cương của đất nước.
Chị Hoàng Thị Mỹ Duyên (ngồi giữa) tâm sự sau khi kết thúc chương trình
Chị Hoàng Thị Mỹ Duyên, nhà ở Gò Vấp chia sẻ, sau các đợt dịch vừa qua, phải nói rằng lâu lắm rồi mới lại được xem trực tiếp một chương trình sân khấu vô cùng đặc sắc và hoành tráng, được gần với các nghệ sĩ mình yêu thích biểu diễn trên sân khấu đến vậy.
Chương trình sân khấu hóa dàn dựng công phu, đặc biệt phân đoạn Hoàng đế Quang Trung lên ngôi, các nghệ sĩ diễn thật xúc động, chị Mỹ Duyên bộc bạch.
Tổ khúc TRÁI TIM THÀNH PHỐ - SỨC MẠNH VIỆT NAM
Đất nước hòa bình nhưng đã có lúc chúng ta phải đối mặt với một trận chiến đầy khốc liệt - trận chiến không tiếng súng nhưng đã phải đánh đổi bằng biết bao mất mát và hy sinh.
Người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung sẽ không thể quên và không bao giờ quên một chặng đường đầy gian khó mà kiên cường khi đất nước phải đối mặt với đại dịch covid-19. Trong gian khó càng thắm đượm nghĩa tình, tình đồng bào, tình đồng chí, cùng sẻ chia gian khó, cùng đồng cam cộng khổ để vượt qua khó khăn.