Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tết Chôl Chnăm Thmây theo tiếng Khmer là Tết năm mới, lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của bà con dân tộc Khmer, được tổ chức vào trung tuần tháng 4 vào thời điểm giao mùa.

Sáng 15/4/2022, tại chùa Candaransi Q.3, chư Tăng, Phật tử đồng bào dân tộc Khmer hân hoan đón Tết với nhiều hoạt động tôn giáo, lễ hội truyền thống phong phú.

Thông lệ, tết Chôl Chnăm Thmây được diễn ra trong 3 ngày: Ngày thứ nhất (14/4) là “ngày rời khỏi, ngày bước sang” tức là ngày đầu tiên đón mừng vị “Tân Quản Thế Thiên.

Ngày thứ hai (15/4) là “ngày mù – ngày rỗng” được qui định bàn giao giữa Thần Vệ Nữ năm cũ và Thần Vệ Nữ năm mới.

Ngày thứ ba (16/4) là ngày “Tân Thiên Can”, ngày giờ bước vào đầu năm mới năm Dần tân Thiên Can.

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 1

Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức tại chùa, gia đình và các khu sinh hoạt công cộng của bà con cộng đồng người Khmer

Thời gian này, những người con Khmer từ khắp các nơi quần tụ về gia đình, cùng nhau đón mừng năm mới cũng như qua lại thăm hỏi họ hàng, gia tộc và chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt.

Đây cũng là dịp để cộng đồng dân tộc Khmer gặp nhau chia sẻ kinh nghiệm sau một năm học tập, lao động, sản xuất,…

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 2

Long trọng tiếp đón quan khách đến viếng chùa dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Dịp này, chư tăng chùa Candaransi phối hợp cùng Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và Cụm thi đua 1 của Ban Dân vận Thành ủy tổ chức buổi họp mặt thăm, trao tặng quà cho đồng bào dân tộc Khmer và kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc Khmer, Kinh, du học sinh Campuchia, Lào nhân Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022.

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 3

Tiết mục văn nghệ chào mừng do các người con Khmer trình diễn

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 4

Múa hát tập thể phục vụ quan khách và bà con về dự lễ

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 5

Srey Roth nữ vũ công với điệu múa Chúc mừng năm mới

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 6

Srey Roth cho biết, trong tiếng Khmer của dân tộc cô, điệu múa "Choun por Chnam thmay" có nghĩa chúc mừng năm mới hoặc là chúc phúc năm mới

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 7

Toàn cảnh lễ họp mặt và trao tặng quà cho đồng bào Khmer và kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc Kinh, Khmer, du học sinh Campuchia, Lào sáng ngày 15/4/2022 tại chùa Candaransi Q.3

Tại buổi lễ, Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hộ Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Candaransi đã bày tỏ sự vui mừng khi được nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo TP.HCM, Báo CAND và các ban, ngành luôn quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà chùa, động viên các sinh viên và bà con đồng bào Khmer, Lào có hoàn cảnh khó khăn thời gian qua.

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 8

Thay mặt chư Tăng, phật tử chùa Candaransi và đồng bào Khmer, Hòa thượng Danh Lung cảm ơn sự quan tâm Đảng và chính quyền đối với chư Tăng, phật tử Hệ phái Nam tông Khmer và đồng bào Khmer trên địa bàn quận.

"Chùa Candaransi trong suốt thời gian qua đã giúp đỡ nhiều trong việc giáo dục, sinh hoạt văn hóa lễ hội cũng như tuyên truyền pháp luật để bà con hình thành nhân cách văn hóa dân tộc  để bà con luôn luôn sống trong cuộc sống thân thiện và cùng nhau xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển", Hòa thượng Danh Lung cho biết.

Dịp này, 60 hộ gia đình được nhận quà giá trị 1 triệu đồng/hộ (gồm phần quà giá trị 500 ngàn đồng và tiền mặt 500 ngàn đồng); 50 học sinh, sinh viên nhận kinh phí hỗ trợ học tập 2 triệu đồng/suất.

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 9

Ông Trương Hòa Bình nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tặng quà các cháu học sinh

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 10

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Hòa thượng Danh Lung trao học bổng cho các bạn sinh viên Việt, Lào và Campuchia 

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 11

Trao quà cho các hộ dân tộc Khmer tiêu biểu

Tiếp theo sau, tại sân chùa đã diễn ra Nghi lễ tắm tượng Phật và nghi thức buộc chỉ cổ tay may mắn mừng năm mới.

Theo truyền thống, nghi lễ tắm tượng Phật là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng đối với đồng bào Khmer với ý nghĩa rửa sạch muộn phiền trong năm cũ để sang năm mới được thanh sạch, vui vẻ hơn.

