Mở hội làng, tái hiện không gian phở xưa Nam Định

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bà con làng Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định) mở hội làng, tái hiện những hoạt động tráng bánh, nấu phở cổ xưa hưởng ứng chuỗi hoạt động Ngày của phở 12/12 được tổ chức ở Nam Định.

Vân Cù là một trong ba ngôi làng được coi là cái nôi của phở Nam Định là Vân Cù, Giao Cù và Tây Lạc. Những người con của làng đã mang món phở trứ danh Nam Định đi khắp các vùng miền của Tổ quốc từ Bắc chí Nam. Nhiều quán phở đã trở thành địa chỉ ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội, TP.HCM.

Tour trải nghiệm nấu phở cổ xưa

Hội làng Vân Cù lần này được tổ chức ở không gian trước cửa đình làng, nhưng không phải gắn với ngày lễ Thành hoàng làng mà gắn với hoạt động nấu phở. 

Điểm nhấn của hội là các hoạt động tái hiện cảnh truyền thống như giã giò, làm nem, các hoạt cảnh trong việc nấu phở từ xa xưa. Bên cạnh đó là các hoạt động nghệ thuật dân gian của bà con như hát xẩm, ca trù, múa rối nước.

Ông Vũ Ngọc Vượng, người con làng Vân Cù, tất bật từ sáng tới đêm cùng ban tổ chức chuẩn bị cho ngày hội phở lớn nhất từ trước tới nay của quê phở Nam Định. 

Mở hội làng, tái hiện không gian phở xưa Nam Định - 1

Làng Vân Cù, Nam Định được biết đến là cái nôi danh tiếng phở Nam Định. Ảnh: Nam Trần 

Ông Vượng đảm trách hai gian hàng tráng bánh và nấu phở để khách đến trải nghiệm và được giới thiệu hương vị phở truyền thống của người con Nam Định. 

Hai gian hàng đặt hai bên cổng đình, thiết kế theo phong cách truyền thống, tái hiện về những gánh phở Vân Cù xa xưa.

Gia đình ông Vượng đã có ba đời bán phở, hiện ông đang là chủ chuỗi phở Ngọc Vượng với bốn cửa hàng lớn ở Hà Nội. 

"Điều đặc sắc của phở Nam Định là bí quyết truyền thống. Từ cách chọn thịt, ninh xương, tráng bánh... cho đến bí quyết dùng gia giảm, tạo vị... chúng tôi đều giữ từ các thế hệ cha ông tới bây giờ. 

Truyền thống cổ xưa cũng là nét văn hóa đặc sắc mà chúng tôi mong muốn các thế hệ sau này gìn giữ. Chính vì thế trong các hoạt động của hội, chúng tôi tái hiện lại các hoạt động giã giò, làm nem, tráng bánh, nấu phở... cổ xưa theo cách mà cha ông chúng tôi đã làm" - ông Vượng cho hay.

Từ ngày 9 đến 12/12, ở làng Vân Cù sẽ có một chuỗi các hoạt động liên quan đến phở. Ngày 9/12 có múa rối nước, hát xẩm, ca trù... các hoạt cảnh tái hiện hoạt động nấu phở, làm cỗ của người con Nam Định xưa và ra mắt Câu lạc bộ Phở Vân Cù thuộc Liên chi hội Liên hiệp văn hóa ẩm thực Nam Định.

Giới thiệu làng phở ra thế giới

Ngày 10/12 có các cuộc thi tráng bánh phở, thái bánh, thái thịt sống, thịt chín và tham quan, trải nghiệm tại các quầy tráng và bán phở. Các hoạt động này gắn với hoạt động trải nghiệm của hơn 100 khách mời là phu nhân, đại sứ của nhiều nước đang đóng tại Việt Nam.

Ông Phan Văn Nghi, 80 tuổi, con rể út của cụ Cồ Hữu Vặng, một trong những người đầu tiên mở quán phở ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, cho hay đây là lần đầu tiên làng có hội để tôn vinh nghề phở, món phở của làng to như vậy.

Ông Nghi tự hào, làng Vân Cù là một trong ba ngôi làng được xem là cái nôi của phở Nam Định. 

Nghề nấu phở từng phát triển nhất đất Thành Nam từ đầu thế kỷ 20. Khi ấy, người Pháp đặt Nam Định là thủ phủ công nghiệp đầu tiên của Đông Dương. Hàng chục nghìn công nhân, người lao động đổ về đây và món phở trở thành một thứ quà được bán nhiều nhất ở Nam Định.

Sau đó những người con Vân Cù mang gánh phở đi khắp nơi. Những người con trong làng mang phở lên Hà Nội là cụ Cồ Hữu Vặng, cụ Phan Đăng Chiêm... Con cháu các cụ sau này đang sở hữu những quán phở nổi tiếng Hà Thành như Phở 49 Bát Đàn, Phở Cồ Chiêu, Cồ Cử, Ngọc Vượng...

"Nam Định luôn thu hút du khách thưởng thức món phở, thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực chuẩn hóa phở Nam Định để quảng bá nét độc đáo của phở. Chuẩn từ gạo, lượng thịt bò, lượng gia vị... tạo nên chuẩn hương vị phở xưa Nam Định, chứ không nhầm lẫn với hương vị phở khác. Hiệp hội cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực ngoài phở" - Bà Lê Thị Thiết (chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định).

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vũ Tuấn (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.