"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" – Một tình yêu dang dở trong cơn sóng chiến tranh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, một lần nữa Nguyễn Một lại đưa người đọc ngược dòng thời gian quay trở lại với một thời kỳ quá vãng của lịch sử, nơi mà tận cùng của tình yêu, chiến tranh và những giằng xé trong nội tâm mỗi con người là những khát khao đầy nhân bản… 

Vào 14h30, Chủ nhật, ngày 18/6/2023, tại 6 Degrees Rooftop, 189 Nghi Tàm, Hà Nội, công ty sách Liên Việt phối hợp với NXB Hội nhà văn sẽ tổ chức lễ ra mắt tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một. Tham sự sự kiện có sự góp mặt của các tác giả Nguyễn Quang Thiều, Di Li, Tạ Duy Anh, Yên Ba, Y Ban, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp…

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" – Một tình yêu dang dở trong cơn sóng chiến tranh - 1

Là một tác giả quen thuộc với độc giả văn đàn Việt, Nguyễn Một (1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như “Hoa dủ dẻ”, “Năm đứa trẻ xóm đồi”, “Long lanh giọt nắng”, “Mùa trái chín”… Anh là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông” của Nguyễn Một từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” cũng đã được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn 2010 và cũng được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Hiện anh đang sống tại tỉnh Đồng Nai, là ủy viên Hội đồng văn xuôi, Hội nhà văn Việt Nam và là giám đốc truyền thông của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trường Hải (THACO).

Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sau đến giờ thứ chín” là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang giai đoạn rực lửa. Tuy nhiên, suy cho cùng đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình, bởi xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau. Và bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước khi đang bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử. Sơn, nhân vật chính, luôn bị giằng xé bởi tình cảm, bởi lý trí, khi anh ta không đứng về bên nào cả trong cuộc chiến này. 

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" – Một tình yêu dang dở trong cơn sóng chiến tranh - 2

Các nhân vật chính còn là ba người tử trận, cùng là anh em ruột trong một gia đình. Hai người chết vì “tận nghĩa với quốc gia”, còn một người “hy sinh vì Tổ quốc”. Họ sống và chiến đấu cho các lý tưởng khác nhau. Nhưng họ chết thì giống nhau, đều bị bắn và đều phơi xác dưới mặt trời, ngay trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ. 

Vượt lên trên những cái tôi trữ tình là câu chuyện về số phận của quốc gia, và đằng sau đó là màu sắc của Thiên chúa giáo. Là một người theo đạo Thiên chúa, nhà văn Nguyễn Một thường sử dụng chất liệu rất khó xử lý này vào trong sáng tác. Ở hai cuốn tiểu thuyết mang phong cách huyền ảo trước đó là “Trước mặt là dòng sông” và “Đất trời vần vũ”, tác giả để hình ảnh chúa Jesus tồn tại ở những mặc khải của con người, nhưng trong “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, sự tồn tại của chúa Giêsu lại chính là sự vắng mặt của Chúa…

Tiểu thuyết được lựa chọn tái hiện giống như một cuốn hồi ký mà trong đó, từng cái tên, từng trích dẫn đều gửi gắm những ẩn ý riêng của Nguyễn Một. Sơn – một nhân vật có thể hoàn toàn có thật, cũng có thể hoàn toàn chỉ là một sự hư cấu, góp nhặt từ rất nhiều những “Sơn khác” trong lịch sử, nhưng từ câu chuyện của Sơn, của những con người xung quanh Sơn, người đọc sẽ từng bước trôi vào dòng chảy lịch sử mà ở đó, Nguyễn Một tưởng chừng như dửng dưng, điềm nhiên trước tất cả, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, nhưng lại chính là người đau đáu nhất…

Nguyễn Một sinh ra ở Quảng Nam trong thời chiến, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tìm hiểu quá khứ của, anh nhà báo Trung Việt đã viết “Đâu phải được như thiên hạ là sinh ra, cha mẹ chăm bẵm, nuôi nấng dạy dỗ vào đời, số phận của Nguyễn Một là trang đời đẫm nước mắt. Chiến tranh, chính chiến tranh, đã găm nhát dao xuống gia đình anh và nhiều gia đình trên quê hương anh. Điều đó hiện diện trong những sáng tác của anh, những chia lìa, chết chóc cứ ngồn ngộn ra đó như cái nắm tay sắt lại, máu ứa ra mười ngón… Viết về chiến tranh, li tán, máu chảy thành sông, ai oán ngút trời, Nguyễn Một viết về sự tàn bạo nhưng không oán hờn mà chỉ là sự giải mã cho sự vô minh của con người, bởi từ trong bản thế, con người vốn lầm lạc và cơ hội để sửa sai, nhìn nhận hiếm hoi lắm, nó chỉ đến ở những người có cái nhìn minh triết về đời sống và thân phận.”

Nhà báo Yên Ba, người đã tiếp xúc với “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” từ lúc còn là bản thảo sơ khai cho rằng “Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này khá lạ. Là một nhân vật không ác, không thiện. Cuốn sách trải dài theo chiều lịch sử trong giai đoạn tang thương của đất nước. Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến và số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến vô tri được nhấn mạnh bằng một thủ pháp hoàn toàn khác hai tiểu thuyết trước của Nguyễn Một”.

Về phần mình, Nhà văn Tạ Duy Anh thì chia sẻ: “Đọc những đoạn văn như vậy chỉ thấy hãi hùng. Và nó sẽ khiến ta phải gào lên những câu hỏi không bao giờ có lời đáp. Nhưng chiến tranh là như thế. Nó biến tất cả thành vô lý, vô nghĩa. Ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách là lời kết án: Chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này! Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến”.

Bà Vũ Phương Liên, giám đốc công ty sách Liên Việt, đơn vị in ấn và phát hành cuốn sách cho biết “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi nhận được bản thảo của nhà văn Nguyễn Một. 100 bản đặc biệt được in ấn công phu chính là lời tri ân mà tác giả dành tặng cho các độc giả thân thiết, và ngược lại, những độc giả chọn mua các bản sách đặc biệt này cũng thể hiện sự trân trọng đối với người viết sách. Sau khi tiểu thuyết “Ngược mặt trời” được Liên Việt phát hành cách đây hơn 10 năm, nó đã thu được những tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước: Được giải thưởng Trịnh Hoài Đức 2017 và được dịch sang tiếng Anh rồi phát hành ở Hoa Kỳ với tựa đề “Journey against the sun”. Tôi hy vọng “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” cũng sẽ được độc giả, giới chuyên gia trong và ngoài nước đón nhận như vậy”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Anh

CLIP HOT