Đại lễ Phật Đản ở Huế có những hoạt động nào?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2566 ở Huế có các chương trình chính như: triển lãm văn hóa Phật giáo, ẩm thực chay, diễu hành xe hoa quanh TP Huế và các vùng phụ cận, lễ Mộc dục, rước Phật...

Ngày 28/4, thông tin từ Trung tâm Festival Huế, tiếp tục đồng hành với Festival Huế, Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2566 (từ 8/5 đến 15/5) đang góp phần làm nên tinh hoa cho một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Đại lễ Phật Đản ở Huế có những hoạt động nào? - 1

Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2566 sẽ diễn ra từ 8/5 đến 15/5. Ảnh: BTC

Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Lễ hội mùa Hạ nhằm làm phong phú thêm các chương trình lễ hội diễn ra bốn mùa trong năm, vừa phát huy được các giá trị di sản văn hóa đặc hữu, yếu tố tâm linh, vừa tạo sản phẩm du lịch, hướng đến Tuần lễ Festival Huế 2022 “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển” cuối tháng 6.

Đại lễ năm nay gồm nhiều hoạt động trải khắp các địa điểm Nghinh Lương Đình, Liễu Quán, Quốc tự Diệu Đế, Tổ đình Từ Đàm... với các chương trình chính như: Lễ Thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Hương, triển lãm văn hóa Phật giáo, ẩm thực chay, diễu hành xe hoa quanh thành phố Huế và các vùng phụ cận, lễ Mộc dục, rước Phật và Đại lễ Phật đản chính thức vào ngày 15 âm lịch tại Tổ đình Từ Đàm…

Đại lễ Phật Đản ở Huế có những hoạt động nào? - 2

Đại lễ Phật Đản ở Huế sẽ có những hoạt động. Ảnh: BTC

Đại lễ Phật Đản tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tích cực của mình, thắp sáng niềm tin về một tương lai an lành cho thế giới sau thời gian chống chọi với dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp hòa bình, thịnh vượng, an lạc cho đất nước Việt Nam và toàn thể chúng sinh, nhân loại...

Trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tố quan trọng, tạo nên bản sắc văn hóa Huế.

Đại lễ Phật Đản ở Huế có những hoạt động nào? - 3

Dấu ấn văn hóa Phật giáo in đậm và ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân trên mảnh đất này. Ảnh: BTC

Dấu ấn văn hóa Phật giáo đã in đậm và ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân trên mảnh đất này, nó không chỉ được hiện hữu hóa cụ thể qua những ngôi chùa, niệm phật đường, hay những món ăn chay, mà còn được hiện diện qua hệ thống các lễ hội Phật giáo. Tiêu biểu trong số các lễ hội đó là lễ Phật đản.

Lễ hội Phật Đản Huế ngoài các nghi thức tôn giáo tại các chùa và tự viện, còn bao gồm các chương trình mang tính xã hội như hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Thánh tử đạo, chương trình nghệ thuật, triển lãm, ẩm thực chay, diễu hành xe hoa, hoạt động thiện nguyện…

Đại lễ Phật Đản ở Huế có những hoạt động nào? - 4

Đại lễ năm nay gồm nhiều hoạt động trải khắp các địa điểm Nghinh Lương Đình, Liễu Quán, Quốc tự Diệu Đế, Tổ đình Từ Đàm... Ảnh: BTC

Trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, các cổng làng, cổng xóm, tư gia đều được trang hoàng cờ đèn, tạo thành một khung cảnh linh thiêng và không khí hân hoan của người dân xứ Huế đón chào mùa Phật đản.

Lịch trình Đại lễ Phật đản 2022 (Phật lịch 2566):

Ngày 8/5:

16h: Khai mạc triển lãm Văn hóa Phật giáo tại Trung tâm Liễu Quán

19h: Lễ thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Hương cầu Quốc thái Dân an

Ngày 9-13/5

Lễ Chính thức Đại lễ Phật đản tại Hương Trà, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền và Phú Vang.

Ngày 13/5:

16h: Khai mạc Ẩm thực chay tại Trung tâm Liễu Quán

17h: Khai mạc xe hoa, văn nghệ tại Nghinh Lương Đình

Ngày 14/5:

17h: Lễ Mộc dục tại chùa Diệu Đế, rước Phật đến chùa Từ Đàm

Ngày 15/5:

6h: Lễ Chính thức Đại lễ Phật đản tại Tổ đình Từ Đàm

18h: Diễu hành xe hoa trong thành phố Huế và vùng phụ cận

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.