Kết quả Cuộc Vận động Sáng tác Ngành Cao su

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với mục đích tuyên truyền sâu rộng, khẳng định và quảng bá thương hiệu Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam sau khi vinh dự đón nhận Huân Chương Sao Vàng; để kỷ niệm năm thứ 116 cây cao su có mặt ở Việt Nam (1897 – 2013) và thiết thực chào mừng 84 năm ngày Truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2013), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã mở Cuộc Vận động Sáng tác Thơ – Ký – Nhạc về Ngành Cao su

Kết quả Cuộc Vận động Sáng tác Ngành Cao su - 1

Đây là lần đầu tiên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mở Cuộc vận động Sáng tác về ngành với qui mô tổng hợp: vừa mang tính báo chí (Ký) vừa mang tính văn học nghệ thuật (với các thể loại Thơ, Nhạc, Vọng cổ). Riêng phần Nhạc có 2 dòng: ca khúc Truyền thống và ca khúc Trữ tình.

Cuộc Vận động Sáng tác được khởi động từ tháng 1/1013, đến ngày 31/7/2013 là hết hạn nhận tác phẩm.

Ban tổ chức đã nhận được:

350 bài Thơ,

51 bài Ký,

44 bài Vọng cổ

200 Ca khúc. Trong đó có 80 bài Truyền thống.

 

Kết quả: 

- Thể loại THƠ: Có 15 Giải A và 28 Giải B

- Thể loại KÝ: 10 Giải A và 17 Giải B

- Thể loại VỌNG CỔ: 06 Giải A và 12 Giải B

- CA KHÚC TRUYỀN THỐNG: 10 Giải A và 3 Giải B

- CA KHÚC TRỮ TÌNH: 10 Giải A và 10 Giải B

 Qua kết quả cuộc Vận động sáng tác, Ban Tổ chức đã biên tập và in ấn Tuyển tập Thơ “Như dòng sữa mẹ”, Tuyển tập Ký “Cao su – tình đất, tình người” và thực hiện 3 CD nhạc: “Âm vang dòng nhựa trắng”, “Khát vọng xanh” và “Đến với yêu thương”. Đây là món quà nhiều ý nghĩa, có thể ví như là “công trình văn hóa” được ra mắt trong dịp Lễ Kỷ niệm 84 năm Ngày Truyền thống ngành Cao su (28/10/1929 – 28/10/2013).

 

***

Bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể, bằng các chuyến đi thực tế miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, bằng con đường truyền thông rộng rãi trên các báo địa phương, trung ương, trên internet và trên đài phát thanh FM… nhờ vậy, nội dung cuộc thi đã “phủ sóng” khắp các vùng miền trong cả nước. Từ Sơn La, Lai Châu, Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng đến Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đông đảo tác giả là những nhạc sĩ, nhà báo, nhà thơ và soạn giả chuyên nghiệp từ khắp mọi miền đất nước đã gửi bài tham dự. Mặc dù ai cũng kêu “viết về đề tài cao su thật không dễ chút nào”. Cuộc Vận động Sáng tác về ngành cũng đã tạo niềm hứng khởi trong các ngòi bút cây nhà  lá vườn ở các công ty nông trường. Có khoảng 20% tác phẩm của anh chị em là cán bộ công nhân cao su.

Trước khi gửi đến Hội đồng Thẩm định Tuyển chọn, tất cả các bài tham dự đều được Ban tổ chức cẩn trọng “rọc phách” - không nêu tên tác giả, chỉ đánh số thứ tự. Ban giám khảo đã làm việc một cách công tâm, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao.

