Người thợ khuyết tật đam mê nghề sửa kiểng ở Bến Tre
Người đàn ông khuyết tật đã có hơn 15 năm làm nghề sửa kiểng ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Từ những cây kiểng ngã đổ trong tự nhiên vẫn vươn mình mạnh mẽ đã truyền thêm động lực sống cho người đàn ông khuyết tật ngày ngày nỗ lực vươn lên, làm đẹp cho đời.
Sinh ra tại vùng đất có truyền thống nghề kiểng ở ấp Vĩnh Hưng 2, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, từ nhỏ anh Phúc đã có niềm đam mê đặc biệt với cây kiểng. Anh Phúc theo chân cha rong ruổi tại các vườn kiểng để tạo dáng cây, ghép cành, nhân giống cây con. Lâu dần nghề dạy nghề, đến nay anh Phúc đã có kinh nghiệm sửa kiểng chắc tay, được nhiều nhà vườn tin tưởng. Tuy cơ thể tật nguyền do di chứng của căn bệnh sốt bại liệt năm 3 tuổi, vẫn không ngăn được sự vươn lên của người thợ sửa kiểng kiên cường này.
Bám trụ với nghề kiểng, đòi hỏi người thợ không chỉ có kinh nghiệm mà còn phải có đôi bàn tay khéo léo và độ thẩm mỹ cao thì mới có thể tạo tác ra những dáng – thế cây độc đáo. Tuy anh Phúc chưa đạt đến mức nghệ nhân bài bản, nhưng những dáng kiểng được bàn tay anh uốn chỉnh đều được đa số khách hàng hài lòng ủng hộ. Và cũng chính những cây kiểng có dáng ngả nghiêng giữa thiên nhiên khắc nghiệt đã giúp anh Phúc có thêm động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của mình. Anh Phúc chia sẻ: “Nghề này có ý nghĩa đối với tôi lắm. Từ những cái cây ngã, đổ trong tự nhiên mà nó vẫn sống hết trơn à. Cũng như bản thân mình tật nguyền mà vẫn cố gắng vươn lên, siêng năng làm lụng lo cho gia đình”.
Đặc thù của nghề sửa kiểng là lợi nhuận theo thời gian, từ một cây thô sơ qua bàn tay tạo tác của người thợ phải mất từ 2 – 3 năm mới có thể tạo ra thu nhập. Chính vì vậy mà gia đình anh Phúc vẫn còn thiếu trước hụt sau. May mắn thay bên cạnh anh vẫn còn vợ là chị Lê Kim Hà ngày đêm san sẻ chuyện áo cơm bằng những công việc làm thuê làm mướn cho các chủ vườn gần nhà.
Chị Hà bộc bạch: “Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng 2 vợ chồng vẫn cứ khuyên nhau cố gắng làm để lo cho con ăn học. Mình đặt cho con cái tên Thành Tài, mong cho con nên người và thành tài để không khổ cực như cha mẹ”.
Một người vợ đảm đang hết lòng vì chồng vì con, một đứa con khỏe mạnh chăm chỉ học hành, đối với anh Phúc đây là tài sản giá trị nhất trong đời. Thế nên dù công việc sửa kiểng gặp nhiều khó khăn đôi khi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng người trụ cột gia đình vẫn gắng sức vượt qua: “Đi sửa kiểng nhiều khi gặp cây cao, mình phải leo lên ghế cách mặt đất 2 – 3m. Cũng lo sợ mình sẽ té nhưng vì nhà không có tiền nên phải ráng làm, khi làm xong xuống tới đất mới mừng".
Anh Phúc từng mơ ước về một trại kiểng để anh thu mua kiểng về sửa chữa song song với việc mở rộng mô hình ghép và nhân giống mai con. Thế những bữa cơm gia đình còn có khi thiếu gạo thì ước mơ về một trại kiểng vẫn còn quá xa xôi với anh Phúc lúc này. May mắn là Thần Tài đã gõ cửa kịp thời, anh Phúc sẽ chinh phục những thử thách thế nào để chạm tay vào điều ước?
Vòng 1, thử thách thị giác mang tên Đoán tên thế kiểng. Với thử thách đầu tiên này, anh Phúc dễ dàng đoán được tên các thế kiểng – dáng kiểng cơ bản. Chương trình mời đến nghệ nhân Sinh vật cảnh Việt Nam để tăng độ khó cho thử thách bằng những câu hỏi chuyên môn. Với kinh nghiệm của mình, anh Phúc đã hoàn thành xuất sắc vòng thi.
Bước vào vòng 2 là Thử tài ghép cành. Thử thách đặt ra là ghép 6 cây mai trong vòng 2 phút. Nhưng với bàn tay nhanh nhạy của mình, anh Phúc hoàn thành thử thách của Thần Tài chỉ trong 1p30s, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật ghép cành, thuận lợi vượt qua vòng 2.
Vòng cuối cùng, đây là vòng thi quyết định anh Phúc có chạm tay vào điều ước mở trại kiểng hay không. Một cây kiểng um tùm đang cần người thợ trổ tài cắt tỉa, tạo dáng. Liệu rằng anh Phúc có chinh phục được nghệ nhân khó tính Nguyễn Đình Tâm để vượt qua thử thách cuối cùng này?
Chương trình Thần tài gõ cửa phát sóng lúc 19h10, Chủ nhật ngày 29/10/2023 trên kênh THVL1 và phát lại lúc 16h30 thứ 3 ngày 31/10/2023 trên kênh THVL2.