Nước thơm sau khi tắm Phật, đồng bào Khmer mang về tắm cho người lớn tuổi để cầu chúc sức khỏe, bình an.

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 12

Thắm nén nhang thơm cầu chúc cho đất nước được bình an, người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 13

Nghi thức tắm Phật Thích Ca Mâu Ni diễn ra trang trọng, nghiêm cẩn

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 14

Nghi thức buộc chỉ may mắn mừng năm mới

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 15

Sau đó, người dân vào thực hiện hiện nghi thức tắm Phật

Đặng Nhân Khôi, phật tử đến viếng chùa dịp này cảm nhận, dịp tết cổ truyền năm nay đã mang lại niềm vui cho người dân Khmer sau bao thăng trầm đã vượt đại dịch, nay bà con lại được đón tết trong không khí an lành, hạnh phúc. Tết còn là niềm vui trong mỗi người dân sống xa quê hương nhớ lại cội nguồn, bản sắc dân tộc.

"Được dịp tham dự tết Chôl Chnăm Thmây, tôi có thể hiểu rõ hơn nét văn hóa độc đáo của bà con Khmer; qua đó, có thể thấy được sự giao thoa, trao đổi văn hoá giữa hai dân tộc Việt và Khmer, thấy được không khí sôi động trở lại sau thời gian dịch bệnh, mọi người cùng nhau đến đây vui chơi không còn lo ngại nữa", Nhân Khôi chia sẻ.

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 16

Từ rất sớm, các Phật tử, người dân Khmer đã đến bày trí đèn hoa, bánh trái phụng cúng lên Đức Phật

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 17

Người dân viếng chùa, thắp nhang, tỏ lòng thành kính 

Trước đó, vào sáng ngày 14/4/2022, ngày đầu tiên đón Tết, bà con dân tộc Khmer chuẩn bị các vật phẩm như nhang, đèn, hoa quả mang đến chùa để làm lễ đón chào năm mới, làm lễ rước Đại lịch Maha Sangkran. Mỗi năm, đồng bào Khmer lại đón một vị Maha Sangkran cai quản và trông coi mọi việc của năm đó.

Năm nay thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo truyền thống của người dân Khmer diễn ra lúc 10 giờ 00 phút ngày 14/04/2022. Thời khắc này được ấn định cụ thể theo từng năm theo chu trình “đầu và đuôi của luân xa - Ria Sây Chắc”

Quảng thời gian được tính cụ thể là 365 ngày 6 giờ và 20 phút; lúc giáp nhau nhằm vào ngày nào, giờ nào thì tổ chức lễ đón mừng vị Tân Quản Thế Thiên vào đúng giao thừa lúc đó.

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 18

Buổi chiều, mọi người đến chùa làm lễ đắp núi cát để mong gặp nhiều điều may mắn, tốt lành và cầu mong có những cơn mưa cho mùa màng tốt tươi

Lâm Duy Tú, công nhân xưởng mộc KCN Sóng Thần, Bình Dương tâm sự, thường dịp lễ tết ở Trà Vinh quê em, sau lễ cúng ở nhà, người dân thường tụ tập về sân chùa làm lễ và vui chơi. Nhộn nhịp nhất buổi tối, sau khi đến chùa thắp nhang, cầu xin sức khỏe, làm ăn thuận lợi… mọi người tập trung tại sân khấu xem ca nhạc, bọn trẻ chúng em hòa vào ca hát, nhảy múa xôm tụ, vui vẻ; người lớn thì đi xem các chương trình sân khấu truyền thống, xem biểu diễn Rô băm, Dù Kê.

Sau đợt dịch vừa qua, vừa trở lên thành phố làm việc nên dịp tết Chôl Chnăm Thmây năm nay em không về quê mà ở lại Sài Gòn chơi tết. Không khí ở đây tuy không nhộn nhịp, hào hứng như ở quê nhà nhưng vui nhất là cảm thấy cuộc sống gần như trở lại bình thường, người dân đã đi làm, đi học, vui chơi thoải mái trở lại và nhất là được cùng nhau đón tết truyền thống vui vẻ bên nhau.

Rực rỡ ngày tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer tại TP.HCM - 19

Ngoài các nghi thức lễ trang nghiêm, phần hội diễn ra với các chương trình vui nhộn

Tết Chôl Chnăm Thmây ngoài các nghi thức lễ nghi, phần hội vào buổi tối tại sân chùa diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi với chương trình văn nghệ sôi động phục vụ bà con cộng đồng Khmer về dự lễ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.