Kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015) Báo chí cách mạng Việt Nam 90 năm đồng hành cùng dân tộc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 21/6/1925, báo Thanh niên, cơ ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ra số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, mở đường cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển. Ngày 21/6 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam. 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ, luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, của Đảng; thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015)  Báo chí cách mạng Việt Nam  90 năm đồng hành cùng dân tộc - 1

Bác Hồ đọc báo Nhân dân ở chiến khu Việt Bắc năm 1951 (Ảnh : Tư liệu)

Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành chính quyền, Hồ Chủ tịch cùng các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng đã trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm báo, đồng thời chăm lo bồi dưỡng đội ngũ những người viết báo chuyên nghiệp, đón trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả các mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu. Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, oanh liệt của cách mạng Việt Nam để giành và giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, báo chí cách mạng đã đồng hành với lịch sử dân tộc 90 năm qua, báo chí cách mạng được xem là một vũ khí chiến đấu cực kỳ quan trọng, thúc đẩy cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển và giành thắng lợi.

Báo chí cách mạng thực sự là cuốn sử biên niên cập nhật những diễn biến lịch sử trọng đại của dân tộc, mô tả trung thực và hùng hồn sự thật lớn vẻ vang, thấm đẫm máu, nước mắt và mồ hôi của một dân tộc thấm nhuần và sẵn sàng hy sinh tất cả cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, để vươn tới mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hơn 400 nhà báo anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến đó để kịp thời chuyển tải những dòng tin, ảnh nóng ở chiến trường tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Sự hy sinh của họ tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới. Trong điều kiện đất nước bị tàn phá sau 30 năm chiến tranh, trong cơ chế bao cấp, lại bị bao vây, cấm vận, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tuy hoàn cảnh lúc đó thiếu thốn về mọi mặt, báo chí đã là một lực lượng xung kích trong việc tìm tòi cơ chế quản lý mới, phát hiện và ủng hộ những điển hình năng động, sáng tạo.

Kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015)  Báo chí cách mạng Việt Nam  90 năm đồng hành cùng dân tộc - 2

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm tự phê bình và quyết định khởi xướng công cuộc đổi mới. Sau đó, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết loạt bài đăng trên báo Nhân dân trên chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Báo chí như được thổi một luồng sinh khí mới. Nhiều bài phóng sự, điều tra, chính luận đã phản ánh và phân tích những vướng mắc, những hiện tượng tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh và trong đời sống xã hội. Báo chí cũng đã bắt đầu có sự chuyển biến, năng động, phấn đấu vươn lên tự đổi mới, mà trọng tâm là đổi mới thông tin.

Gần 30 năm qua, công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong những thành tựu đó, những người làm báo Việt Nam tự hào với những đóng góp của mình. Báo chí kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những sáng kiến, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, làm cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân. Báo chí đã nâng lên lòng nhân ái, những truyền thống quí báu trong đạo lý con người Việt Nam, góp phần làm cho cuộc sống tinh thần của nhân dân ta ngày càng thêm phong phú. Báo chí góp phần đưa thế giới gần lại, đưa hình ảnh Việt Nam vươn tới mọi phương trời. Đồng thời, báo chí tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống các tệ nạn xã hội, chống lại các âm mưu và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015)  Báo chí cách mạng Việt Nam  90 năm đồng hành cùng dân tộc - 3

Bác Hồ làm việc với báo Sự Thật ở Việt Bắc (Ảnh : Tư liệu)

Theo đà phát triển của công cuộc đổi mới đất nước, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, báo chí của các cơ quan trung ương, địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, trường đại học, viện nghiên cứu… có cả 4 loại hình là báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Báo chí đang phát triển ngày càng mạnh mẽ với hơn 830 cơ quan báo chí in gồm hơn 1.100 ấn phẩm báo và tạp chí, tổng số lượng phát hành khoảng 650 triệu bản trong một năm; 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Hệ thống truyền hình trả tiền sử dụng 04 loại công nghệ truyền dẫn, phát sóng với số lượng thuê bao tăng theo từng năm (đạt hơn 6,6 triệu thuê bao năm 2013). Cả nước có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, hơn 20.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và khoảng hơn 5.000 phóng viên đang hoạt động nhưng chưa đủ điều kiện được cấp thẻ nhà báo. Đội ngũ những người làm báo không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về chất lượng, hầu hết đã tốt nghiệp đại học trở lên, khoảng 41% được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí. Những kết quả đó đã góp phần đưa nền báo chí cách mạng nước ta ngày càng tiếp cận với những chuẩn mực của một nền báo chí chuyên nghiệp và hiện đại.

Kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015)  Báo chí cách mạng Việt Nam  90 năm đồng hành cùng dân tộc - 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Nhà báo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (Tháng 9 năm 1960) (Ảnh : Tư liệu)

90 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc và góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng cho lực lượng báo chí chính là sự ghi nhận những đóng góp to lớn đó của báo giới.

                                                            

                       Th.S. PHẠM PHÚ BÌNH 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT