Lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa ở TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Lê Văn Duyệt, TP.HCM vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa ở TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia - 1

Lãnh đạo TP.HCM và UBND quận Bình Thạnh nhận bằng chứng nhận  Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hôm nay (25/8), UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM đã tổ chức Lễ đón bằng chứng nhận  Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Theo tư liệu, nằm bên cạnh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), lăng Tả quân Lê Văn Duyệt còn có tên gọi dân gian là lăng Ông Bà Chiểu, là nơi chôn cất Tả quân Lê Văn Duyệt, vị Tổng trấn thành Gia Định xưa.

Công trình được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tần vào năm 1949. Không chỉ có quy mô lớn, lăng Ông Bà Chiểu còn là công trình kiến trúc có giá trị văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, từng là biểu tượng của Sài Gòn – TP.HCM.

Lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa ở TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia - 2

Lễ hội Khai hạ - Cầu an được cho là điểm sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ và TP.HCM để cầu mong mưa thuận gió hòa

Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820) và vua Minh Mạng (1820 - 1841), là người đã có công trong sự nghiệp mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là vùng Sài Gòn - Gia Định.

Khi còn giữ chức Tổng Trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm.

Lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa ở TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia - 3

Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, bày tỏ niềm vui, tự hào và gửi lời chúc mừng đến chính quyền và toàn thể người dân tại quận.

Đương thời, Tả quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng đã thực hiện nghi lễ Hạ nêu để cầu mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.

Hiện nay, tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, lễ Khai hạ - Cầu an diễn ra khoảng mồng 7 Tết Âm lịch hàng năm, là một điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ và TP.HCM nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.

Theo đó, trước ngày 30 tháng Chạp, lễ Dựng nêu và lễ Thượng kỳ sẽ được tiến hành để bước sang đầu năm mới sẽ làm lễ Hạ nêu, sắm sửa lễ vật cúng tế trời đất, tổ tiên và trở lại công việc hàng ngày.

Cây nêu trong lễ hội (thường là cây tre) dài 5 - 6 m, được trồng trước sân nhà, trên có treo một vòng tròn nhỏ và nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng theo từng địa phương, được dựng lên với ý nghĩa ngăn không cho quỷ ngoài biển vào đất liền, tránh xa nơi cư ngụ của dân làng.

Lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa ở TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia - 4

Chứng nhận  Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ Hạ nêu hay là Lễ Khai hạ - Cầu an, Khai sơn, Khai bút hay Khai ấn, có nghĩa là ngày bắt đầu lên rừng, ra ruộng hay đến công sở theo kế sinh nhai.

Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội rất sống động, với các tuồng tích như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu... Lý do là khi sinh thời, Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích tuồng San Hậu. Ông cho rằng tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tằng lớp nhân dân về ý thức đạo lý làm người, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt.

Lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa ở TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia - 5

Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn

Tham gia lễ hội, người dân TP.HCM thường xin ấn Tả quân về treo trong nhà như để nhắc nhở con cháu noi gương, học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng của Tả quân và cũng để cầu mong một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT