Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau Tết âm lịch hàng năm, sắc Xuân vương vấn mai đào, nhang trầm thoảng hương đưa, trăm hoa khoe sắc. Những bông mai tại điện Ngọc Hoàng - Phước Hải Tự vẫn mãi đua sắc cùng cúc trúc lan đào, bung biêng cánh vàng rực rỡ hân hoan đón chào Xuân mới.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 1

Đông đảo người dân thập phương về vãn cảnh chùa, dâng cúng lễ vật dịp Rằm tháng Giêng (từ Mùng 8 - ngày15 tháng Giêng Âm lịch)

Mỗi độ Xuân về, mai đào khoe sắc; dịp này vào ngày Mùng 8 và 14 tháng Giêng là 2 ngày vô cùng đặc biệt trong năm, người dân gần xa, nô nức về viếng cảnh chùa, dân hương hoa, bánh trái và cúng lễ Chuyển vận. Nghi thức này chỉ diễn ra duy nhất tại chùa Ngọc Hoàng với mong cầu hoán đổi, giảm bớt số mệnh, tai ương.

Ngôi cổ tự linh thiêng, chìm trong khói hương trầm mặc, trang nghiêm. Du khách gần xa về viếng chùa cảm thấy thanh tao, bình yên lạ. Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là Điện Ngọc Hoàng, chùa Phước Hải, có tên chữ là Phước Hải Tự (người xưa gọi là chùa Đa Kao) là một trong những ngôi chùa lâu đời rất nổi tiếng chỉ cần nhắc tên, xa gần ai ai đều biết.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 2

Năm nay Rằm tháng Giêng trùng với ngày Valentine 14/2 Dương lịch, thiện nam tín nữ về chùa đông hơn thường lệ, dâng đèn, nhang kính lễ, cầu duyên          

Mang sắc màu cổ kính cùng các tượng thờ và cách bày trí trong chùa vừa rực rỡ nhưng đầy vẻ bí ẩn, trầm mặc. Chẳng những bởi cảnh quan khiến lòng người thanh thản, chùa Ngọc Hoàng còn rất linh thiêng; đặc biệt là cầu tự và tình duyên.  

Tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, Q.1, TP.HCM, khuôn viên chùa Ngọc Hoàng có diện tích 2.300m2, tuy không lớn nhưng lại ấm cúng và luôn nghi ngút khói nhang, hằng ngày đều đông đảo người dân gần xa đến viếng và thành tâm cúng kiếng, khẩn cầu.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 3

Băng qua cổng chùa là khoảng sân rộng lớn, góc sân bên phải làm chỗ giữ xe. Giữa sân là hồ tứ giác nuôi cá trê khổng lồ và một lư hương lớn đặt phía sau

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 4

Hồ nuôi cá do người dân đến phóng sanh với những chú cá trê to bằng bắp chân. Tại đây còn có chú cá trê trắng hiếm khi gặp (góc dưới bên trái ảnh)

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 5

Ngôi cổ tự được xây bằng gạch hộc, mái lợp ngói âm dương, chính giữa là hàng chữ đắp nổi "Ngọc Hoàng Điện" (đọc từ phải qua)

Kiến trúc chùa Ngọc Hoàng với lối trang trí hoa văn, họa tiết rực rỡ, được xây từ gạch nung với mái ngói âm dương; trên bờ nóc, góc mái đặt nhiều tượng gốm màu. Phía trước là ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ Pháp rồi đến Cổng Tam Quan màu đỏ nổi bật với hai con rồng tranh châu trên đỉnh.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 6

Không gian bên trong trang trí tranh nghệ thuật, bao lam, liễn đối, hương án sơn son thếp vàng và tôn vị các thánh tượng, thần phật linh thiêng

Khác với vẻ ngoài cổ kính, bên trong chánh điện uy nghiêm rực rỡ đèn hoa, nơi đây hiện lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc tinh xảo trên gỗ, gốm, và giấy bồi như: tượng thờ, tranh thờ, hoành phi, bài vị, bao lam, hương án, liễn đối, v.v. 

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 7

Người dân đến cúng lễ có thể thỉnh các tượng phật hoặc mua đèn cầy vào thắp thay cho việc nhang khói trước đây

Toàn bộ kiến trúc thờ tự của chùa Ngọc Hoàng chia thành ba gian, mỗi gian là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật độc đáo mang đậm nét cổ xưa. Gian giữa lớn nhất gồm tiền điện, trung điện và chánh điện.

Gian ngoài, nơi dành cho bá tánh thập phương đăng kí cúng lễ và mua đèn, thắp nến trước khi vào chánh điện. Sau khi sắm sửa lễ vật xong, bà con đến tượng Ngọc Hoàng để dâng đèn, đọc tên tuổi bản thân, người thân để cầu bình an, gia đạo hay những ước nguyện khác.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 8

Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát cùng các vị Huyền Thiên Bắc Đế, các thiên binh, thiên tướng

Ban thờ chính trong chánh điện thờ tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, có thiên binh thiên tướng đứng hầu. Xung quanh còn có nhiều tượng nhỏ hơn, gồm Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà Tiên Sư, Tề Thiên Đại Thánh, Quan Thánh Đế Quân, thần Nhật Nguyệt, Long Mẫu Nương Nương, Tứ Đại Kim Quang, Thái Ất Chân Nhân…

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 9

Những chiếc đèn lồng do bá tánh đến viếng chùa làm lễ cầu an 

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 10

Ban thờ chính, nơi bá tánh dâng đôi đèn cầy thành tâm cúng kiếng, nguyện cầu kính lễ

Bên trái ban thờ Ngọc Hoàng là ban thờ Huyền Thiên Bắc Đế (một vị thần hoá thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế) trong tư thế ngồi, chân phải đạp lên con rùa, chân trái đạp lên con rắn, tượng trưng sự trấn áp yêu quái, tà ma. Hai bên tượng Bắc Đế có hai vị thần, vị bên phải cầm kiếm, vị bên trái cầm pháp ấn, thể hiện rõ tư tưởng Đạo giáo.

