“Ông Cả Hổ” trong tín ngưỡng Nam Bộ
Từ thuở lập ấp xây làng, mở mang bờ cõi, lưu dân Việt ở Nam Bộ đã phái đối đầu với nhiều hiểm họa từ sơn lam chướng khí, thú dữ rừng hoang. Từ đó hình thành 2 nếp tín ngưỡng tâm linh đối trọng nhau: Tục thờ các thế lực thiên nhiên gây hiểm họa (như thổ nhưỡng, khí hậu, thú dữ, ôn hoàng, dịch bệnh...) và tục thờ các thế lực bảo hộ, cứu độ (Quan quân triều đình, tráng sỹ cứu nguy, vật thoát hiểm...). Đặc biệt, trong tâm thức tín ngưỡng, cọp là đối tượng hội đủ 2 yếu tố đối trọng, mâu thuẫn nhau: Vừa là hiểm họa vừa là thế lực bảo hộ.
Giai thoại Cả Cọp ở đình An Hiệp
Hầu như tất cả các ngôi đình làng thần hoàng ở khu vực phía Nam đều có thờ tượng cọp và tất cả các tượng cọp cổ xưa đều có chung 1 nét điêu khắc: Đứng trong tư thế vồ mồi, nhe nanh đe dọa. Điều này chứng minh rằng, người xưa thờ cọp vì nỗi sợ ám ảnh trong tâm thức. Nỗi sợ quá lớn khiến hình dáng đe dọa của cọp hóa thành uy linh.
Từ đó, nhiều địa phương tôn cọp thành biểu tượng Thần hoàng Bổn cảnh, lập miếu xây đình thờ phụng để cầu an.
Đình An Hiệp ven rạch Cái Quản (ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là ví dụ.
Tư liệu gia phả của họ Võ cư ngụ ở đây từ thuở khai hoang cho biết, có 5 họ tộc (gồm họ Nguyễn, Võ, Lê, Vương, Đỗ) từ miền Trung xuôi Nam dừng chân lập trại ruộng vùng đất An Hiệp vào năm 1847. Khi đó vùng đất này còn là rừng rậm hoang vu, mặc dù Bến Tre thuộc Vĩnh Trấn đã được vua Gia Long xác định chủ quyền.
Thuở hoang sơ khai khẩn đó, thỉnh thoảng dân làng trông thấy một con cọp to lớn thoắt ẩn thoắt hiện nơi bìa rừng. Điều lạ là, cọp rất hiền lành, không hề gây tổn hại cho dân làng. Không những thế cọp còn cứu giúp dân làng mỗi khi gặp tai nạn hoặc hiểm nguy trước những loại thú dữ khác.
Có lần, một người dân vô ý té ngã xuống dòng rạch Cái Quản. Đang hoảng loạn dưới dòng nước, bất chợt ông ta vớ phải... lưng con cọp. Sợ quá, ông ta ngất xỉu, khi tỉnh dậy đã thấy nằm trên bờ cạn.
Lần khác, một người dân đang chèo xuồng trên dòng Cái Quản để bắt cá thì bị một cá sấu to lớn tấn công. Bất ngờ, con cọp xuất hiện lao mình xuống dòng nước vồ con cá sấu. Nạn nhân thoát chết trong gang tấc. Cá sấu lặn mất tăm và từ đó không dám bén mảng đến rạch Cái Quản nữa.
Ngũ Hổ (Tranh Hàng Trống).
Nghĩ đó là cọp thần hộ trì dân làng, đại diện các họ tộc gồm các ông Võ Văn Đặng, Đỗ Kế Ngạn, Lê Văn Sắc và 2 đại diện họ Vương, họ Nguyễn cùng bắt tay xây dựng ngôi đình thờ. Đình xây xong, dân làng bầu một người làm chức Cả để quán xuyến việc làng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, vị hương cả đổ bệnh thập tử nhất sinh, dân làng phải bầu người khác. Người kế nhiệm lại đổ bệnh. Dân làng lại bầu người khác. Liên tiếp hàng chục ông hương cả cứ thay nhau đỗ bệnh. Khi bầu người khác lại hết bệnh.
Điều lạ là, mỗi lần các bô lão họp bàn, dân làng đều trông thấy cọp lảng vảng ngoài sân đình. Các bô lão bèn thử bầu cọp làm hương cả. Người giải quyết việc làng chỉ làm chức phó cả. Từ đó, mọi chuyện trở nên êm thấm.
