Hàng ngàn người đồng diễn áo dài quảng bá du lịch TP.HCM
Hơn 3.000 người tham gia diễu hành với áo dài nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch TP.HCM năng động, sáng tạo và hấp dẫn.
Hơn 3.000 người tham gia đồng diễn với áo dài Việt Nam tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Sáng 5/3/2023, tại Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng với Hội Liên Hiệp phụ nữ, Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức chương trình diễu hành với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” và họp mặt kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 - 1983 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Đây là một trong các hoạt động chính của khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch TP.HCM đến với đông đảo du khách.
Lễ diễu hành có sự tham gia của lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể và 21 quận huyện, TP Thủ Đức…
Chương trình diễu hành đã quy tụ nhiều người mặc áo dài nhất Việt Nam, với sự tham gia của gần 3.000 người gồm: Lãnh đạo Thành phố, các sở ngành và đoàn thể, Thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện, Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, các đại sứ của Lễ hội áo dài, các văn nghệ sĩ, diễn viên và người dân...
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM phát biểu khai mạc sự kiện.
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết, kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để nhắc chúng ta nhớ về lịch sử dân tộc, tự hào về truyền thống cháu con bà Trưng, bà Triệu, về cuộc khởi nghĩa đầu tiên sau Công nguyên của người dân Âu Lạc do Hai Bà Trưng lãnh đạo, và tiếp nối là những mùa xuân trường chinh giữ nước, dựng xây đất nước.
Tiết mục văn nghệ hào khí dân tộc với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Đây còn là dịp thể hiện lòng biết ơn trước những hy sinh của các nữ anh hùng với những chiến công hiển hách, thắp lên ngọn lửa đấu tranh bằng tinh thần “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, để phụ nữ chúng ta hôm nay tiếp bước truyền thống, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, bản lĩnh phụ nữ thời kỳ hội nhập và phát triển, bà Nguyễn Thị Lệ khẳng định.
Tiếp theo sau lễ khai mạc, đoàn diễu hành gồm hàng ngàn người rực rỡ trong tà ao dài rực rỡ sắc màu tiến về khu vực xuất phát.
Đoàn diễu hành gồm lãnh đạo thành phố, văn nghệ sĩ và người dân diễu hành qua các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn. Tuyến đường đoàn đi qua có các điểm tham quan và công trình kiến trúc độc đáo của TP.HCM như Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở UBND TP.HCM, Nhà hát thành phố, Quảng trường đi bộ…
Dẫn đầu là đội kèn – trống tấu hành nhộn nhịp.
Hoa hậu H’Hen Niê và các đại sứ du lịch đi cùng đoàn diễu hành.
Các thiếu nữ thướt tha trong chiếc áo dài sen.
Di chuyển qua các danh thắng, các ông trình kiến trúc đẹp.
Jonathan đến từ New Zealand phải thốt lên trầm trồ khi chứng kiến hàng ngàn tá áo dài tung bay, thướt tha diễu hành vòng quanh các tuyến đường trung tâm.
Chị Hoài Thương nhà ở Q.4 chia sẻ: “Tôi rất thích mặc áo dài, cho dù đi làm cho đến tiệc tùng, hay bất cứ nơi đâu, hễ có dịp là tôi đều chọn chiếc áo dài để mặc. Theo tôi, giới mày râu cũng nên mặc áo dài vào các dịp lễ tết. Ở nhà tôi đã sắm sửa đầy đủ mấy bộ áo dài cho cả gia đình".
Bảo Trân và các bạn học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Quý Đôn hứng khởi tham dự lễ hội áo dài.
Bảo Trân, học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn hào hứng chia sẻ: "Thường lệ ở trường, học sinh chúng em mặc áo dài vào sáng thứ 2 và thứ 6. Em cũng thích mặc áo dài vào các dịp đi lễ hay đi chùa đầu năm. Hôm nay bọn em tới dự lễ, lại còn được xem tiết mục văn nghệ tái hiện hào khí hào hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, rồi hòa chung đoàn người diễu hành áo dài thật vui và hào hứng, nên cảm thấy vô cùng ý nghĩa và rất vui.
Cảm nhận của em không chỉ phụ nữ mặc áo dài đẹp mà các chú bác khoác lên chiếc áo dài trông cũng rất sang trọng và đẹp. Hôm nay được đến tham dự tại một lễ hội lớn toàn các bà, các cô, các chị mặc áo dài đẹp hết sức. Có mấy chú mặc áo dài trông còn đẹp và tạo dáng hơn nữa".
Hoa hậu H’Hen Niê diện áo dài tại Lễ diễu hành sáng 5/3
Hoa hậu H'Hen Niê - đại sứ Lễ hội Áo dài TP.HCM - cho biết cảm thấy vui, hạnh phúc khi được gặp gỡ và diễu hành cùng các chị em trong tà áo dài xinh đẹp. Hen vinh dự tiếp tục làm đại sứ Lễ hội Áo dài TP.HCM. Hen hy vọng có thể làm tốt vai trò của mình để lan tỏa đến với mọi người về tình yêu áo dài.
Đoàn diễu hành áo dài chụp hình lưu niệm tại các danh thắng.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong tháng 3, hoạt động Lễ hội Áo dài TP.HCM đã góp phần đem đến niềm vui và màu sắc tươi mới, tôn vinh Áo dài Việt Nam, nét đẹp Phụ nữ Việt Nam. Năm 2022 vừa qua, Lễ hội Áo dài TP.HCM cũng là điểm nhấn, đánh dấu sự khởi động sau đại dịch COVID-19. Với khí thế tham gia sôi nổi, nhiệt tình của các dì, các chị, Lễ hội Áo dài lần thứ 8 năm 2022 được đánh giá là thành công tốt đẹp.
Trải qua 8 năm tổ chức, Lễ hội Áo dài TP.HCM đã có nhiều hoạt động sôi nổi được các cấp tổ chức sâu rộng và lan tỏa khắp thành phố nhằm góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu áo dài Việt Nam đến nhân dân Thành phố, kiều bào và khách du lịch quốc tế với thông điệp “Tôi yêu áo dài Việt Nam”.
Tiếp nối những thành công đó, năm 2023, với sự đầu tư quy mô và đổi mới về nội dung, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9 tiếp tục góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu của người dân Thành phố với áo dài Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá về điểm đến TP.HCM, vừa thu hút vừa tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến Thành phố.