 Kết quả Cuộc Vận động Sáng tác Ngành Cao su - 2

* Về thể loại THƠ

Dù chỉ nói về một chủ thể là cao su, nhưng sự phong phú, đa diện của “vàng trắng” - từ vùng đất đến con người và qua các công việc cụ thể cùng với những suy tư chia sẻ của người trong cuộc và cả người ngoài cuộc - đã làm nên một cuộc vận động sáng tác có số lượng và chất lượng tốt đến bất ngờ. Có đến 350 bài thơ gửi tham dự của cả trăm tác giả (mỗi tác giả gửi từ 1 – 4 bài). Đây quả là một con số rất ấn tượng. Với những tác giả chuyên nghiệp, với những chuyến đi thực tế vào môi trường cao su đã giúp các nhà thơ hiến tặng cho ngành “công nghiệp vàng trắng” những câu thơ sâu sắc, ý thơ sáng dằng dặc, đầy sự suy ngẫm đời cây – đời người. Đây cũng là “sân chơi văn hóa” lành mạnh bổ ích của người công nhân. Điều đó thể hiện qua những vần thơ thô ráp chất liệu cuộc sống của những tác giả - công nhân trực tiếp viết từ các nông trường gửi lên dự thi, có những bài viết tay của những người cán bộ hưu trí được gửi qua bưu điện từ những thôn quê xa xôi. Lời thơ tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng được chắt từ đáy lòng, như là lời thủ thỉ tâm tình chia sẻ vui buồn với “những người bạn thân thiết” đang trào dâng dòng nhựa sống… Điều đó đã minh chứng một tình yêu mãnh liệt và niềm tự hào sâu sắc của người công nhân hôm nay về ngành nghề và vùng đất mình đang gắn bó.

Phần lớn những bài thơ  đều đề cập đến Người – Đất – Cây cao su. Và lồng vào đó là lời của trái tim, là tình yêu đất nước, là cái tình giữa con người với con người, là tình yêu đôi lứa… Cái tình luôn là “Ngọc” trong vườn thơ. Và trong “khu vườn mênh mông có rất nhiều loại hoa” ấy, Hội đồng Thẩm định đã chọn được 144 bài thơ vào vòng chung khảo để in thành Tuyển tập và thật vất vả khi phải “cân đong đo đếm” để chọn ra 15 giải A, 28 Giải B đồng hạng. Số giải thưởng đã vượt 1/3 dự kiến ban đầu.

 * Về thể loại KÝ

Mặc dù số lượng bài còn khiêm tốn (51 bài), nhưng nhân vật được phản ảnh khá rộng, trên nhiều lĩnh vực: từ người tổ trưởng cần mẫn nơi vườn ươm, người bảo vệ có trách nhiệm cao; đến người giám đốc công ty, nông trường hết lòng vì công việc, vì đời sống người lao động; đến cả các anh chị cán bộ kỹ thuật kiên trì trong khoa học để tìm ra giống mới đạt năng suất chất lượng cao hơn; những người công nhân bám trụ và làm giàu bằng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình… Nhìn chung, nội dung trong mỗi bài viết đã nêu được cái đẹp, cái đáng trân trọng của những gương điển hình tiên tiến, của những con người mẫu mực trong lao động sản xuất, trong đời sống thường nhật, trong tình người, tình đời… Tuy có những câu chuyện chỉ còn đang ở mức ghi chép, hoặc dạng bài người tốt việc tốt. Nhưng tất cả những những nhân vật có thật ấy – được tác giả đặt trên trang giấy trắng như những viên ngọc thô mà lấp lánh, chân thật biết dường nào! Những nhân vật trong các bài Ký, dù được viết hay hoặc chưa thật hay, đều có nội dung lành mạnh, giàu tình nhân ái, đức hy sinh vì công việc, vì cuộc sống cho hôm nay và cho cả mai sau. Một số bài viết đã mở ra một không gian rộng ngoài Tập đoàn Công nghiệp Cao su và nêu được tính lịch sử xã hội của một thời kỳ; có một số bài nói về những người chủ tiểu điền đã sống hết lòng với cây cao su.

Điểm nổi bật trong nội dung các bài viết cũng cần nhấn mạnh là nét đẹp truyền thống của tính cách người công nhân cao su. Họ là những con người biết xả thân vì sự nghiệp cao cả của ngành. Những con người trong các bài Ký không chỉ đổ mồ hôi, sức lực mà đổ cả xương máu vì sự nghiệp cao cả của công nhân cao su! Có thể nói, nhân cuộc thi viết Ký này, những nhân vật lịch sử ấy lại hiện lên mang tính giáo dục rất thuyết phục, nhất là đối với lớp công nhân trẻ hiện nay.