Bên phải ban thờ Ngọc Hoàng là cung Thuỷ Nguyệt thờ Phật Chuẩn Đề. Phật Chuẩn Đề được đưa vào thờ ở thần điện của Đạo giáo là do quan niệm Phật Chuẩn Đề ở cõi trời, chung một cung Thuỷ Nguyệt với Nguyệt Thành Thuỷ Môn Long Mẫu Nương Nương. Chúng ta thấy có sự hoà hợp tinh tế giữa Đạo giáo và Phật giáo.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 11

Bà con đến dâng lễ, cầu chuyển vận cho mình và người thân trong gia đình

Cô Lưu Thị Mỹ Huyền chia sẻ, hàng năm cô đều sắm sửa lễ vật đến cúng chùa dịp Rằm tháng Giêng, cầu mong công việc hanh thông thuận lợi, mọi người trong gia đình đều mạnh khỏe.

"Trong năm qua dịch bệnh kéo dài, tôi thành tâm cầu nguyện chuyển vận cho mọi tai ương, dịch bệnh qua mau. Cầu nguyện “chuyển vận”cho mọi người tai qua nạn khỏi, tránh được đại dịch Covid-19", cô Huyền thành tâm.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 12

Anh Vương Bá Kiện ở Phú Nhuận cho biết, năm nay không phải chờ xếp hàng chờ bên ngoài rất lâu mới tới lượt vào dâng cúng như mọi năm

Xếp hàng phía sau chờ đến lượt vào cúng lễ, anh Vương Bá Kiện chia sẻ, mình đến chùa thành tâm nguyện cầu chuyển vận, tai qua, nạn khỏi trong đại dịch. "Dịch dã qua rồi chẳng cầu gì hơn là được an lành – mạnh khỏe. Cầu cho những người không may ra đi vì Covid-19 sớm được siêu thoát, cầu cho mọi người vượt qua đại dịch bình an", anh Kiện nói.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 13

Tại trung điện hai bên có hai bệ thờ hai vị Thần: Đại tướng quân Thanh Long và Đại tướng quân Phục Hổ (ảnh trên)

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 14

Phía đối diện là Đại tướng quân Thanh Long

Gian trung điện này, có cửa thông qua hành lang hẹp tiếp nối các gian bên trái từ sau ra trước gồm: đầu tiên là gian thờ Nhị vị Song Án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế.

Gian tiếp theo thờ Thập điện Diêm Vương với 10 bức chạm gỗ tái hiện các hình phạt tại 10 cửa địa ngục, phân bố đều mỗi bên 5 bức.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 15

Rất đông người dân vào cầu nguyện tại điện thờ Thành Hoàng hôm 14 tháng Giêng

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 16

Người dân sau khi cầu nguyện công ăn việc làm qua năm mới được hanh thông thuận lời, tiếp theo sẽ lắc chuông để được "Mã đáo thành công"

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 17

Nối liền 2 gian có các tượng thờ: Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Địa Tạng Vương bồ tát… Những mảng gỗ sậm từ tường cột đến từng bức tượng tạo cho không gian một vẻ tĩnh mặc, nghiêm cẩn.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 18

Thiện nam tín nữ đến cầu lương duyên tác hợp trong dịp lễ Valentine 14/2

Cuối cùng là nơi thờ phụng Kim Hoa thánh mẫu cùng mười hai bà mụ và các nhũ mẫu chạm trổ tinh tế, họa tiết ấn tượng trong các tư thế nuôi dạy cho trẻ nhỏ. Vì thế, ngôi chùa này nổi tiếng linh nghiệm đối với những người cầu tự.

Theo tín ngưỡng, 12 bà mụ là người nặn nên hình hài những đứa trẻ, người nặn đầu, người nặn mắt, mũi, miệng, người nặn tay, chân, người dạy trẻ tập đi, tập nói,…

Ngoài thờ Thánh Mẫu và 12 bà mụ, tại điện còn thờ Ông Tơ - Bà Nguyệt nên càng thu hút những đôi trai gái và người độc thân đến khấn vái, cầu xin mối lương duyên tốt đẹp. Sự linh thiêng về cầu duyên của chùa cũng nổi tiếng không kém việc cầu tự.

Rằm tháng Giêng, người dân viếng điện Ngọc Hoàng dâng lễ "chuyển vận" - 19

Đến viếng Chùa Ngọc Hoàng dịp đầu Xuân để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi cổ tự cũng như để tìm chút bình an, thư thái cho tâm hồn

Năm 1994, chùa được công nhận là Di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, đây là một dấu ấn lịch sử đáng nhớ. Sau hơn 100 năm, trừ phần sân đã được lát gạch cho sạch sẽ hơn, không gian và lối kiến trúc của chùa Ngọc Hoàng hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn như thuở ban đầu.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT