NGHỆ SĨ MINH HOÀ - “CÒN LÀM NGHỀ LÀ MÌNH CÒN GIÀU”…
Nghệ sĩ Minh Hòa vai Nguyên soái trong vở Phúc Lộc Thọ - tác giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Lê Trung Thảo |
Tình cờ tôi gặp anh trong một quán cafe. Với dáng “thấp thấp - tròn tròn”, với nụ cười thân thiện của anh, làm tôi nhớ đến nhân vật đại tá Khoa trong vở “Đất Oan” và hình tượng người cha có đứa con gái tự tử khi bị phụ tình của vở “Cây lẻ bạn”, bài thi của Sinh viên Đạo diễn trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, đây là hai nhân vật khiến tôi cảm thấy lạnh người bởi lối diễn xuất thần của anh trên sân khấu
- Phóng viên: Chào anh, cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghệ thuật? Do đam mê hay là năng khiếu?
- Nghệ sĩ Minh Hoà: Mình chập chững vào sân khấu năm 1992 tại Nhà Văn hoá Thiếu nhi Quận Tân Bình. Lúc còn sinh hoạt hè tại Nhà Thiếu nhi làm phụ trách hè, mình sáng tác một vở kịch để thi trên quận mang tên Mặt trời lên, tập cho các em thiếu nhi, mình cũng có một vai trong đó, là vai ông già mù có đứa con học rất giỏi, nhưng gia đình khó khăn do ông bị tai nạn, không đi làm được nữa... Thi trên quận, mình gặp thầy Hồ Hữu Hạnh và được chọn vào trong Câu lạc bộ Kịch. May mắn có chút năng khiếu, nhưng không được học lâu, chỉ 2 năm sau đó lớp giải tán. Cũng buồn và tiếc lắm, nhưng may mắn lại mỉm cười với mình khi Câu lạc bộ Điện ảnh Sakê tuyển sinh, mình đăng ký thi và đậu, rồi bắt đầu học ở đó. Thầy chủ nhiệm là NSƯT Lân Bích; Thầy NSƯT Trần Minh Ngọc; Tiếng nói Sân khấu – Cô Mai Thanh Dung; Hình Thể - Cô Hạnh Năm. Các bạn cùng thời với mình lúc đó có Trương Minh Quốc Thái; Đại Nghĩa; Chi Bảo…
Vai người Pháp trong vở Nhà báo Sương Nguyệt Anh
- Anh bắt đầu tham gia phim truyền hình khi nào? Cảm nhận lần đầu đóng phim của anh như thế nào?
- 1995 – 1997, mình được Phó Đạo diễn Hồng Phú Vinh mời tham gia đóng phim Những nẻo đường phù sa phần 2 của Đạo diễn Châu Huế. Lần đầu tiên đóng nên còn rất bỡ ngỡ, đứng trước ống kính quay thì “hơi khớp”. Vì lần đầu tiên mình diễn, lại được diễn chung với dàn diễn viên ngôi sao có tên tuổi như anh Huỳnh Anh Tuấn; cô Thuỳ Liên nên cũng run, trong phim mình đóng vai Tiểu đội trưởng tên Phàn. Nhưng được sự động viên của các anh chị, nhất là sự động viên của anh Huỳnh Anh Tuấn: “Em cứ yên tâm với vai diễn, có gì anh đỡ cho em. Có gì đâu mà sợ”. Khi ra quay mình nhập vai nên diễn tốt, được anh chị trong Đoàn và đạo diễn khen. Kỷ niệm nhớ nhất là cảnh Hoa Ma-sơ (Cô Thuỳ Liên đóng) bị thương và chết trên đường về đơn vị. Quá nhập vai vào nhân vật mình đã nghiến răng, căm phẫn, tức giận thể hiện trên gương mặt mình khi kẻ thù giết chết cô mình. Ngay đến cả Đạo diễn Châu Quế cũng ngạc nhiên khi mình nhập vai quá đạt.
Vở Công chúa và Người trồng rừng – Đạo diễn Thương Tín
- Lần đầu tiên đi quay, anh đã được nhiều niềm vui như vậy, anh có bao giờ cảm thấy buồn trong nghề hay chưa?
- Có chứ! Buồn vì cái số của mình kém may mắn hơn so với các bạn cùng thời của mình như Trương Minh Quốc Thái; Chi Bảo; v…v… bây giờ họ cũng thành ngôi sao còn mình thì cứ lận đận trong nghề! Buồn thì cũng chỉ là một chút thoáng qua thôi, nhưng cũng vui vì mình vẫn còn làm nghề. Sau khi quay xong phim Những nẻo đường phù sa phần 2, mình được Đạo diễn Châu Huế mời đóng tiếp phim Hướng Nghiệp- vai Kỹ sư Quân; Chúa tàu Kim Quy - vai thợ hớt tóc; Chuyện tình bên dòng kênh Xáng - vai bà thầy bói lên đồng dưới quê. Diễn xong cho Đạo diễn Châu Huế, mình gặp Đạo diễn Tường Phương và được mời vào một vai khá ấn tượng, vai Chính Phận trong Dưới cờ Đại Nghĩa (Người Bình Xuyên). Quay xong mình lại được Đạo diễn mời đóng tiếp phim Ngã rẽ - vai Tạ, đây là một vai mà mình thấy mình rất thành công vì được đạo diễn cùng Đoàn làm phim rất khen. Hiện tại, mình đang tham gia bộ phim mới của Đạo diễn Tường Phương mang tên Đất Mặn, lần này mình được nhận một vai khá dầy trong phim là vai Giáo Thứ, hiện đang quay được nửa chặng đường.
