Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa là một trong những di sản văn hóa độc đáo của tỉnh Phú Thọ ngày nay. Lễ hội diễn ra vào ngày 14, 15 tháng Giêng hằng năm, trên cánh đồng Lú, cạnh khu vực đàn tịch điền ở phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Đây là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương.
Truyền thuyết Hùng Vương kể rằng, thấy vùng ven sông này sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ, Vua Hùng mới gọi dân đến để dạy cách đắp bờ giữ nước.
Một hôm, các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông, thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền bảo các Mị nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về.
Mùa xuân, Vua cùng con dân đem các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên Vua Hùng đã nhổ mạ lên, đem tới những trà ruộng, lội xuống cấy cho dân xem. Các Mị nương và nhân dân thấy vậy cùng làm theo.
Đời sau, nhân dân nhớ công ơn Vua Hùng đã tôn làm ông tổ nghề nông và dựng đàn Tịch Điền quay lưng về hướng Tây Nam ngay trên mỏm đất Vua ngồi khi dạy dân cấy lúa; đặt kho lương thực trên đồi Lúa, để rạ ở đồi Rơm, đặt tên chợ là Chợ Lú thuộc phường Minh Nông ngày nay.
Phần lễ gồm các nghi lễ cáo yết, cúng Thần Nông tiến hành vào ngày 14 tháng Giêng. Ngày 15 tháng Giêng là chính hội bao gồm nghi thức rước kiệu, tế lễ, lễ nhập vía Vua Hùng và thực hành diễn xướng cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa.
Phần hội với các trò chơi dân gian sôi nổi như: Thi đập niêu, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, thi cấy lúa…
Áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn là chiếc áo dành cho nữ giới quyền quý, trong chốn cung đình và các thiếu nữ trong gia đình...