Nhiều hoạt động tại Festival Dừa sáp tại Trà Vinh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, dừa sáp có cơm dày và dẻo, khi thưởng thức sẽ khiến thực khách nhớ mãi.

Tối 25/8, tại huyện Cầu Kè, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh. Lễ hội này diễn ra từ ngày 25 - 31/8 với các hoạt động phong phú, hấp dẫn như hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp để xác lập kỷ lục (27/8), trưng bày trái cây đặc sản của địa phương (25-31/8), hội thảo về thực trạng và tiềm năng dừa sáp (26/8), tọa đàm du lịch với chủ đề "Cầu Kè - tiềm năng ven sông Hậu" (30/8).

Tại lễ khai mạc Festival, Cục Sở hữu trí tuệ đã trao "Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm trái dừa sáp tỉnh Trà Vinh" cho UBND tỉnh Trà Vinh.

Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh còn được tổ chức phối hợp với sự kiện Tuần lễ Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024. Tuần lễ Vu Lan Thắng hội diễn ra từ ngày 27-31/8 với các hoạt động chính như hội chợ thương mại, không gian ẩm thực, liên hoan lân sư rồng, trưng bày hình ảnh lễ Vu Lan Thắng hội, hoạt động thể thao và trò chơi dân gian, hoạt động tín ngưỡng Ông Bổn.Nhiều hoạt động tại Festival Dừa sáp tại Trà Vinh - 1Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn phát biểu tại lễ khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp. Ảnh: Việt Tường.

Phát biểu tại lễ khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết địa phương này có nhiều loại cây trái, đặc sản, trong đó đặc biệt nhất là dừa sáp. Dừa sáp Trà Vinh có nguồn gốc cách đây 100 năm.

Theo tài liệu ghi chép và được lưu giữ, vào năm 1924, hòa thượng Thạch Sô đã mang giống dừa từ nước ngoài về trồng tại huyện Cầu Kè và nơi đầu tiên cây dừa sáp được trồng là chùa Botumsakor (Bô Tum Sa Cô), nơi mà người dân địa phương quen gọi là chùa Chợ của thị trấn Cầu Kè.

Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của vùng đất Cầu Kè, cây dừa đã cho trái sáp. Về hình thức bên ngoài, dừa sáp cũng giống như những trái dừa bình thường khác, tuy nhiên, bên trong lớp cơm dừa sáp dày, dẻo chiếm gần hết trái với một ít nước dừa đặc.

Dừa sáp là một trong các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, dừa sáp trở thành loại cây trồng được chú trọng và không ngừng tăng diện tích, sản lượng.

"Dừa sáp được chế biến thành các món ăn ngon, bổ dưỡng khác nhau với hương vị đặc trưng mà khi thưởng thức sẽ làm thực khách nhớ mãi", ông Lê Văn Hẳn nhấn mạnh.

Với những giá trị mà dừa sáp mang lại, tháng 8/2012, dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh chính thức được đưa vào danh sách là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam). Ngày 5/8 vừa qua, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận "cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là cây dừa Việt Nam" và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm trái dừa sáp tỉnh Trà Vinh. Đây là điều kiện tốt nhất để dừa sáp Trà Vinh phát triển và lan tỏa vươn xa trong tương lai.Nhiều hoạt động tại Festival Dừa sáp tại Trà Vinh - 2Dừa sáp mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Việt Tường.

Trong thời gian qua, tỉnh Trà Vinh chú trọng phát triển hàng trăm sản phẩm có giá trị liên quan đến cây dừa. Riêng đối với dừa sáp có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP tiềm năng 5 sao (kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp ca cao) và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao (dừa sáp sợi) và đặc biệt là dừa sáp được chế biến rất nhiều món ăn ngon tốt cho sức khỏe.

Trong chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản. Bên cạnh đó, Trà Vinh còn có định hướng xây dựng thương hiệu dừa sáp Trà Vinh với những mục tiêu như quy hoạch vùng trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP, phát triển cơ sở hạ tầng.

Áp dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỷ lệ sáp cao, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng dừa sáp để tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú, đủ sức cung cấp cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách của Trung ương, địa phương trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, chứng nhận, đánh giá, quản lý vùng dừa sáp của tỉnh trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số nhằm minh bạch thông tin trong giao dịch, kinh doanh. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng các cơ sở thu mua và chế biến tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị sản phẩm...

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng nhấn mạnh rằng Festival Dừa sáp là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu, giá trị của dừa sáp và khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra các thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp tăng cường công tác giao lưu, liên kết phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh.Nhiều hoạt động tại Festival Dừa sáp tại Trà Vinh - 3Đại biểu tham quan gian hàng của doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, chế biến từ dừa. Ảnh: Việt Tường.

Với mục tiêu xây dựng Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL, là trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo quốc gia, với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến người dân và doanh nghiệp", Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh kêu gọi và mong muốn được hợp tác phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa.

"Trà Vinh luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư. Đến với Trà Vinh, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai", ông Lê Văn Hẳn nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Khang

CLIP HOT