Nghề đan võng truyền thống cây Ngô đồng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Từ ngày 5 đến ngày 11/8, UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức Festival “Cù Lao Chàm - Mùa Ngô đồng đỏ” 2024 và đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống đan võng Ngô đồng ở Cù Lao Chàm.
Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động Festival biển “Hội An – Cảm xúc mùa hè 2024” nhằm hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia Năm Du lịch Quốc gia 2024, điểm nhấn, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Cù Lao Chàm.
Ảnh: Minh Quân.
Sự kiện sẽ tái hiện lại những nét đẹp văn hóa và các hoạt động thể thao mang đậm chất đặc trưng của người dân xứ đảo thông qua các hoạt động chính: Triển lãm ảnh và vãng cảnh “Vườn hoa Ngô đồng”; Trưng bày các sản phẩm và trình diễn nghề đan võng Ngô đồng; Chương trình đêm Cù Lao; Phiên chợ kết nối sản vật Cù Lao Chàm “Món ngon xứ đảo”; Giải đua ghe ngang xã Tân Hiệp; Trại hè San hô. Đặc biệt, khoảng 9h30 ngày 6/8 sẽ diễn tra đêm khai mạc Festival “Cù Lao Chàm – Mùa Ngô đồng đỏ” 2024, đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống đan võng Ngô đồng.
Nhiều năm qua, Cù Lao Chàm được biết đến nhiều hơn với danh xưng “hòn đảo hoa Ngô đồng”. Ngô đồng là loài cây vững chãi mọc lên từ đá núi, càng khô cằn và nắng hạn hoa lại nở màu rực rỡ phủ bóng đỏ rực nổi bật trên nền trời biển Cù Lao Chàm.
Ngô đồng gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân Cù Lao Chàm từ xa xưa với nghề đan Võng Ngô đồng. Trải qua bao đời gìn giữ, bằng tình cảm yêu nghề của các nghệ nhân và sự nổ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghề đan võng Ngô đồng đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống Nghề đan võng Ngô đồng ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hoa Ngô đồng đã dần trở thành một biểu tượng của Cù Lao Chàm và vì thế cũng được chọn làm chủ đề chính cho lễ hội Festival hàng năm, mang theo sứ mệnh quảng bá cảnh quang biển đảo, đa dạng sinh học từ rừng đến biển gắn với nền văn hoá bản địa đặc sắc cùng lối sống bền vững của người dân Cù Lao Chàm đến với du khách.
Ảnh: Minh Quân.
Theo ban tổ chức, dự kiến cho Festival ngô đồng du khách không chỉ thưởng thức hoa ngô đồng, được ngắm mặt trời nhô lên từ mặt biển, ngắm hoàng hôn rơi xuống xuống chân trời hay ngắm trăng lên từ đỉnh núi mà còn được đắm mình với biển xanh, lặn ngắm san hô, tham quan cảnh vật và thưởng thức hải sản tươi ngon xứ đảo...
Ảnh: Minh Quân.
Một trải nghiệm không kém phần độc đáo là du khách đén festival này sẽ được tham gia trải nghiệm đan võng ngô đồng. Từ rất lâu, dân Cù Lao Chàm biết dùng vỏ cây ngô đồng, ngâm trong nước rồi đánh sợi, đan võng. Loại võng này hoàn toàn làm thủ công, hơn một tháng trời mới đan xong một tấm võng.
Người sành điệu hiểu về sự tinh tế của những nghệ nhân làng làm ra chiếc võng ngô đồng không tiếc tiền khi chi đến vài triệu đồng để sở hữu nó.
Không chỉ có võng ngô đồng, hạt loại cây này cũng được chiết xuất tinh dầu làm kem dưỡng da cho phụ nữ...
Hiện cây ngô đồng tại Cù Lao Chàm được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Tương truyền rằng, thuở xưa vua Phục Hy tình cờ bắt gặp tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng. Đúng khoảnh khắc đó, chim Phượng hoàng liền bay xuống đậu. Biết Phượng hoàng là vua của các loài chim, nhà vua tin rằng cây ngô đồng này hấp thụ tinh hoa của trời đất, là loại gỗ linh có thể chế được đồ nhã khí, liền cho người hạ cây, cắt làm ba đoạn để phân tam tài (thiên - địa - nhân).
Đoạn ngọn, tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn giữa là tiếng nghe hài hòa, vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Nhà vua cho người lấy đoạn giữa thân cây ngâm nước bảy mươi hai ngày đêm, rồi chọn ngày tốt chế làm nhạc khí, đặt tên là Dao cầm. Kỳ lạ thay, đàn lên có thể làm vượn nghe nín kêu, hổ nghe thôi gầm…
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, chính vì quá tôn thờ loài cây cao quý, vua Minh Mạng đã đem đôi cây ngô đồng về trồng hai bên góc điện Cần Chánh (Đại Nội Huế) với ước mong được thấy chim Phượng hoàng về đậu. Không những thế, khi cho đúc cửu đỉnh, để tỏ ra "ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại”… nhằm tượng trưng cho đế nghiệp bền vững của nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc trên chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình – tức là Nhân đỉnh – các họa tiết thể hiện cây ngô đồng.
Cũng từ truyền thuyết đó, ngô đồng được mệnh danh là vua của các loài cây, là biểu tượng của bến đỗ an yên, thái hòa và tôn quý.