Rời bỏ chốn thành thị, cô phiên dịch viên 10X đi về vùng quê yên ả để tìm lại chính mình
Từng có công việc ổn định, thu nhập tốt ở TPHCM, Phan Thị Thảo (23 tuổi, quê Đắk Lắk) đã chọn gác lại tất cả, quay về quê để bắt đầu hành trình sống chậm và chữa lành cho chính mình.
Thành phố phồn hoa không thuộc về…
Tốt nghiệp loại giỏi ngành ngôn ngữ Anh tại ĐH Nguyễn Tất Thành, Phan Thị Thảo từng là phiên dịch viên tự do cho các doanh nghiệp nước ngoài. Với khả năng giao tiếp thành thạo ba ngoại ngữ: tiếng Anh, Nhật và Trung, cô nhận được mức lương đáng mơ ước.
Thế nhưng ánh đèn văn phòng, lịch làm việc dày đặc khiến Thảo ngày càng cảm thấy rạn nứt từ bên trong. “Dù công việc thuận lợi, thu nhập ổn định, mình vẫn thấy như đang sống cuộc đời của ai khác. Có ngày ngồi dịch 12 tiếng trước màn hình mà tâm trí như trống rỗng”, Thảo kể.
Thảo quyết định rời TPHCM sau nhiều năm sinh sống.
Cô gái đã có 3 tháng để gạt bỏ cơ hội công tác nước ngoài và lời mời làm việc tại tập đoàn lớn. Đỉnh điểm là khi sức khỏe sa sút và bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu trầm cảm, Thảo quyết định rời khỏi TPHCM và mở ra một hướng đi hoàn toàn khác.
“Mình mất 3 tháng để lưỡng lự, nhưng chỉ có 3 ngày để gói ghém tất cả đồ đạc lên xe máy và đi dọc cung đường trở về Đắk Lắk. Khi đó, cảnh đẹp xung quanh giúp mình cảm thấy được sống là chính mình”, cô gái trẻ nói.
Tìm về chốn yên ả, chữa lành bằng những điều giản dị
Cuối năm 2023, Thảo trở về căn nhà nhỏ sống cùng gia đình. Cô từ bỏ mạng xã hội, từ chối mọi lời mời hợp tác và chỉ ở nhà cùng bố mẹ, làm vườn, đọc sách…
“Lúc đầu mình nghĩ là đang bỏ trốn. Nhưng càng sống ở quê, càng thấy đây mới là nhịp sống mình cần”, Thảo nói.
Khung cảnh nên thơ những nơi Thảo đi qua giúp mọi người được chữa lành.
Đầu 2024, Thảo bắt đầu quay những đoạn video ngắn chia sẻ cuộc sống mới: cảnh nấu ăn cùng mẹ, sớm tinh mơ nghe gà gáy, buổi chiều đi nhổ cỏ hay tiếng mưa rơi trên mái tôn. Không dàn dựng, không kịch bản, cô chỉ kể lại một ngày của mình thật, nhẹ, và đầy chất sống.
Không ngờ, thước phim tưởng chừng đơn giản ấy lại chạm vào trái tim mọi người giúp cô thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Thảo cũng hiếm khi nói nhiều trong các buổi livestream, thế nhưng chính sự yên lặng ấy lại trở thành khoảng không để tất cả được tâm sự. Và rồi một cộng đồng chữa lành được hình thành trên trang cá nhân của Thảo – nơi người trẻ tạm gác lại áp lực, tìm về cảm xúc nguyên sơ.
“Mỗi ngày, mình đón nhận những tâm sự từ khắp nơi. Có bạn mất việc, có bạn vừa trải qua đổ vỡ. Dần dần, mình trở thành nơi mọi người ghé vào để thở nhẹ một chút,” cô nói.
Thảo nấu ăn cho các bé nhỏ.
Không còn vùi mình ở chốn công sở, deadline dồn dập, Phan Thị Thảo giờ đây chọn một con đường khác – sống chậm, sâu và thật. Hiện tại, ngoài việc chia sẻ cuộc sống đồng quê, cô gái trẻ còn thường xuyên tổ chức các buổi dạy ngoại ngữ cho trẻ em vùng quê. Những điều tốt đẹp ấy đối với cô đã là một sự thành công khác cho bản thân mình.
“Mỗi người có thể định nghĩa thành công bằng cách khác nhau, còn với mình một cuộc đời với vô vàn trải nghiệm, sự sẻ chia… mới là thứ đáng giá hơn bất kì vật chất nào”, Thảo nói thêm.