Nghệ sĩ Minh Hòa (phải) và diễn viên Lê Quang trong phim Dưới cờ Đại Nghĩa (Người Bình Xuyên)
- Vừa học xong anh đã được đi quay phim truyền hình, vậy anh có tham gia kịch nói hay không?
- Có chứ! Người dẫn dắt mình đến với con đường kịch nói là Đạo diễn Phùng Nguyên, đã cho mình có đất diễn trong các vở Sông dài, Ngọn Lửa, Tiếng chim chăn vịt, chủ yếu là mình làm kịch dài của tác giả Lê Thu Hạnh như vở Tình yêu không thể chết, Sụp đổ được báo trước là những vai diễn được khán giả ủng hộ rất nhiệt tình.
- Nghe nói, ngoài là một diễn viên kịch nói, điện ảnh, anh còn lấn sân qua bên Hát bội, Cải lương. Vì được đào tạo từ nhỏ hay là sở thích cá nhân?
- Hồi xưa, nhà mình có 2 trường phái: ông bà, ba mẹ thì mê Hát Bội. Cô Út thì mê Cải lương, Hồ Quảng; Ba thì tuần nào cũng ghé rạp Minh Châu trên đường Lê Văn Sĩ để mua 5 – 6 vé cho cả nhà đi xem. Đi xem cho vui chứ hồi nhỏ, mình nhát lắm. Không dám nhìn lên sân khấu, mỗi lần nghe tiếng tướng xuất hiện là mình lại sợ. Ở nhà, có cô Út là thích Cải lương, Hồ Quảng nên mỗi lần cô coi cũng dẫn mình theo. Coi vậy mà riết thành ghiền! Mình đăng ký học ca cổ bên Nhà Văn hoá Quận Phú Nhuận, được thầy Trung Hiếu dạy. May mắn lại mỉm cười lần nữa, khi mình gặp được anh Tuấn Tú trong Đoàn Cải lương, thấy mình múa hát được nên anh rủ đi làm quân sĩ chung cho vui. Từ đó mình bắt đầu vào đoàn, tiếp xúc được các anh chị như Vũ Linh, Ngọc Huyền, chú Diệp Lang,… Mình cũng rất cám ơn đến nghệ sĩ Lê Tứ và tác giả Hoàng Song Việt – Trưởng Đoàn Thắp sáng niềm tin, đã tạo điều kiện cho mình đến với những vai diễn trên sân khấu. Mình đã học hỏi được rất nhiều điều khi tham gia vào Cải lương vì Cải lương đòi hỏi người diễn viên phải có thanh, có sắc, ca diễn cho tới bộ tịch. Còn Hát Bội, mình học được cách hoá trang, vũ đạo, các đại từ nhấn nhá sao cho hay cho đẹp Hát Bội thì mình đến với nó rất tình cờ. Trong lần đi hát chầu, diễn viên bị kẹt nhiều nên ở đoàn hỏi cô NSƯT Ngọc Dung có người nào có năng khiếu thì đưa về đoàn tập vai hát chầu cho vui. Cô Ngọc Dung cho mình vào lớp thử vai Tử Trình trong San Hậu thành, vai đó hơi khó nhưng do một phần nó thấm sâu vào trong máu mình từ nhỏ nên khi mấy anh chị trong Đoàn chỉ hát khách, lối ai, lối xuân, là mình làm được. Người hướng dẫn nhiều nhất là cô Ngọc Dung. Từ vai Tử Trình San Hậu thành mình được vào các vai khác trong Hát Bội. Một diễn viên thì phải biết và hiểu các loại hình nghệ thuật khác nhau. Nếu Chèo có mặt trong miền Nam thì mình sẽ đăng ký tham gia, để hiểu thêm về các loại hình văn hoá của dân tộc.
- Có một số ý kiến cho rằng diễn viên thường là rất “giàu”, anh có nghĩ như vậy không?
- Theo mình nghĩ, nếu nói diễn viên “giàu” thì cũng đúng. Nhưng mà cái “giàu” ở đây là “giàu” về tinh thần, “giàu” về nghề, “giàu” về những vai diễn, “giàu” về vốn sống. Về vật chất thì nói “giàu” cũng không hẳn là giàu đâu! Nó còn phụ thuộc vào nền tảng gia đình. Cũng như một cái cây muốn khoẻ mạnh thì bản thân nó phải có cái rễ thật tốt. Do đó, theo mình “giàu” hay không còn phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá của mỗi người. Đối với mình thì đã cảm thấy mình rất “giàu”, vì có một gia đình rất hạnh phúc với bà xã và con trai. Điều quan trọng hơn là mình vẫn còn làm nghề. Còn làm nghề là mình còn “giàu”.
- Xin cám ơn, chúc anh luôn vui, và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong con đường nghệ thuật của mình
H.T.S
(Thực hiện)