Khám phá Po Klaung Garai - cụm tháp Chăm đặc biệt ở Ninh Thuận
Cụm tháp Chăm Po Klaung Garai (Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận) là một trong những khu đền tháp Chăm được xây dựng muộn nhất còn tồn tại, cũng là cụm tháp còn giữ được nhiều nét nguyên vẹn nhất trong số các đền tháp Chăm ở duyên hải Trung bộ nước ta.
Tháp Po Klaung Garai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, dưới thời trị vì của vua Jaya Simhavarman III - nhân vật khá quen thuộc được sử Việt gọi là Chế Mân - để thờ phụng vua Po Klaung Garai.
Theo truyền thuyết Chăm, Po Klaung Garai trị vì vào giai đoạn cuối thế kỷ XII, được người Chăm thờ phụng như một vị anh hùng của họ. Ông được cho là người có công xây dựng nên hệ thống thủy lợi Nha Trinh (nay thuộc xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) đã tồn tại hơn 700 năm nay. Ngoài việc giúp dân làm thủy lợi, tương truyền nhà vua còn là người tài giỏi và nhiều mưu mẹo: giúp dân tránh đổ máu trong cuộc chiến với người Khmer bằng việc chiến thắng trong cuộc thi xây tháp.
Cụm tháp Chăm Po Klaung Garai - nằm trên đỉnh đồi Trầu ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Theo tài liệu khảo cổ cũ, toàn bộ khu tháp có tất cả 6 ngôi tháp, 1 ngôi tháp Trung tâm và 5 ngôi tháp phụ. Tháp Trung tâm ở giữa, trước mặt có hai ngôi tháp nhỏ, trong đó ngôi tháp nhỏ ngay trước tháp Trung tâm nay đã đổ, chỉ còn lại dấu tích nền móng. Ngôi tháp phụ phía đông bắc và tây nam cũng đã sụp đổ.
Hiện nay toàn bộ khu tháp còn lại 3 ngôi gồm: tháp Trung tâm; Tháp Hỏa - có bộ mái hình yên ngựa; tháp Cổng - ngôi tháp phụ xa nhất về phía đông, trước mặt tháp Trung tâm.
Tháp Trung tâm nằm trên đỉnh đồi là ngọn tháp lớn nhất khu tháp, cao 20,5 m, mỗi cạnh tháp rộng trên 10 m.
Tháp Trung tâm là ngôi tháp đẹp nhất của khu tháp. Tuy nhiên khu tháp này được xây dựng vào giai đoạn muộn nên kiến trúc và điêu khắc khá đơn giản so với các khu tháp Chăm khác ở miền Trung. Ở ngôi tháp này, chỉ có các chi tiết hoa lửa bằng đất nung được gắn ở vòm cửa giả và bằng đá gắn ở các góc tháp, chứ không còn họa tiết điêu khắc trực tiếp trên vòm cửa hay thân tháp như ở các tháp Chăm khu vực Bình Định, Quảng Nam.
Các tượng thần bằng đá nơi ô khám các cửa giả cũng khá đơn giản. Có lẽ "giá trị" nhất là tượng bò thần Nandin nằm ở cửa tháp và tượng thần Siva đang múa nơi trán cửa của tháp Trung tâm.
Trong lòng tháp có thờ Mukhalinga của vị vua thần Po Klaung Garai đặt trên bệ Yoni.
MUKHALINGA LÀ GÌ? Theo đạo Hindu, những bậc hiền tài, có công lớn với đất nước, với xã hội, được nhân dân tôn kính sẽ được nhân dân trân trọng thờ cúng như một vị thần. Hình thức tôn kính trang trọng nhất là tạc gương mặt người đó lên một linga (biểu tượng sinh thực khí của người đàn ông). Linga có tạc hình mặt người gọi là Mukhalinga. Ở Việt Nam, linga có rất nhiều trong các kiến trúc tôn giáo của người Chăm, tuy nhiên mukhalinga thì rất hiếm. Muakhalinga (có lẽ là duy nhất) ở Việt Nam hiện nay là tại tháp Chàm Po Klong Garai, được đặt trên bệ yoni (sinh thực khí của phụ nữ). |
Do khu tháp tọa lại tại khu vực cộng đồng Chăm sinh sống, nên hàng năm nhiều lễ hội trên đền tháp của người Chăm diễn ra ở đây, lớn nhất là lễ hội Kate - có nghi thức tắm và thay trang phục cho tượng thần.
Tháp Hỏa từng là nơi để mọi người chuẩn bị, sửa soạn lễ vật trước khi dâng lên các vị thần.
Tháp Hỏa ở góc phía nam khu tháp, là ngôi tháp có bộ mái đặc sắc hình yên ngựa. Trong các di tích tháp Chăm cổ còn lại, chỉ có một số ít các ngôi tháp có bộ mái kiểu này, tháp Hỏa Po Klaung Garai cũng giữ được bộ mái nguyên vẹn nhất so với các tháp ở nơi khác.
Mặc dù ngôi tháp Hỏa này được giữ khá nguyên vẹn nhưng thân tháp cũng không có trang trí điêu khắc gì (tháp Hỏa ở khu tháp Bánh Ít có rất nhiều tượng điêu khắc bằng gạch ở phần chân tháp, và các họa tiết điêu khắc rất đẹp ở hai đầu hồi phần mái).
Tháp Cổng - ngôi tháp xa nhất về phía đông khu tháp, như một bản sao thu nhỏ và đơn giản của tháp Trung tâm. Tuy cửa chính khu tháp quay về phía đông nhưng do sườn đông của đồi Trầu bị xói lở và rất dốc, nên lối lên khu tháp hiện tại được mở ra ở sườn thoai thoải phía nam của ngọn đồi.
Tại tháp Po Klaung Garai, ngoài các kiến trúc đền tháp cổ, còn có một số văn bia mang theo rất nhiều giá trị với các nhà khảo cổ: hai cột đá trước cửa tháp Trung tâm được khắc dày đặc chữ Chăm; một chiếc linga, hai tảng đá nằm bên ngoài khu vực tường bao cụm tháp, trong đó trên hai tảng đá phát lộ trên nền đất đều được khắc những hàng chữ Chăm vẫn còn khá rõ nét.
Từ năm 1979, khu tháp Po Klaung Garai đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, được ngành văn hóa lập thành một khuôn viên di tích rộng lớn với các công trình phụ trợ phía dưới chân đồi Trầu, tất cả nhằm mục đích giữ gìn, bảo tồn và quảng bá cho khu di tích đặc biệt này.
Dịp 30/4-1/5, các nhà hàng, quán cà phê ở Đà Lạt (Lâm Đồng) xảy ra tình trạng đông đúc, quá tải. Dù xếp hàng chờ đợi...