Sáng Mùng 9 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng nghìn người dân, du khách và Phật tử trên cả nước đổ về Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều để tham dự Lễ khai hội chùa Ngọa Vân.
Đúng 9h sáng 18/2 (Mùng 9 Tết), hàng nghìn người dân, du khách và Phật tử trên cả nước có mặt tại sân chính ga cáp treo chùa Ngọa Vân (Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để tham dự lễ khai hội. Chương trình do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cùng UBND thị xã Đông Triều phối hợp tổ chức.
Tham dự lễ khai hội có Thượng tọa Thích Thanh Quyết, ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban giáo dục tăng ni TW GHPGVN, Phó Viện trưởng thường trực Học viện phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Bắc Kạn, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; Đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh có ông Hoàng Văn Hải(ngoài cùng bên trái), Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều; ông Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều.
Mở đầu là màn biểu diễn võ thuật của hơn 200 võ sinh và đánh trống hội; nhiều tiết mục nghệ thuật diễn ra trong lễ khai mạc thể hiện cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh ôn lại lịch sử tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Sau phần ôn lại lịch sử, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cùng đại diện chính quyền thị xã Đông Triều đánh trống, thỉnh chuông để chính thức khai hội xuân Ngọa Vân – 2024. Sau đó, đại biểu tổ chức dâng hương để tưởng nhớ đến Phật hoàng Trần Nhân Tông và cử hành lễ cầu nguyện Quốc thái dân an.
Chùa Ngọa Vân được coi là thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Đây cũng là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội xuân Ngọa Vân là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn. Đây cũng là dịp đông đảo các tầng lớp nhân dân, Phật tử, du khách hành hương về Ngọa Vân để dâng hương, kính lễ.
Thu Hương, trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, cho biết lần đầu tiên được tham dự lễ khai hội xuân Ngọa Vân. “Em dự định đi tất cả các địa điểm nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều như đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, Đền Thái….để tìm hiểu thêm”, Hương chia sẻ.
Anh Yan cùng vợ là Ana (quốc tịch Hà Lan) đang trong chuyến du lịch bằng xe đạp qua nhiều nước. Đến Ngọa Vân đúng dịp khai hội, anh Yan vô cùng ấn tượng với những lễ hội truyền thống của Việt Nam nói chung và của Quảng Ninh nói riêng.
“Ở đây rất náo nhiệt, người Việt Nam rất thân thiện và dễ gần. Tôi và vợ thấy rất bất ngờ với cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng. Tôi thích nơi này và yêu quý con người, cảnh vật của Việt Nam”, anh Yan chia sẻ.
Theo đại diện Ban tổ chức, trong ngày đầu tiên khai hội xuân Ngọa Vân 2024, có hàng nghìn du khách, Phật tử và người dân đến đây để chiêm bái và lễ Phật.
Trong dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, ném còn, kéo co… cũng được tổ chức để du khách tham gia trải nghiệm.
Lễ hội xuân Ngọa Vân được tổ chức hàng năm là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn; đồng thời là dịp để nhân dân, phật tử, du khách cùng hành hương về Ngọa Vân, Đông Triều - vùng đất Phật trời Nam để dâng hương, kính lễ, tri ân công đức to lớn của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, cùng cầu phúc, cầu tài cho một năm an lạc.
Lễ hội xuân Ngọa Vân 2024 sẽ diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch. Ban Tổ chức lễ hội cũng đảm bảo mọi công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và các phương án về y tế để du khách có một mùa du xuân, lễ hội an toàn khi về với thánh địa Ngọa Vân.