Một số bài viết có hình thức thể hiện khá bài bản, súc tích, sáng sủa, có chiều sâu, gây cho người đọc sự lôi cuốn, xúc động nhất định. Có bài không đi vào nhân vật cụ thể nào, không phản ánh một đơn vị nào nhất định, nhưng xuyên suốt bài viết là cái nhìn tổng quan về một ngành kinh tế lớn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Bài viết chứng tỏ người viết có tay nghề vững, giọng văn chính luận nhưng gây được cảm xúc, cuốn hút. Hầu hết các tác giả đoạt giải là những nhà báo thường xuyên lặn lội ở vùng nông thôn, hoặc đã tham gia các chuyến đi thực tế do Tập đoàn tổ chức.

Tuy nhiên, ngoài những mặt tốt, mặt được rất quý đã nêu trên, chúng ta thấy cái yếu, cái chưa được của thể loại Ký này cũng hiện lên rất rõ. Đã viết Ký báo chí là phải thật. Nhưng đây là cái thật được chắt lọc, sàng sãy từ đời sống để tính cách nhân vật hiển hiện rõ mồn một, lung linh, giàu cảm xúc và sức thuyết phục - chứ không phải cái thật đơn thuần bằng lý lịch nhân vật, bằng cộng trừ số lượng và từ ngữ hô hào chung chung. Một vài bài viết đọc xong có cảm giác người viết sao chép đơn giản, hoàn toàn không gắn cái tâm, cái cảm của tác giả với nhân vật, khiến cho nhân vật trong bài cứ cứng đơ, chỉ có xương mà không có cốt, có hồn. Cũng dễ hiểu thôi, thời gian dành cho cuộc thi còn ngắn, còn mỏng quá nên người viết, kể cả chuyên và không chuyên chưa có đủ thời gian mà tư duy, mà cảm tác, mà chọn lọc… 

Trong thời gian vận động sáng tác, Ban tổ chức đã có công văn yêu cầu các đơn vị chọn lọc các tấm gương điển hình cá nhân và tập thể tiêu biểu và viết bài giới thiệu. Tuy có một số đơn vị quan tâm gửi về, nhưng chỉ là báo cáo thành tích chứ không phải là bài Ký. Còn một điểm vẫn chưa được như mong muốn của Ban Tổ chức nữa, đó là diện bài phản ánh còn hẹp. Số lượng bài viết phần lớn chỉ tập trung ở miền Đông Nam bộ và một số bài ở vùng đất Tây Nguyên. Cao su trên đất Bạn Lào và Cam-pu-chia hầu như chỉ có 1-2 bài . Các vùng đất mới mở ở phía Bắc thì hoàn toàn vắng bóng. Cũng dễ hiểu, vì điều kiện thời gian eo hẹp, vì các “tay viết chuyên nghiệp” không có điều kiện tự đến những vùng xa xôi như thế.

Để cây cao su phủ xanh trên những vùng đất mới nhiều khó khăn thử thách ấy, đã có những cán bộ công nhân tích cực vượt lên chính mình, đối mặt với gian lao thiếu thốn và chịu đựng hy sinh thiệt thòi… Họ đáng được tôn vinh khích lệ bằng nhiều hình thức. Hy vọng rằng, thời gian tới, Lãnh đạo ngành sẽ tạo điều kiện giúp các cây bút có những chuyến đi thực tế sáng tác ở vùng đất khó khăn heo hút.

* Về Vọng cổ

 Có 44 bài ca cổ. Khá đông tay viết là dân từ Đồng Bằng Sông Cửu Long như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang gửi bài tham dự. Ở miền Đông có Đồng Nai, Bình Dương. Có cả tác giả từ Quảng Nam, Quảng Bình. Hầu hết tác giả đều là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương. Cả 2 vị Soạn giả dày dặn kinh nghiệm là Minh ThùyNgô Hồng Khanh đều hết lời khen ngợi: “So với một số cuộc thi khác tuy treo giải thưởng cao hơn nhưng bài viết không tốt hơn. Chúng tôi không ngờ, viết về ngành cao su, lại có rất nhiều bài tốt như thế này. Chắc là Ban tổ chức phải mở thêm giải thưởng…”. Nhiều bài còn được khen có chiều sâu và mang tính văn học. Và Ban tổ chức cũng đã mở thêm giải thưởng so với dự tính ban đầu.

