Songkran: Lễ hội té nước truyền thống mang đến sự khởi đầu mới
Khi đặt chân đến Thái Lan vào tháng 4, bạn sẽ cảm thấy như mình đang tham gia vào một trận chiến nước khổng lồ mừng lễ hội Songkran. Diễn ra hằng năm, lễ hội này thu hút người dân mọi độ tuổi trên khắp Thái Lan tham gia vào những “trận chiến” náo nhiệt kéo dài hàng giờ từ sáng đến tối.
Bên cạnh các trò vui với nước, Songkran còn ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo. Đây chính là lý do khiến Songkran trở thành thời điểm tuyệt vời để du khách đắm mình vào trải nghiệm văn hóa Thái Lan.
NGUỒN GỐC LỄ HỘI SONGKRAN
Songkran là Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan, sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15/4/2024. Tuy nhiên, tại một số thành phố, lễ hội có thể kéo dài thêm vài ngày để du khách có thể thỏa sức vui chơi.
Lễ hội Songkran là dịp để mọi người nghỉ ngơi, tạm rời xa công việc thường ngày. Cũng như Tết Nguyên đán của người Việt, đây là khoảng thời gian nhiều người dân Thái sum họp với gia đình và bạn bè. Từ "Songkran" được cho là bắt nguồn từ tiếng Phạn cổ. Vào năm 2023, UNESCO đã công nhận Songkran là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo UNESCO, "té nước là một nghi thức quan trọng của lễ hội Songkran, tượng trưng cho sự tẩy rửa, tôn kính và may mắn". Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động khác bao gồm tắm tượng Phật linh thiêng, trải nghiệm trò chơi dân gian, âm nhạc và tiệc tùng.
Songkran đánh dấu một sự khởi đầu mới cho người dân Thái Lan.
Chính những trận té nước vui nhộn đã biến Songkran thành một lễ hội nổi tiếng toàn cầu trong những thập kỷ gần đây. Du khách có thể tham gia các cuộc vui té nước hoành tráng diễn ra trên khắp các con phố được phong tỏa, từ đường Khao San và đường Silom ở Bangkok đến phố cổ lịch sử Chiang Mai.
Tiến sĩ Pipad Krajaejun, giảng viên lịch sử tại Đại học Thammasat Bangkok, cho biết rất khó để xác định chính xác thời điểm các trận té nước trở thành một phần chủ đạo của lễ hội. "Tuy nhiên, những bức ảnh cũ được Boonserm Satraphai chụp tại Chiang Mai vào năm 1964 cho thấy rất nhiều người tham gia té nước trên sông Ping", ông chia sẻ thêm. Trải qua nhiều thập kỷ sau đó, các màn té nước thường diễn ra trên một quy mô lớn hơn, và người tham gia cũng trang bị cho mình những món đồ té nước công phu hơn, như súng nước công suất cao chẳng hạn.
Té nước là hoạt động hấp dẫn nhất của lễ hội Songkran.
BANGKOK: ĐIỂM ĐẾN TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA SONGKRAN ĐẶC SẮC
Lễ hội Songkran được tổ chức trên khắp Thái Lan, tại hầu hết các thành phố, thị trấn và làng mạc. Một số sự kiện được tổ chức bởi các cơ quan chính quyền địa phương, trong khi nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch như công viên giải trí, khách sạn, nhà hàng và quán bar tổ chức các bữa tiệc theo chủ đề Songkran riêng. Một số địa phương chỉ giới hạn các trận chiến nước trong một ngày, vì vậy, nếu có ý định tham dự, bạn hãy kiểm tra kỹ lịch trình tổ chức.
Với những du khách mong muốn tìm hiểu về nét văn hóa của Songkran thì Bangkok hứa hẹn sẽ là điểm đến hàng đầu trong năm nay. Lễ hội Té nước Thế giới Maha Songkran 2024 lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 11 đến 15/4 tại khu trung tâm lịch sử của thành phố, dọc theo đại lộ Ratchadamnoen Klang và Sanam Luang, gần các địa danh nổi tiếng như Hoàng cung và Chùa Phật Ngọc.
Bangkok là điểm đến hấp dẫn nhất trong mùa lễ hội Songkran tại Thái Lan.
Một trong những điểm nhấn của lễ hội là diễu hành Maha Songkran, diễn ra vào ngày 11/4, xuất phát từ cầu Phan Fa Lilat và kết thúc tại Sanam Luang, với sự tham gia của 20 đoàn rước hoành tráng và hơn 1.000 nghệ sĩ biểu diễn.
Tại Sanam Luang - một quảng trường rộng lớn trước Hoàng cung - các màn trình diễn văn hóa và âm nhạc sẽ diễn ra xuyên suốt lễ hội, bao gồm cả vở kịch Khon nổi tiếng. Bên cạnh đó, một khu vực riêng biệt sẽ giới thiệu các truyền thống và lễ hội đặc trưng của vùng miền Bắc, Đông Bắc, Đông, Trung và Nam Thái Lan.
