Rộn ràng Không gian văn hóa Lễ hội thổ cẩm Việt Nam
Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần II - 2020, sáng ngày 24/11/2020, tại trung tâm Đảo nổi - TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã diễn ra Lễ khai mạc Không gian Văn hóa thổ cẩm Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, hàng trăm nghệ nhân của 15 tỉnh/thành trong cả nước gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Trị, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang và Đăk Nông về tham gia sự kiện cùng hơn 500 nghệ nhân, vận động viên, diễn viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa góp phần tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, khơi dậy niềm tự hào và thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Sự kiện nhằm tạo động lực khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa hoa văn các dân tộc, tìm kiếm thị trường cho những loại hình sản phẩm thổ cẩm do họ làm ra như trực tiếp tiếp thị sản phẩm của mình tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay gian hàng bán lẻ thổ cẩm tại những địa điểm có đông khách tham quan,...
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông nói riêng, từ bao đời nay dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Triển lãm thực nghiệm “Không gian văn hóa thổ cẩm Việt NamNgoài ra, các làng nghề và nghệ nhân sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất các ấn phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ về thổ cẩm phục vụ du lịch trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Tham quan Không gian Văn hóa thổ cẩm, người dân cũng như du khách được thỏa thích chiêm ngưỡng những nét văn hóa qua sắc màu thổ cẩm trên trang phục của các chàng trai, cô gái đồng bào các dân tộc: M’Nông, Êđê, Mạ, Giao, Nùng, Thái, Mường, Chăm...
Du khách thưởng thức giai điệu của núi rừng, đại ngàn qua tiếng cồng chiêng, đàn đá cùng điệu múa của các chàng trai, cô gái đồng bào dân tộc tại Nam Tây Nguyên
Lễ hội nhằm quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của Đắk Nông trong cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Không gian Văn hóa thổ cẩm thu hút hàng ngàn lượt du khách tham quan với hơn 40 gian hàng của đồng bào các dân tộc trên cả nước, đã tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa Việt Nam.
Hữu Long