* Về nhạc

 Như trên đã nói, có 2 dòng, một là ca khúc truyền thống mạnh mẽ hào hùng và một là ca khúc trữ tình êm đềm đi vào lòng người. Các hay của Cuộc Vận động sáng tác lần này là chúng ta tổ chức cả Thơ cả Nhạc, lại có sự hỗ trợ từ trang Web của Tập đoàn và trang Web Giai Điệu Xanh đăng các bài viết và bài thơ để các tác giả tham khảo, nên nhiều nhạc sĩ tuy chưa đặt chân đến vùng cao su cũng có thể mượn cảm xúc từ những bài thơ để cho ra đời những ca khúc đẹp. Với số lượng gần 200 ca khúc, hầu hết tác giả là các nhạc sĩ chuyên nghiệp từ nhiều địa phương trong cả nước, chứ không chỉ những tác giả trong vùng cao su. Nhiều nhất là các nhạc sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cũng có không ít nhạc sĩ không chuyên - chứng tỏ phong trào “tự biên tự diễn” trong ngành cao su khá mạnh, đáng được trân trọng hoan nghênh.

Khá nhiều bài hát có ca từ hay và giai điệu đẹp hòa quyện với nhau. Số lượng giải thưởng thì có hạn. Quả thật, đây là một cái “Khó! Rất khó!” cho sự tuyển chọn của Hội đồng Thẩm định. Cho nên, tuy dự định ban đầu chỉ chọn 10 giải A đồng hạng cho từng dòng nhạc để làm 2 đĩa và không có giải B, nhưng cuối cùng thì Ban Tổ chức và Hội đồng Thẩm định đã nhất trí trao thêm 3 giải B ca khúc Truyền thống và 10 giải B ca khúc Trữ tình - để thay lời cảm ơn các nhạc sĩ trong cả nước đã dành tình cảm chân thành cho Tập đoàn Cao su, đã hào hứng và hết lòng tham gia cuộc chơi văn nghệ mang tính chuyên ngành này.

Ngoài ra, các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo trong Hội đồng Thẩm định Tuyển chọn và thành viên Ban Tổ chức cũng đã hào hứng viết bài để Hưởng ứng cuộc Vận động. Những bài hưởng ứng này là tình cảm chân thành chia sẻ cùng ngành cao su. Các ca khúc cũng đã kịp vang lên hòa nhịp để chúc mừng sự thành công của Cuộc Vận động sáng tác.

Cũng nên nhắc lại điều mong muốn của Ban Lãnh đạo Tập đoàn, là mong tìm được những ca khúc Truyền thống thật hay, lời ca nêu được chất hào hùng mang tính lịch sử của Ngành Cao su VN, lòng tự hào và quyết tâm của người công nhân trong việc xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, khẳng định cao su là một ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước… Bài hát truyền thống cần có giai điệu đẹp, tiết tấu hùng tráng; có thể hát đơn ca, hợp ca, đồng ca – nhằm tạo khí thế sôi nổi, hào hứng trong những dịp lễ hội, sinh hoạt và các hoạt động phong trào tại từng đơn vị và toàn ngành. Điều này thì bước đầu đã đạt được, thông qua Kết quả tuyển chọn làm CD “Âm vang dòng nhựa trắng”. Nhưng để tìm được bài hát thật sự xuất sắc, được đông đảo cán bộ công nhân cao su yêu thích - để chọn làm Bài hát Truyền thống chính thức của ngành Cao Su Việt Nam - thì cần phải làm cho các bài hát lan tỏa rộng khắp các đơn vị qua phong trào văn nghệ ở từng tổ đội sản xuất, từng nông trường đến các công ty. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có thời gian để các bài hát thẩm thấu vào lòng người nghe, không thể đòi hỏi một sớm một chiều mà có ngay được.