Sau khi được bầu làm "Ông Cả", thỉnh thoảng, cọp bắt heo rừng, nai đem đến "gởi" trước nhà những người nghèo.
Giai thoại làng còn kể rằng, hàng năm đến lệ cúng kỳ yên vào đêm rằm tháng 6 âm lịch, dân làng đều dâng sớ cúng đầu heo cho “Cả Cọp”. Sáng ra, chiếc đầu heo và tờ sớ biến mất. Đáng kinh ngạc là, tờ sớ mới của lệ cúng năm nay biến mất, thay vào đó là tờ sớ của lệ cúng năm trước.
Đến năm Tự Đức thứ 5 (1852), nhằm khai báo đất khẩn đã thành đất thuộc, xin lập làng an dân, họ Đặng dâng sớ về triều đình. Vua Tự Đức hạ chỉ phong sắc, chuẩn y tên làng là Sơn An. Thần hoàng Bổn cảnh vẫn là "Cả Cọp".
Vào năm Pháp đánh Đà Nẵng, khởi sự xâm lược, người ta phát hiện "Cả Cọp" chết rũ ở một gốc đại cổ thụ ven rạch Cái Quản. Tưởng nhớ "Cả Cọp", dân làng đưa thủ cốt “Cả Cọp” vào ngôi miếu "tả nghi" trước đình để trấn môn.
Đình thần Ông Cọp ở Tân Định, Cà Mau
Ở ấp Bình Định, xã Tân Thành, TP Cà Mau có một ngôi đình thờ Thần hoàng Bổn cảnh là “Ông Cọp”. Ngôi đình có tên gọi là “Đình thần Tân Định Ông Cọp”.
Tương truyền rằng, vùng đất Tân Thành được tiền nhân khai khẩn cách nay 200 năm, lúc đó có tên gọi là Tân Quy Thôn (thuộc tổng Long Thủy). Thời điểm đó, cọp dữ còn nhiều, thỉnh thoảng xuất hiện bắt giết trâu bò của người dân. Có lần, cọp chúa mò vô làng bắt nhầm trâu mộng. Bị trâu mộng húc gãy 1 chân, cọp bỏ chạy vào rừng.
Từ khi còn 3 chân, cọp chúa không bắt trâu bò nữa mà chọn người làm thực phẩm. Ngày nào cũng có người trong thôn bị cọp chúa tha vào rừng.
Tranh thêu phong thủy Mãnh hổ (Thêu Việt).
Một hôm, nhà sư có tục danh là Nguyễn Văn Vinh, trên đường đi giáo hóa Phật pháp ngang qua thôn bị cọp 3 chân chặn đường. Không còn đường thoát, vị sư an phận ngồi xuống, nhắm mắt chắp tay nói: “Ta đang trên đường giáo hóa Phật pháp. Nếu có tánh linh thì tha mạng. Khi xong chuyến giáo hóa, ta trở về đây nạp mạng”. Không ngờ cọp bỏ đi.
Từ đó dân thôn không còn bị nạn cọp giết nữa. Nghĩ rằng, cọp chúa đã quy y cửa Phật, dân thôn lập miếu thờ. Mỗi khi giết thịt trâu bò, dân thôn đều dành thủ cấp đem ra miếu cúng “Ông Cọp”. Mỗi khi được cúng, cọp đều tha lễ vật vào rừng. Không ai nhớ, “Ông Cọp” biến mất từ khi nào nhưng tục thờ cọp vẫn cứ lưu truyền hết đời này sang đời khác cho đến ngày nay.
Đến năm 1852, được chính quyền nhà Nguyễn khuyến khích, dân thôn tôn tạo miếu thành đình, lập “Ông Cọp” làm Thần hoàng Bổn cảnh, tổ chức lệ cúng hàng năm vào ngày 19-5 âm lịch. Ngôi đình được gọi là “đình Ông Hổ”. Bức phù điêu trước đình có chạm hình “Ông Cọp” nhe nanh đi tản bộ bằng 3 chân, 1 chân trước co quắp. Ngày nay, bức phù điêu vẫn còn.
Từ khi có đình “Ông Cọp”, người dân địa phương trở nên tự tin hơn, không còn sợ các thế lực huyền bí ám hại. Mỗi khi gặp chuyện kém may mắn, dân địa phương thường đến đình khẩn cầu “Ông Cọp” cứu độ.
Khám phá ngày lễ năm mới đánh dấu nhiều truyền thống và nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của các gia đình châu Á từ...