Tiếng Arab: Từ ngôn ngữ của kinh sách tới văn học nghệ thuật
Trải qua 14 thế kỷ thăng trầm, chữ viết và ngữ pháp Arab, ngôn ngữ được gần hơn 460 triệu người sử dụng thường xuyên, dường như vẫn vẹn nguyên với thời gian.
Bắt nguồn từ Trung Đông, tiếng Arab thuộc nhóm ngôn ngữ Semit là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới hiện nay. Nó hiện là ngôn ngữ phổ biến thứ 5 trên thế giới, với 467 triệu người sử dụng thường xuyên tại Trung Đông và Bắc Phi. Đồng thời, tiếng Arab cũng là là ngôn ngữ cầu nguyện và phục vụ các mục đích tôn giáo chính thức của 1,8 tỷ tín đồ Hồi giáo khắp thế giới.
Tuy nhiên, ít người biết rằng tiếng Arab tiêu chuẩn bắt nguồn từ kinh Qur'an, là một trong những ngôn ngữ hiếm hoi mà hình thái và cú pháp về cơ bản không thay đổi trong 1.400 năm qua, trong khi nhiều ngôn ngữ khác hoặc đã bị đồng hóa, biến đổi, hoặc đã hoàn toàn biến mất.
Vậy đâu là lời giải cho sức sống mãnh liệt của thứ ngôn ngữ này?
Một ví dụ về sự chi tiết hóa ngôn ngữ Arab từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XI. (Nguồn: Wikipedia).
Chìa khóa từ Kinh Qur’an
Theo các văn bản Arab và Hồi giáo, tiếng Arab chỉ được phổ biến rộng rãi và lưu truyền bài bản cùng với sự ra đời và phát triển của Hồi giáo vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Khi đó, tiếng Arab được xem là ngôn ngữ truyền tải mặc khải của Đấng tối cao – Allah xuống trần gian qua thiên sứ Mohamed và được thể hiện bằng văn bản là Kinh Qur’an.
Từ chỗ chỉ tồn tại qua ghi nhớ của nhà tiên tri Mohammad và những người đồng hành, Kinh Qur’an đã được tập hợp và ghi chép lại hệ thống bằng chữ viết Arab.
Quá trình hoàn chỉnh chữ viết, ký tự và cách đánh dấu để tạo thuận lợi cho việc sao chép, phát âm đúng Kinh Qur’an được thực hiện cho đến khoảng thế kỷ XI. Điển hình là người Arab đã đưa dấu chấm và dấu nguyên âm vào chữ viết ở thời kỳ đế chế Hồi giáo Ummayyad.
Sau thế kỷ 14, khi đế chế Hồi giáo bị suy yếu và phân chia thành các vương quốc nhỏ hơn, tiếng Arab không còn giữ được địa vị như trước mà bị lấn át bởi ngôn ngữ của thế lực cai trị từ bên ngoài như Mông Cổ, Tatars, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng vượt lên trên tất cả, nhờ sự tôn trọng cao nhất dành cho Kinh Qur’an, tiếng Arab vẫn tồn tại một cách kỳ diệu với nền tảng ngôn ngữ không bị lay chuyển. Tiếng Arab cổ điển luôn được chú trọng trong giới học giả Quran, các nhà thờ Hồi giáo và trường học, trong đó, cách phát âm được dạy chính xác như vào thời của Nhà tiên tri.
Song song với những nỗ lực ấy, người Hồi giáo và Arab còn nâng cao giá trị nội hàm và thẩm mỹ của tiếng Arab bằng những sáng tạo đỉnh cao về văn học nghệ thuật và phổ quát nó vượt ra khỏi biên giới địa lý và tôn giáo.