 Kết quả Cuộc Vận động Sáng tác Ngành Cao su - 3

 Trong hoàn cảnh kinh kế cả thế giới trì trệ, giá bán mủ cao su giảm thấp so với các năm trước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhất là trong sản xuất và kinh doanh, điều đó ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống cán bộ công nhân viên trong ngành và gia thuộc. Bên cạnh đó, các đơn vị ở miền Trung và miền Bắc còn chịu tác động khá nặng nề bởi thời tiết, mưa lũ, bão chồng lên bão… Thế nhưng, Ban lãnh đạo Tập đoàn vẫn quan tâm, trực tiếp chỉ đạo cuộc Vận động sáng tác; ngoài ra còn tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho các nhà thơ, nhà báo, văn nghệ sĩ đi xuống cơ sở để nắm bắt cuộc sống đa dạng phong phú của người lao động sản xuất; để thấu hiểu phần nào máu thịt, tình đất, tình người; để sưu tầm, lắng nghe âm vang truyền thống bất diệt của lớp lớp công nhân cao su quên mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đây quả là một điều rất đáng trân trọng! Kết quả cuộc thi cũng chứng tỏ tính bền vững toàn diện của ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, không chỉ quan tâm phát triển hiệu quả trên mặt trận sản xuất kinh doanh mà còn luôn luôn coi trọng lĩnh vực đời sống tư tưởng, văn hóa văn nghệ cho quần chúng cán bộ công nhân viên chức trong ngành.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn: hơn 1 tháng để chấm giải (chia ra làm 2 đợt) và hơn 1 tháng cho việc biên tập, thiết kế đến in ấn tuyển tập Thơ “Như dòng sữa mẹ” và tuyển tập Ký “Cao su – tình đất, tình người”; song song đó là việc mời nhạc sĩ hòa âm phối khí và mời ca sĩ thu âm thực hiện 3 CD “Âm vang dòng nhựa trắng”, “Khát vọng xanh” và “Đến với yêu thương” - để kịp ra mắt đúng dịp kỷ niệm 84 năm ngày Truyền thống ngành. Đây là một sự cố gắng vượt bậc của Ban Thi đua Tuyên truyền Văn thể và sự chuyên nghiệp tận tụy của các thành viên Tiểu ban Vận động Sáng tác (mặc dù nhân sự rất mỏng manh), vì song song trong thời gian này Tập đoàn còn tập trung lo tổ chức Hội diễn nghệ thuật CNVCLĐ ở cả 4 khu vực trải dài từ Lai Châu đến Dak Lak, Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh.

 Có thể khẳng định Cuộc Vận động sáng tác ngành cao su đã thành công mỹ mãn. Những sản phẩm văn hóa rất đẹp về nội dung lẫn hình thức là món quà nhiều ý nghĩa để Chào mừng năm thứ 116 cây cao su có mặt ở Việt Nam, chào mừng Lễ Kỷ niệm 84 năm Ngày Truyền thống ngành Cao su (28/10/1929 – 28/10/2013), là sự động viên khích lệ tinh thần CBCN nhằm phát huy hiệu quả tích cực của phần thưởng Huân Chương Sao Vàng cao quí. Cuộc thi tuy đã khép lại, nhưng sức sống vẫn còn phát triển bền bỉ theo thời gian. “Chúng ta tin tưởng rằng Cao su Việt Nam sẽ phát triển rộng hơn, xa hơn, đồng hành cùng đất nước và làm giàu cho Tổ Quốc. Âm nhạc phục vụ Ngành Cao su sẽ nhịp nhàng vang lên hoà cùng sự phát triển của đất nước” (*). Chúng ta tin rằng, cả Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ đoàn kết cùng nhau vượt qua những khó khăn thử thách trước mắt, tiếp tục phát triển bền vững và ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của xã hội và đất nước, khẳng định thương hiệu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trên thị trường thế giới.

 BAN THI ĐUA TUYÊN TRUYỀN VĂN THỂ

(*) Ý của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn – Chánh Chủ khảo Hội đồng Thẩm định Tuyển chọn thể loại ca khúc.                       

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT