Nồi bánh Tét vấn vương hồn quê giữa chốn phố thị

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ba bảo, gói bánh Tét để đỡ nhớ quê, để cảm nhận ý nghĩa ngày Tết thật trọn vẹn.

Tôi sinh ra trong một gia đình gốc miền Trung. Gia đình tôi luôn giữ nét văn hóa truyền thống làng quê, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến. Mẹ tôi tự tay chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết, các loại bánh mứt. Năm nào cũng vậy, 28 Tết là nồi bánh Tét của ba lại đỏ lửa, chiếc bánh không thể thiếu trong mâm cỗ đón Xuân đầu năm.

Ba bảo đó là vị Tết và chúng tôi biết ơn vì năm nào cũng nhờ hương thơm của mùi lá, mùi nếp theo làn khói bếp phảng phất mà cảm nhận vị Tết thật ấm áp giữa mùa đông miền Trung khắc nghiệt.

Nồi bánh Tét vấn vương hồn quê giữa chốn phố thị - 1

Những đòn bánh Tét ba gói ngày 28 Tết

Rồi gia đình Nam tiến, vào Sài Gòn lập nghiệp. Chúng tôi mang theo cả một miền ký ức của miền quê thân thương đến phố thị. Năm đầu ở Sài Gòn khá chật vật, mẹ tôi buôn bán ở chợ, ba mở tiệm tạp hóa ở nhà. Cuộc sống của một gia đình đông con không mấy dễ dàng.

Tết lại đến trong niềm vui của những đứa trẻ như 5 chị em tôi. Nhưng trong lòng ba mẹ lại phảng phất biết bao nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đã đến ngày đưa ông Táo mà chưa nghe ba mẹ nhắc đến nồi bánh Tét, mấy chị em bắt đầu thấy hoang mang vì sợ đêm 28 Tết nồi bánh Tét của ba sẽ không đỏ lửa như mọi năm.

Ở Sài Gòn không còn cảm nhận không khí lạnh ngày cuối năm, giờ không có mùi bánh Tét phảng phất, còn đâu vị Tết. Chưa bao giờ chị em chúng tôi mong chờ nồi bánh Tét đến như vậy, nhưng không dám hỏi vì biết ba mẹ đang tất bật với nhiều nỗi lo.

Thế rồi chiều 27 Tết mẹ đi chợ về với mấy xấp lá chuối, mấy bó lạt, gạo nếp, thịt heo, đậu xanh. Mẹ nói, mai ba gói bánh Tét ăn Tết. Mấy chị em mừng như bắt được vàng bởi nhà mình cũng có bánh Tét, thế là có Tết rồi.

Nồi bánh Tét vấn vương hồn quê giữa chốn phố thị - 2

Bánh Tét nhân thịt, đậu xanh

Sáng 28 Tết, mẹ dậy từ rất sớm để ngâm nếp và làm nhân bánh. Mấy chị em cũng dậy sớm phụ mẹ, nào cắt hành ướp thịt, nào giã tiêu, nào lau lá, nắn đậu xanh để gói bánh.

Đúng 6h sáng ba bắt đầu gói bánh cho tận trưa mới xong. Cứ mỗi lần ba gói bánh là 5 chị em xúm lại rồi xin ba vài miếng lá, miếng nếp và nhân còn thừa ra để gói mỗi đứa cái bánh ú rồi bỏ chung vào nồi bánh Tét của ba. Bánh nhân thịt, đậu xanh đầy ắp.

Đêm 28 Tết, ngồi bánh của ba đỏ lửa. Ở Sài Gòn mấy ai tự gói bánh Tét, vì thế mà nồi bánh của nhà tôi trở nên đặc biệt. Hàng xóm đi qua đi lại đều ngoái nhìn, rồi hỏi thăm dăm ba câu chuyện vui ngày Tết. Ba ngồi canh bánh Tét, mẹ rim mứt và làm bánh thuẫn.

5 chị em ngồi quây quần bên nồi bánh Tét không chịu đi ngủ, chờ ba vớt bánh. Những lúc canh nồi bánh khói lửa cay xè mắt nhưng sao mấy chị em tôi cứ tranh nhau, vì trong nồi bánh ấy có thành quả của mấy chị em. Mỗi lần ba vớt bánh ra là cứ háo hức xem thành quả của mình thế nào. Cầm cái bánh nóng hổi trên tay, liên tục thổi và xuýt xoa, cảm nhận vị Tết đang phảng phất rất gần.

Nồi bánh Tét vấn vương hồn quê giữa chốn phố thị - 3

Những đòn bánh được xếp gọn vào nồi chuẩn bị nấu

Có lẽ tuổi thơ của mỗi người ở miền quê đều lớn lên bên hương vị thân quen của mùi lá, mùi nếp trong từng đòn bánh Tét được ba gói chặt với nhân bên trong là đậu xanh và thịt heo mỡ. Sống nơi phồ thị Sài Gòn, gia đình tôi vẫn giữ truyền thống gói bánh Tét mỗi năm. Ba bảo, gói bánh Tét để đỡ nhớ quê, để cảm nhận ý nghĩa ngày Tết thật trọn vẹn. Với 5 chị em chúng tôi, nồi bánh Tét của ba là cả một miền ký ức tuổi thơ được nuôi dưỡng.

Nồi bánh Tét vấn vương hồn quê giữa chốn phố thị - 4

Ấm áp nồi bánh Tét ngày cuối năm

Chúng con cảm ơn ba, vì nồi bánh tét đêm 28 Tết của ba vẫn đỏ lửa suốt 20 năm gia đình mình ở Sài Gòn, để tụi con cảm nhận rõ hơn vị Tết. Một năm có khó khăn thế nào, được quây quần bên mâm cơm những ngày cuối năm, cùng nhìn ba gói bánh rồi phụ ba canh nồi bánh, đó là niềm hạnh phúc rất lớn và là nguồn động lực mà chúng con luôn nghĩ về mỗi khi bôn ba với bộn bề cuộc sống.

Nồi bánh Tét vấn vương hồn quê giữa chốn phố thị - 5

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bích Phương

CLIP HOT