Hơi thở của thời đại
Những người quan tâm đến văn học Arab hiện đại có lẽ không mấy xa lạ với những cái tên như Naguib Mahfouz, Elias Khoury, Alaa Al Aswany, Saud Alsanousi, hay Shukri Mabkhout…
“Giải thưởng Nobel đã cho tôi, lần đầu tiên trong đời, cảm giác rằng nền văn học của tôi có thể được đánh giá cao trên bình diện quốc tế. Lần này, thế giới Arab cùng đoạt giải Nobel với tôi. Tôi tin rằng cánh cửa quốc tế đã mở ra và từ nay trở đi, những người biết chữ cũng sẽ quan tâm đến văn học Arab. Chúng tôi xứng đáng nhận được sự công nhận đó” - Nhà văn Naguib Mahfouz.
Các tác gia nói trên, dù là người Ai Cập, Tunisia hay Saudi Arabia, đều có đam mê chung là gửi gắm tình yêu ngôn ngữ qua trang sách.
Họ khai thác nhiều chủ đề, đa phần xoay quanh cuộc sống và con người Arab đương đại với những mối quan tâm rất đỗi bình dị và thường trực như tình yêu và đức tin; sự đấu tranh trong xã hội Arab, Hồi giáo giữa truyền thống và hiện đại, giữa các chuẩn mực sẵn có với những tư tưởng và giá trị du nhập từ phương Tây, để định vị bản sắc của mình.
Một trong những nhà văn góp phần đưa văn học Arab đến với thế giới, “xây dựng nền tiểu thuyết Arab để cho toàn nhân loại học tập và tiếp thu”(nhận xét của Hội đồng giải thưởng Nobel Văn học) là Naguib Mahfouz.
Ông là một cây đại thụ của văn học Ai Cập và Arab đương đại, người Arab đầu tiên và duy nhất cho đến nay có vinh dự được trao giải Nobel Văn học năm 1988 với tác phẩm Cairo Trilogy.
Điểm độc đáo trong các tác phẩm của ông là sự hòa trộn giữa các nét địa phương đặc sắc của Cairo và những giá trị văn hoá chung, nổi trội của toàn nhân loại. Đó là lý do tại sao các tác phẩm của ông nhận được sự yêu mến của nhiều thế hệ độc giả ở Ai Cập, cũng như khắp các nước Arab và trên thế giới.
Nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz. (Nguồn: AFP)
Cuốn hút theo từng nét bút
Môi trường Hồi Giáo giáo đã thúc đẩy sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật đặc sắc là thư pháp. Đạo Hồi không cho phép sử dụng tranh ảnh, hình tượng để trang trí.
Vì thế, các nghệ sĩ Arab đã sử dụng chính những chữ cái Arab theo hướng cách điệu để tạo đường nét và hình ảnh, vừa thể hiện tính thẩm mỹ sáng tạo mà không vi phạm quy định của đạo Hồi.
Ban đầu, thư pháp Arab chủ yếu phục vụ mục đích tôn giáo, dùng những câu trích trong kinh Qu’ran để trang trí Nhà thờ Hồi giáo, thánh đường, vòm cầu nguyện…Sau đó, thư pháp còn xuất hiện trong sách văn học nghệ thuật và vật trang trí trong đời sống thế tục như thư pháp trên tường, gạch men, đèn và các loại gốm.Người Arab còn làm đẹp thêm cho mỗi tác phẩm nghệ thuật ấy bằng màu sắc và chất liệu quý hiếm như vàng, bạc…
Cùng với thời gian, thư pháp Arab ngày càng phát triển và trở nên phổ biến. Nó hiện diện trong nhiều khía cạnh cuộc sống của người Arab và Hồi giáo, từ tôn giáo đến văn học nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, giáo dục…
Vì thế, lần tới, nếu có cơ hội đến thăm một đất nước Arab, bạn đừng quên mua cho gia đình và bạn bè những món quà nho nhỏ được trang trí bằng thư pháp Arab. Nó sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc, như người Arab vẫn tin như thế!
Tại nhà máy Konouz của Ai Cập, những bức tượng bản sao của các món đồ cổ được sản xuất với chất lượng cao nhằm...