Du khách vẫn có thể tham gia té nước tại khu vực dành riêng hoạt động này với đài phun nước nghệ thuật, đường hầm phun nước, hồ bơi khổng lồ và trạm cung cấp nước.
Những "trận chiến" nước cuồng nhiệt trên đường phố Bangkok.
SONGKRAN: GIAO THOA GIỮA NÉT TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
Mặc dù cách ăn mừng Songkran có thể thay đổi tùy theo từng vùng miền tại Thái Lan, nhưng theo ông Pipad, giảng viên lịch sử tại Đại học Thammasat, hai nghi lễ chính thức của lễ hội vẫn được người dân cả nước gìn giữ cho đến ngày nay.
Vào ngày đầu tiên của lễ hội, "người dân, đặc biệt là người cao tuổi, đến các chùa để rưới nước lên tượng Phật" - nghi lễ này được gọi là Song Nam Phra. "Tuy nhiên, mỗi vùng miền Thái Lan lại có cách thực hiện hơi khác nhau. Lấy ví dụ, ở miền Bắc Thái Lan, người dân sử dụng dụng cụ hình đầu rắn Naga để tưới nước lên tượng Phật thay vì đổ trực tiếp", ông Pipad cho biết thêm.
Nghi thức "tắm" tượng Phật Song Nam Phra.
Truyền thống thứ hai (gọi là Rot Nam Dam Hua) là dùng nước hoa và hoa rưới lên tay các thành viên lớn tuổi trong gia đình, sau đó những người lớn tuổi sẽ cầu phúc cho dòng tộc. Theo truyền thống, nghi lễ này diễn ra vào ngày thứ hai của lễ hội.
Nghi lễ Rot Nam Dam Hua diễn ra trong ngày thứ hai của lễ hội Songkran.
Ngày nay, du khách cũng có thể bắt gặp tượng Phật được đặt được đặt trong các cửa hàng, thậm chí cả ở những nơi như trung tâm thương mại, bên cạnh đó là những chiếc bát nhỏ màu bạc trôi nổi trong hồ nước thơm. Ông Pipad cho biết việc thực hiện Song Nam Phra tại các trung tâm thương mại có thể bắt nguồn từ những năm 1970 hoặc 1980, khi các ông lớn bán lẻ như Central Department Store và MBK bắt đầu xây dựng các trung tâm thương mại lớn.
"Song Nam Phra có thể xem như một hoạt động giải trí vì trung tâm thương mại chủ yếu là điểm đến dành cho cư dân thành thị và gia đình của họ", ông nói. "Ngoài ra, các trung tâm thương mại còn có máy lạnh, điều này có thể thuyết phục mọi người vào bên trong thay vì đến chùa".
LƯU Ý KHI THAM GIA LỄ HỘI SONGKRAN
Các quan chức Thái Lan khuyên du khách cần hỗ trợ khẩn cấp hãy gọi đường dây nóng du lịch 1155. Du khách khi tham gia lễ hội nên cất giữ đồ đạc có giá trị trong túi chống thấm nước, ngay cả khi điện thoại di động có khả năng chống nước.
Khi cần hỗ trợ trong lúc tham gia các hoạt động cuồng nhiệt tại lễ hội Songkran, du khách có thể gọi đến hotline 1155.
Để tránh nước bắn vào vùng mắt gây kích ứng khó chịu, hãy cân nhắc đeo kính bơi hoặc kính râm trong suốt quãng thời gian tham gia các hoạt động té nước.
Cần lưu ý các vấn đề như uống đủ nước, đội mũ và thoa kem chống nắng, vì hiện tại ở Thái Lan đang là mùa hè và nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C hoặc cao hơn vào thời điểm này trong năm. Bên cạnh đó, tránh bước vào khu vực có máy lạnh trong tình trạng ướt sũng vì có thể gây sốc cho cơ thể. Du khách cần trang bị khăn tắm và quần áo trong túi chống thấm, nó sẽ rất hữu ích khi cuộc vui kết thúc.
ĂN GÌ Ở THÁI LAN TRONG MÙA LỄ HỘI SONGKRAN
Thái Lan là đất nước có nền ẩm thực vùng miền phong phú, mỗi tỉnh thành sẽ có những món ẩm thực truyền thống riêng biệt. Tuy nhiên, có một vài món ăn đặc biệt được ưa chuộng trong những ngày nắng oi bức.
Một trong số đó là món "Khao Chae", nghĩa là "cơm nhồi nước". Đây là món ăn giải nhiệt hấp dẫn được phục vụ vào mùa hè, thường từ cuối tháng 3 đến tháng 5. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này trên các thực đơn theo mùa, thậm chí các khách sạn cao cấp cũng có cách chế biến riêng cho món “Khao Chae” này.
Khao Chae, món giải nhiệt ngày hè hấp dẫn của Thái Lan.
Và tất nhiên, không thể bỏ qua món xôi xoài – món ăn khoái khẩu của du khách, được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ các quán ăn đường phố đến các nhà hàng Thái cao cấp. Món ăn đặc biệt này được dùng như món ăn nhẹ hoặc tráng miệng, xôi dẻo ngọt được rưới nước cốt dừa và ăn kèm với xoài chín.