NHẠC SĨ HOÀNG HIỆP – SÁNG MÃI “NGỌN ĐÈN ĐỨNG GÁC”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

NHẠC SĨ HOÀNG HIỆP – SÁNG MÃI “NGỌN ĐÈN ĐỨNG GÁC” - 1

Trên đường ta đi đánh giặc

Dù vào Nam hay ra Bắc

Ở đâu cũng có những ngọn đèn

Những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu…

Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt

Như những tâm hồn không bao giờ tắt..

Nhạc sĩ Lê Anh Trung

Những vần thơ trên chỉ mới đọc đã thấy xúc động, nhưng khi thơ được hát lên bởi giai điệu ngọt ngào và bay bổng, thì không những thế mà còn trở nên lung linh huyền ảo và cũng thật là gần gũi. Đây là đoạn mở đầu của bài hát “Ngọn đèn đứng gác”, Thơ: Chính Hữu – Nhạc: Hoàng Hiệp, một trong những bài hát mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp rất tâm đắc.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn nhiều bài hát hay khác được nhiều người yêu mến như: Câu hò bên bờ Hiền Lương (cùng viết lời cùng Đằng Giao), Cô gái vót chông (thơ: Mô-Lo-I-Choi), Đất quê ta mênh mông (thơ: Dương Hương Ly), Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây (thơ: Phạm Tiến Duật), Lá đỏ (thơ: Nguyễn Đình Thi), Con đường có lá me bay (thơ: Diệp Minh Tuyền), Viếng lăng Bác (thơ: Viễn Phương), Đất mũi Cà Mau, Em vẫn đợi anh về (thơ: Lê Giang), Thơ tình lính biển (thơ: Trần Đăng Khoa), Nhớ về Hà Nội, Trở về dòng sông tuổi thơ, v.v…

Nhìn dáng vẻ bên ngoài của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, í tai nghĩ Ông là nhạc sĩ. Ông điềm đạm, ít nói, hay trầm ngâm, tư lự. Những lúc như thế, trông Ông giống một nhà văn hơn, lại càng giống với một nhân vật nào đấy trong phim. Ấy vậy mà, trong những sáng tác ca khúc của Ông, người ta ít thấy sự ồn ào hay giằng xé nội tâm mãnh liệt. Ngược lại, giai điệu trong các bài hát của Ông lại mượt mà, quyến rũ, lên bổng xuống trầm. Ông thường sử dụng các nốt biến âm trong từng bài hát, làm cho màu sắc của từng bài hát khác nhau, đa dạng, nghe không cảm thấy nhàm chán.

Thường thì Ông phổ thơ của nhiều tác giả. Cách Ông chọn thơ để phổ cũng vậy, nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm chất trữ tình. Và rồi, đến những bài hát sau của Ông, Ông không phổ thơ nữa, Ông tự viết lời. Những lời Ông viết cho nhạc cũng đâu kém gì những lời thơ Ông phổ. Ông đang viết bằng ký ức của mình. Khi bài Trở về dòng sông tuổi thơ  của Ông được phổ biến, người ta ngờ ngợ rằng: đã đến lúc Ông muốn “rửa tay, gác kiếm”, lặng lẽ trở về nơi sinh ra Ông, nơi có con sông tắm mát tuổi thơ, nơi mà lúc nào cũng ở trong tim Ông.

Có một việc mà sau ngày Giải phóng, Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã làm, nhưng ít ai biết đến, đó là tham gia hai khóa đào tạo ngắn hạn cho các nhạc sĩ trẻ ở TPHCM cũng như ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tham gia các khóa đào tạo này, cùng Nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn có các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Tý, v.v… Tôi vinh dự được là Học viên trong hai khóa đào tạo đó. Tôi còn nhớ, mỗi lần đứng lớp, Thầy Hoàng Hiệp thường đưa ra những ví dụ trong bài “Ngọn đèn đúng gác”, Thầy nói: Về tiết tấu của bài hát này, tôi đã vận dụng tiết tấu trong các làn điệu Chèo cổ. Còn về giai điệu, tôi không biết nó có từ đâu, nó nhập vào tôi lúc nào tôi cũng không biết và cứ thế, nó dẫn dắt tôi đi theo âm hình tiết tấu bài hát… Sau đó, Thầy bắt đầu hát bài hát của mình, cả lớp im phăng phắc nghe Thầy hát như đang nuốt từng lời, từng chữ, từng điệu bộ của Thầy.

Và lần nào cũng vậy, hễ bước vào lớp, Thầy thường ôm theo rất nhiều tài liệu để chúng tôi tham khảo, Đông Tây Cổ Kim có cả. Tôi hiểu ra một điều: Thầy đã chuẩn bị cho công tác đào tạo này từ lâu rồi, có lẽ, từ lúc Thầy còn đang học ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Những lúc Thầy giảng, tôi để ý thấy, đôi khi Thầy nhìn ra ngoài của sổ, nhìn đâu đó rất xa, phải chăng Thầy nghĩ: Nghề sáng tác không phải lúc nào cũng viết được, phải có lớp kế cận, phải có những thế hệ sau này tiếp sức, và những gì đã có, mình phải làm cho tốt hơn, đẹp hơn.

Trong thời đất nước còn chiến tranh, Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã ca ngợi những “Ngọn đèn đứng gác” là những ngọn đèn dầu, đèn măng sông hay những đèn con cóc tự chế của nhân dân, của cán bộ, bộ đội, du kích ở hai miền Bắc-Nam, nhằm tránh bị máy bay địch phát hiện. Những ngọn đèn đã nối liền với nhau theo suốt chiều dài đất nước, thành huyết mạch giao thông của cả nước về đêm trong giai đoạn khó khăn nhất, ác liệt nhất. Bài hát đã tạo một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng. Và bây giờ, trong thời bình, những “Ngọn đèn đứng gác” ấy không mất đi mà trở thành những ngọn hải đăng, những tượng đài để nhân dân cả nước cùng hướng về với tấm lòng biết ơn và ngưỡng mộ.

Phan Thiết, 13/01/2013

L.A.T

NHẠC SĨ HOÀNG HIỆP – SÁNG MÃI “NGỌN ĐÈN ĐỨNG GÁC” - 2

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT